“Ðiểm sáng” xây dựng nông thôn mới

Minh Phú| 17/01/2022 13:20

(HNNN) - Vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức bởi dịch Covid-19 kéo dài, trong gian khó, người dân xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, đã cùng nhau đồng lòng vượt qua khó khăn, công tác xã hội hóa thu hút được một khoản kinh phí khá lớn để kiến thiết quê hương. Tết đang đến gần, đây cũng là thời điểm hàng chục hộ dân trong xã vào vụ thu hoạch đào, quất. Không khí phấn khởi rộn ràng các xóm thôn.

Diện mạo xã nông thôn mới Hồng Hà, huyện Đan Phượng.

Hơn nửa tỷ đồng chỉnh trang thôn xóm

Những ngày này, Cụm dân cư số 4 của xã Hồng Hà như được “thay áo mới”. Chỉ trong một thời gian ngắn, tuyến đường trục chính dẫn vào cụm dân cư đã được thảm nhựa, có vỉa hè trồng cây xanh, hoa, đặt ghế đá. Hai bên trục đường chính vào cụm dân cư, các bức tường nhà dân được tô
vẽ tạo thành tuyến đường bích họa đẹp mắt...

Bà Nguyễn Thị Thúy - Cụm trưởng Cụm dân cư số 4 xã Hồng Hà cho biết: Những đổi thay trên được bắt đầu từ tháng 10-2021, khi đó, Cụm dân cư số 4 tham gia hưởng ứng Cuộc thi “Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” do huyện phát động. Cuộc thi đã lan tỏa sâu rộng, được toàn dân chung sức tham gia. Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có 5/8 ngõ xóm của cụm dân cư được thảm nhựa với chiều dài 890m. Nhân dịp này, nhân dân trong Cụm dân cư số 4 đã xã hội hóa lắp đặt 15 biển pa nô tuyên truyền về vệ sinh môi trường, giữ gìn thôn, cụm dân cư sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn tại trục đường chính của cụm; mua các chậu hoa, cây cảnh; ghế đá... đặt ở nơi công cộng.

Không chỉ tạo chuyển biến về diện mạo bên ngoài, trong mỗi gia đình, nhận thức về vệ sinh môi trường của người dân cũng được nâng cao. Cụm dân cư số 4 tổ chức tuyên truyền đến các hộ dân sử dụng thùng rác có nắp đậy; không thả rông súc vật ra đường; tích cực tham gia tổng vệ sinh, thu gom rác thải, chỉnh trang xóm, ngõ vào ngày cuối tuần. Ông Nguyễn Hữu Kiêm (sống ở Cụm dân cư số 4) chia sẻ: Nhân dân trong cụm kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và làm đậu... Kinh tế chưa hẳn đã khá giả, năm qua lại bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, tuy nhiên người dân có ý thức rất cao trong xây dựng khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn. Chỉ với hơn 300 hộ dân, nhưng khi triển khai, Cụm dân cư số 4 đã nhận được số tiền 555 triệu đồng mà nhân dân ủng hộ để chỉnh trang đường làng, ngõ xóm.

Chủ tịch UBND xã Hồng Hà, ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết: Tham gia hưởng ứng Cuộc thi “Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” do huyện Đan Phượng phát động, Cụm dân cư số 4 đã được giải nhất trong tháng 10-2021. Hiện nay, Cụm vẫn đang tiếp tục chỉnh trang diện mạo, vừa để nhân dân vui Xuân, đón Tết vừa để hoàn thiện hồ sơ phấn đấu giành giải đặc biệt cuộc thi năm 2021. “Cái được lớn nhất của chúng tôi đó là sức lan tỏa của phong trào. Trên cơ sở kết quả đạt được ở Cụm dân cư số 4, các cụm dân cư số 5, số 8 và xóm Vạn Thắng Lợi... cũng đã nhân rộng cách làm hay trong việc huy động sức dân chỉnh trang khu dân cư. Tới đây, xã Hồng Hà tiếp tục nhân rộng phong trào sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn ra các thôn khác của toàn xã để làm đổi thay căn bản diện mạo nông thôn, giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân” - ông Hà nói.

