Khó nhân rộng mô hình mạ khay, cấy máy

Bạch Thanh| 05/07/2019 16:34

(HNM) - Áp dụng mô hình mạ khay, cấy máy cho năng suất lúa tăng 10-15% so với phương pháp truyền thống, góp phần giải phóng sức lao động cho nông dân, giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập và thực hiện một trong 19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới tại các địa phương… Hiệu quả đã rõ, song mô hình này vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ để nhân rộng...

Vụ xuân năm 2019, gia đình ông Lê Hiếu Thảo ở xã Minh Đức (huyện Ứng Hòa) canh tác 4 sào lúa theo mô hình mạ khay, cấy máy. Đây là năm thứ 2 gia đình ông thực hiện canh tác theo phương thức mới, hiệu quả cao hơn và giảm chi phí 200 nghìn đồng/sào trở lên so với phương pháp truyền thống...

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Thủy ở xã Đồng Quang (huyện Quốc Oai) cũng triển khai mô hình mạ khay, cấy máy năm thứ 3 liên tiếp, hiệu quả hơn hẳn so với phương pháp truyền thống bởi đã giải phóng được sức lao động, năng suất lúa tăng cao...

Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp xã Liên Hà (huyện Đông Anh) Lê Văn Tỵ, một trong 5 đơn vị tham gia mô hình mạ khay, cấy máy năm 2019 của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết: Việc áp dụng mạ khay, cấy máy còn giúp ruộng lúa thông thoáng, giảm sâu bệnh hại, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật; đặc biệt là cho năng suất lúa cao hơn từ 10 đến 15% so với cấy tay truyền thống...

Từ những hiệu quả trên, năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất mạ khay với quy mô 108.000 khay mạ để cấy máy cho 400ha lúa cả vụ xuân và vụ mùa. Mô hình được thực hiện tại 5 xã thuộc 4 huyện: Ứng Hòa (2 xã); Quốc Oai, Chương Mỹ, Đông Anh (mỗi huyện thực hiện tại 1 xã). Theo đó, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ các địa phương tham gia mô hình 50% giống lúa, 50% khối lượng giá thể và 50% khay nhựa đựng mạ. Kết quả đánh giá vụ xuân 2019 cho thấy, lúa canh tác bằng mạ khay, cấy máy sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất đạt 60-62 tạ/ha; so với canh tác truyền thống, chi phí giảm 3,9-5,45 triệu đồng/ha. Còn với vụ mùa, sau việc gieo mạ cấy máy, lúa đang sinh trưởng và phát triển tốt...

Lợi ích từ mô hình mạ khay, cấy máy đã rõ ràng, tuy nhiên, việc áp dụng phương pháp này vẫn rất thấp, chỉ chiếm 3% diện tích gieo cấy toàn thành phố. Nguyên nhân là sản xuất mạ khay đòi hỏi đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng: Kho bãi, nhà xưởng (chứa máy móc, giá thể) và diện tích đất tập kết khay mạ. Bên cạnh đó, phần lớn cơ sở sản xuất mạ khay phải mua giá thể, chưa tự sản xuất được... dẫn đến chi phí sản xuất cao; đội ngũ cán bộ cơ sở còn thiếu và yếu về chuyên môn; người sử dụng máy, thiết bị hầu hết chưa được đào tạo kiến thức cơ bản nên quá trình thực hiện còn lúng túng. Mặt khác, cơ sở dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị nông nghiệp chưa phổ biến…

Để tạo điều kiện mở rộng diện tích lúa áp dụng cơ giới hóa trong khâu gieo cấy, theo bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, thời gian tới, thành phố cần có cơ chế chính sách hỗ trợ mỗi huyện, thị xã thành lập từ 1 đến 2 trung tâm sản xuất mạ khay đồng bộ ở tất cả các khâu. Ngành Nông nghiệp tiếp tục tăng cường tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu cho người sử dụng máy móc, thiết bị, kỹ thuật sử dụng, sửa chữa máy cấy, dây chuyền gieo mạ... Các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân thấy được hiệu quả từ việc cơ giới hóa khâu gieo cấy, qua đó, nông dân tự tin hơn khi áp dụng phương pháp tiên tiến này...

"Trên cơ sở đánh giá hiệu quả mô hình, đề nghị Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tạo điều kiện về vốn vay để các hộ nông dân có thể tham gia đầu tư sản xuất mạ khay, cấy máy; đồng thời, tăng cường liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp xây dựng chuỗi thu mua lúa gạo từ các mô hình mạ khay, cấy máy... qua đó, khuyến khích nông dân tham gia..." - Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khó nhân rộng mô hình mạ khay, cấy máy