Hà Nội văn

Hương thơm cổ tích

Trần Huyền Trang 26/08/2023 - 07:52

Năm nay, lập thu rơi vào ngày 8 tháng 8, một ngày thật đẹp về mặt số học. Sáng sớm, tôi bóc tờ lịch cũ, cảm giác hân hoan đón chào mùa mới. Cảm giác xao động rõ ràng hơn khi tôi ra chợ, ngang góc phố, gặp một mùi hương nồng nàn như tỏa ra từ cổ tích: Mùi thơm từ mẹt thị vàng ươm của cụ bà ngồi nép bên hè phố.

505e740afbc3299d70d2.jpg
Minh họa: Công Quốc Hà

Nếu mùa thu ở những nơi khác với đặc trưng là mùa thay lá của những loài cây lớn thì ở phương Nam này, thu khe khẽ tới qua sắc vàng ươm của những trái thị đầu mùa. Trong khi nhiều loại trái cây khác được sử dụng thuốc để ra trái nghịch mùa, kết hái quanh năm thì trái thị chỉ hiện diện đúng vào độ thu sang. Có lẽ vì loại trái cây này có giá trị thấp, hoặc nó thuộc dạng khó kích ra trái nghịch mùa? Tôi không rõ. Nhưng điều này lại khiến tôi mừng thầm vì nó là loại trái cây thuận tự nhiên, không bị o ép quá đà. Tính ra, nó vẫn là loại “trái lành”, đúng như loại trái bước ra từ cổ tích.

Trái thị là món quà tuổi thơ thơm tho mà tôi từng có. Ngày nhỏ, mỗi khi vào mùa thị, trong những buổi chợ sáng, thế nào mẹ cũng tranh thủ mua một ít trái thị tròn vo, nằm gọn trong lòng bàn tay, cuống vẫn còn cành lá xanh tươi để về thắp hương. Ông Thần Tài và ông Thổ Địa luôn được mẹ ưu tiên một đĩa thị đầy vun, đẹp mắt. Mẹ nói hai ông thần này rất ưa những thứ trái cây có mùi thơm. Quả thật, không gian thơm nồng mùi thị, khiến người ta tranh thủ hít hà khoan khoái thứ lộc mà đất trời đã ban tặng.

Hồi đó, những cây thị được trồng bên hông nhà, hoặc sau vườn. Xóm tôi ở, nhiều nhà trồng cây thị lâu năm, gốc thị lớn, phải hai vòng tay ôm. Cây thị vươn cao, bóng mát che hẳn một góc vườn nhà mát rượi. Mùa thị chín, cây thị như một cột đèn khổng lồ giăng mắc đầy những bóng đèn tròn vo. Những quả thị rực lên sắc vàng, lấp lánh dưới ánh nắng xuyên qua vòm lá. Mùi thơm được gió đẩy đưa khắp các ngõ nhỏ. Người đi ngang ngõ ngỡ như mình đang được ướp một thứ nước hoa kỳ diệu.

Đĩa thị sau khi dâng cúng, mẹ chưa cho chúng tôi ăn liền. Phải đợi qua hôm sau, khi trái thị đã chín mềm, mẹ mới chia phần cho các con. Chúng tôi cầm trái thị, xoay xoay trong tay đến khi trái mềm đi mới bẻ một đường dọc trái thị. Từ đường rãnh này, chỉ cần đưa lên miệng hút nhẹ, phần cơm mềm của trái nhẹ nhàng theo lưỡi thấm vào gan ruột. Cũng giống như trái hồng, thị xanh chứa nhiều chất chát nên chỉ ăn ngon khi trái đã chín vàng, hết chát. Trái thị chỉ là quà vặt cho trẻ con hoặc là thứ tráng miệng sau bữa cơm của người lớn. Nhưng mỗi lần mùa thị đến, nỗi háo hức vẫn vẹn nguyên, như thể đó là một thức quà đặc biệt.

Ngày nhỏ, mỗi lần cầm trái thị lên, tôi lẩm nhẩm gọi tên cô Tấm và câu ca trong cổ tích: “Thị ơi thị rụng bị bà, bà để bà ngửi chớ bà không ăn”. Nhưng rồi trăm lần như một, không có cô Tấm nào hiện ra, dù chỉ để cười với tôi một cái, chứ đừng nói đến giúp tôi làm việc nhà. Dù vậy, niềm tin ngây thơ vẫn giúp tôi giữ được một tình yêu lạ lùng với trái thị.

Bây giờ, với tốc độ đô thị hóa chóng mặt, nơi tôi ở không còn nhà nào trồng thị. Nhưng chúng tôi, những người đã có những ngày thơ bé được ướp trong hương thơm cổ tích thật đẹp ấy vẫn may mắn tìm lại được tuổi thơ mình. Nó hiện diện trên mẹt tre cũ kỹ, đơn sơ của cụ bà ở hè phố này. Và còn loáng thoáng trên những chiếc xe chở trái cây bán dạo đâu đó ở các ngả đường, dù là rất hiếm.

Tôi mang một túi hương thơm cổ tích ấy về nhà. Thể nào các con cũng sẽ ồ à vui sướng khi mân mê thứ trái quê mùa này. Hôm nay, thật tình cờ khi lướt mạng, thấy hình ảnh phố phường Hà Nội cũng đã xuất hiện nhiều mẹt thị vàng ươm. Vậy là, thứ hương thơm cổ tích - hương mùa thu đã dậy lên khắp nơi, như một lời chào trìu mến của mùa...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hương thơm cổ tích