Nhiều chỉ tiêu thu ngân sách đạt cao
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, huyện Mê Linh đã bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy Hà Nội để chủ động ban hành các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2022, Huyện ủy, UBND huyện Mê Linh đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, chỉ tiêu và phân công rõ trách nhiệm trong tổ chức triển khai của từng đơn vị. Nhờ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của huyện tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao; tổng giá trị sản xuất một số ngành kinh tế ước đạt 19.342 tỷ đồng, tăng 8,5% so cùng kỳ.
Một số chỉ tiêu thu ngân sách của huyện trong 9 tháng của năm 2022 đạt và vượt kế hoạch thành phố giao. Điển hình, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện ước đạt 7.056 tỷ đồng, trong đó thu nội địa gần 1.020 tỷ đồng, đạt 121% dự toán thành phố giao, bằng 171,5% so cùng kỳ; thu tiền sử dụng đất đạt hơn 977 tỷ đồng, bằng 291,7% dự toán giao, gồm: Thu tiền sử dụng đất các dự án là 198 tỷ đồng, bằng 396,6%; thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất 733 tỷ đồng, bằng 261,9% dự toán thành phố và huyện giao...
Sản xuất công nghiệp có tốc độ phục hồi nhanh và là nền tảng quan trọng để duy trì mức tăng trưởng kinh tế chung của toàn huyện, với giá trị sản xuất 9 tháng qua ước đạt gần 17.000 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ... Trong đó, một số doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng cao như: Công ty TNHH Katolec Việt Nam tăng 35,1%, Công ty TNHH Synopex Việt tăng 27,5%, Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Vit-garment tăng 22,8%, Công ty cổ phần Sữa Hà Nội tăng 13,7%, Công ty Sợi Vinh Phát tăng 10,9%, Công ty cổ phần Cửa sổ nhựa châu Âu tăng 10,2%.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng cao, với giá trị sản xuất toàn ngành đạt gần 1.900 tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch, tăng 3,8% so với cùng kỳ; trong đó nông nghiệp tăng 3,8%, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,9%. Hoạt động chăn nuôi phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra; quy mô phù hợp nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của thị trường.
Hiện nay, ngành chức năng trong huyện tích cực hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi, thực hiện vệ sinh khử trùng tiêu độc phòng bệnh để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, kịp thời cảnh báo, phát hiện sớm, xử lý hiệu quả, không để dịch bệnh trên đàn vật nuôi bùng phát, lây lan...
Phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ
Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, trên cơ sở kết quả đã đạt được, trong 3 tháng cuối năm, huyện tiếp tục quán triệt, triển khai các chương trình công tác và nghị quyết quan trọng của Thành ủy; 5 nhiệm vụ chủ yếu 2 khâu đột phá tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI nhiệm kỳ 2021 - 2025.
Huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo tăng cường thực hiện chủ đề công tác năm 2022 của thành phố “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Đặc biệt, huyện bám sát chỉ đạo của đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng để triển khai các nhiệm vụ chính trị, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Trong đó, huyện tăng cường kỷ luật tài chính, công tác quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ thuế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, kiểm tra chuyên ngành, quản lý hóa đơn điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, tạo môi trường thuận lợi, rõ ràng, minh bạch cho người nộp thuế; tập trung giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án xây dựng hạ tầng khu đấu giá quyền sử dụng đất; tích cực đồng hành cùng các chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án chậm triển khai; đôn đốc các dự án hoàn thành nghĩa vụ tài chính; phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 của huyện đạt 1.556 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục rà soát, cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, tập trung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng ngân sách nhà nước; đẩy mạnh công khai, minh bạch trong điều hành, thu chi ngân sách; triệt để tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng; đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển của các ngành kinh tế bằng cách thực hiện các chương trình, đề án của huyện về phát triển kinh tế, nhất là các đề án: “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện trong quá trình đô thị hóa giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”; “Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn huyện giai đoạn 2020 - 2025”; “Thu hút các nguồn lực, nâng cao hiệu quả đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh”... phấn đấu tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất của một số ngành chủ yếu đạt trên 7,5%; tập trung phát triển ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện bằng việc phối hợp chủ đầu tư triển khai các bước thủ tục mở rộng dự án Khu công nghiệp Quang Minh II; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư trong Khu công nghiệp Quang Minh II triển khai dự án khi quy hoạch được phê duyệt; tiếp tục phối hợp với các sở, ngành thành phố trong việc rà soát, bổ sung hồ sơ đề xuất quy hoạch mở rộng Khu công nghiệp Tiến Thắng và bổ sung quy hoạch các cụm công nghiệp tại xã Tam Đồng và xã Vạn Yên; triển khai hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật mới vào sản xuất thông qua chương trình khuyến nông cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết 10/2018/NQ-HĐND thành phố; tập trung huy động, ưu tiên nguồn lực đầu tư, cải tạo hạ tầng đường giao thông, kênh mương nội đồng tại các vùng quy hoạch sản xuất nhằm khuyến khích, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển kinh tế địa phương.
“Với việc triển khai quyết liệt nhiều nhiệm vụ và giải pháp, chúng tôi tin tưởng huyện Mê Linh sẽ phát triển xứng tầm với tiềm năng, lợi thế vốn có. Đồng thời, huyện sẽ hiện thực hóa mục tiêu trở thành đô thị dịch vụ phát triển phía Bắc Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới” - Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn khẳng định.