Được biết, xã Hồng Hà có 9 cụm dân cư (thuộc 3 làng cổ là Bá Dương Nội, Bồng Lai, Tiên Tiên) và xóm Vạn Thắng Lợi. Năm 2020, xã Hồng Hà đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao. Cơ sở hạ tầng ở các thôn, xóm được đầu tư khang trang, toàn bộ các tuyến đường giao thông nông thôn của xã đã bê tông hóa, nhựa hóa; các trường học được đầu tư xây dựng đáp ứng tiêu chí dạy và học, trong đó Trường THCS xã Hồng Hà được đầu tư đạt trường chuẩn quốc gia mức độ 2. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, cụm dân cư văn hóa được nhân dân và cán bộ hưởng ứng tích cực...

Năng động trong phát triển kinh tế

Những năm qua, người dân xã Hồng Hà đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn. Trong đó, riêng làng Bá Dương Nội có nghề nấu rượu và làm đậu phụ truyền thống, thu hút hàng trăm hộ tham gia. Ngoài ra, người dân còn phát huy lợi thế ven đô, phát triển kinh doanh, dịch vụ tại địa phương và hàng trăm hộ dân buôn bán tại các chợ ở nội thành Hà Nội. Trong nông nghiệp, các hộ dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ cấy lúa kém hiệu quả sang các mô hình trồng đào, quất để có thu nhập ngày một cao hơn.

Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang đến gần. Từ cánh đồng trồng đào, quất trên địa bàn xã Hồng Hà, người dân lại hối hả cung ứng ra thị trường những cây đào, cây quất đẹp mắt. Là một trong những hộ dân trồng quất lâu năm nhất của xã Hồng Hà, gia đình anh Phạm Quang Hà, Cụm 3, có tổng diện tích hơn 1 mẫu quất. Anh Hà cho biết: “Trước đây, nhà tôi cấy lúa nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm, tôi chuyển sang trồng quất. So với cấy lúa và các loại cây trồng khác thì trồng quất có giá trị kinh tế cao hơn. Khi trồng quất, khó nhất là khâu tạo ra các dáng thế độc đáo. Làm được điều đó thì sẽ nâng giá trị của cây lên rất nhiều. Chính vì vậy, tôi dành nhiều thời gian để “gò”, tạo cây thế có giá trị” - anh Hà nói.

Gắn bó với cây đào từ nhiều năm nay, thời điểm này, các thành viên trong gia đình anh Nguyễn Văn Quyết, Cụm dân cư số 8, đang bận rộn cắt bán đào cành cho người chơi Tết sớm và chăm sóc cho những cây còn lại để bán vào thời điểm Tết Nguyên đán. Anh Quyết chia sẻ: “Thời điểm này, việc chăm sóc những gốc đào không còn vất vả như giai đoạn tuốt lá nhưng người trồng đào vẫn phải “ăn cùng đào, ngủ cùng đào”. Do áp dụng đúng quy trình chăm sóc, vườn đào của gia đình tôi đã phát triển tương đối đồng đều. Không chỉ người Hà Nội mà thương lái ở nhiều tỉnh xa cũng biết đến và đặt mua”.

Được biết, trên địa bàn xã Hồng Hà hiện có khoảng 20ha đào, quất được chuyển đổi từ diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả. Dù chăm sóc vất vả, phải đầu tư nhiều thời gian, phụ thuộc vào thời tiết và giá cả thị trường, song với người dân xã Hồng Hà, trồng quất và đào vẫn là nghề mang lại thu nhập cao hơn nhiều so với cấy lúa và trồng các loại rau màu khác.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã Hồng Hà cho biết: Nhờ trồng đào, quất mà xã Hồng Hà đã giải quyết tốt vấn đề việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Đến nay, xã Hồng Hà không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 72 triệu đồng/người/năm.

Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang đến gần, dù dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nhưng với sự năng động trong phát triển kinh tế, người dân xã Hồng Hà tiếp tục gặt hái thành công. Cùng với đó, diện mạo nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn hơn qua mỗi ngày, hứa hẹn mang tới cho người dân một cái Tết đủ đầy trong lộ trình xây dựng quê hương thành xã nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Ðiểm sáng” xây dựng nông thôn mới