Kinh nghiệm phục hồi cung điện Gyeongbok

Quỳnh Dương| 16/09/2022 10:25

(HNMCT) - Nằm ở trung tâm Thủ đô Seoul, cung điện Gyeongbok là một trong những địa danh mang tính biểu tượng của Hàn Quốc. Trong hơn 600 năm tồn tại, cung điện đã bị phá hủy nhiều lần do những biến cố về chính trị và chiến tranh, tuy nhiên, ngày nay cung điện Gyeongbok đã được phục hồi gần như nguyên trạng.

Cung điện Gyeongbok thu hút hàng triệu khách du lịch tới thăm hàng năm.

Cung Gyeongbok theo tiếng Hán Việt là cung Cảnh Phúc, còn được biết đến với tên gọi Bắc cung vì vị trí tọa lạc hướng nhiều về phía Bắc so với các cung điện xung quanh như Changdeokgung - Đông cung và Gyeongheegung - Tây cung. Được xây dựng vào năm 1395 bởi vua Taejo - nhà vua đầu tiên và cũng là người sáng lập triều đại Joseon. Đây chính là công trình lớn nhất trong quần thể kiến trúc hoàng cung ở Seoul, thể hiện quyền lực tối cao của đất nước.

Các chuyên gia văn hóa cho rằng, cung Gyeongbok là công trình tiêu biểu cho nền nghệ thuật kiến trúc phương Đông, chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán. Đối với người Hàn Quốc, đây là một nét son về mặt lịch sử, nơi vua chúa các triều đại phong kiến thiết triều.

Năm 1990, chính phủ Hàn Quốc đã khởi động Dự án trùng tu cung điện Gyeongbok với quy mô lớn. Mục tiêu là xây dựng lại cung điện Gyeongbok gần giống với diện mạo trong thời kỳ trị vì của Hoàng đế Gojong (1863 - 1907), khi có khoảng 500 tòa nhà nằm trong khuôn viên của cung điện. Trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng, 93% cung điện đã bị phá hủy, chỉ còn lại 36 tòa nhà ở hình dạng ban đầu. Việc khai quật cung điện bắt đầu từ năm 1991.

Theo Cục Di sản văn hóa, trong giai đoạn đầu của dự án (1990 - 2000), với tổng kinh phí là 157,2 tỷ won (133,5 triệu USD), khoảng 89 tòa nhà đã được trùng tu. Hiện tại, dự án trùng tu đang trong giai đoạn thứ hai, dự kiến sẽ khôi phục thêm 80 tòa nhà và hoàn thành vào năm 2030. Toàn bộ dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2045.

Shin Eung-soo, một kiến trúc sư có tiếng trong lĩnh vực bảo tồn của Hàn Quốc, người đã tham gia giai đoạn đầu tiên của dự án trùng tu cung điện Gyeongbok cho biết: “Khôi phục cung điện hoàng gia không đơn thuần là một dự án khôi phục di sản văn hóa, mà còn khôi phục lại niềm tự hào dân tộc, tái tạo lại một công trình lịch sử đã mất của chúng tôi. Để làm được điều này, chúng tôi đã phải sử dụng nhiều tư liệu lịch sử khác nhau như bản đồ cung điện Gyeongbok được vẽ dưới triều đại của vua Gojong, cuốn sách ghi lại tên và vị trí của các tòa nhà bên trong cung điện, cũng như những bản vẽ còn được giữ lại”.

Công việc phục dựng bản vẽ để xây dựng lại cung điện gặp rất nhiều khó khăn do thông số các bản vẽ không đầy đủ. Tài liệu giữa các thời kỳ cũng có sự chênh lệch về vị trí, kích thước. Vì thế, rất nhiều hội nghị chuyên đề và các cuộc thảo luận được tổ chức nhằm xin ý kiến các chuyên gia khảo cổ liên quan đến dự án trùng tu với mục tiêu khôi phục cung điện trở lại đúng như hình dáng ban đầu.

Kim Dong-wook, thành viên của Cục Quản lý tài sản văn hóa cho biết: “Những nỗ lực khôi phục cung điện Gyeongbok về trạng thái ban đầu đã không được thực hiện một cách nghiêm túc cho đến năm 1990. Sau 30 năm nỗ lực, cuối cùng chúng tôi cũng gần hoàn thành nhiệm vụ. Cố cung Gyeongbok đã được phục dựng với đường nét cổ kính gần như nguyên mẫu xa xưa. Kiến trúc có quy mô to lớn, khí thế hào hùng thể hiện sự uy nghiêm hoàng quyền. Bố cục đối xứng trong toàn bộ tổng thể qua trục chính bắc - nam gây được cảm giác các lớp kiến trúc trùng điệp. Mặt bằng công trình hình chữ nhật. Mái nhà cấu tạo gồm hai tầng mái nối chồng lên nhau... Nếu như giai đoạn đầu tiên của dự án là khôi phục lại diện mạo của hầu hết các tòa nhà trung tâm của cung điện, thì giai đoạn thứ hai là khôi phục các chức năng của cung điện”.

Năm 2007, cung Gyeongbok đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Sau khi được xây dựng lại, cung điện này đã trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng, là nơi tham quan lý tưởng cho những ai muốn tìm hiểu văn hóa, lịch sử Hàn Quốc. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, có khoảng 10 triệu du khách nước ngoài đến thăm cung điện hoàng gia của triều đại Joseon (1392 - 1910) hằng năm, đi dạo quanh khuôn viên rộng lớn, mặc hanbok (trang phục truyền thống của Hàn Quốc) để trải nghiệm cảm giác trở thành thành viên trong gia đình hoàng gia xứ Kim chi. Các nghi lễ diễu binh của ngự lâm quân cũng được tái hiện hằng ngày ở cung Gyeongbok nhằm giúp du khách hình dung về hoạt động của các triều đại vua chúa ngày xưa.

Tương tự như Gyeongbok, nhiều cung điện khác trong quần thể hoàng cung tại Seoul cũng được Hàn Quốc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị một cách hiệu quả. Các chuyên gia UNESCO cho rằng, Hàn Quốc sở hữu nhiều di sản có giá trị với nhân loại. Công tác gìn giữ và bảo tồn các “kho tàng” văn hóa này của Hàn Quốc đang được thế giới đánh giá cao theo những tiêu chuẩn khách quan. Điều này góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp du lịch của Hàn Quốc và thu hút thêm nhiều du khách nước ngoài đến đây.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh nghiệm phục hồi cung điện Gyeongbok