Ít học nhưng giỏi giang
Nhà hàng hải, thương nhân người Anh William Dampier đến Thăng Long năm 1688, sau đó ông viết cuốn du ký Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688 (Un voyage au Tonkin en 1688). Trong cuốn sách này ông đánh giá cao khả năng buôn bán của những phụ nữ Thăng Long làm nghề đổi tiền: “Đổi tiền là một nghề quan trọng ở đây. Làm nghề này là phụ nữ, họ là những người khéo léo và khôn ngoan đặc biệt về nghề này. Họ thực hiện công việc về đêm và biết cách sinh lời giỏi chẳng kém các nhà buôn cổ phần tinh khôn nhất ở London”.
Thăng Long là trung tâm thương mại lớn nhất Đại Việt, còn có tên là Kẻ Chợ, thế nên không chỉ có nghề đổi tiền, phụ nữ Thăng Long còn buôn bán nhiều mặt hàng khác. Nhờ tài buôn bán của các bà, các cô mà nhiều gia đình trở nên giàu có. Thế kỷ XVIII, ở phố Hàng Ngang có cụ Diên Thái buôn chè, thuốc lào mà mua được nhiều mẫu đất ở Thanh Trì, cho con ăn học thành tài.
Thế kỷ XIX, Hà Nội có câu: “Nhất Cống Sùng, nhì Cống Vẽ”. Bà Cống Vẽ ở phố Hàng Gai, bà Cống Sùng ở phố Hàng Bông là 2 người đàn bà giàu nhất Hà Nội một thời. Bà Cống Vẽ chuyên buôn bán sợi gai, bao gai còn bà Cống Sùng chuyên buôn bán bông, loại nguyên liệu quan trọng làm ra vải, chăn, áo ấm. Nhà bà Cống Vẽ thuộc loại đẹp, sang nhất Hà Nội và vì thế, năm 1883, người Pháp đã lấy nhà bà làm trụ sở Công sứ. Cuối thế kỷ XIX có bà Lê Thị Lễ - vợ nhà yêu nước Lương Văn Can - đảm đang, giỏi buôn bán nên ông cử Can mới có tiền duy trì phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục.
Đầu thế kỷ XX có bà Hoàng Thị Minh Hồ là vợ ông Trịnh Văn Bô, bà Vương Thị Lài... và nhiều phụ nữ khác cũng rất giỏi giang. Con gái Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Gai... xưa buôn bán giỏi đến mức họ có quyền chọn chồng. “Phi cao đẳng bất thành phu phụ”, không học cao đẳng thì đừng bao giờ nghĩ đến việc lấy họ.
Xưa, công việc buôn bán ở nhiều nước châu Á, trong đó có cả Trung Quốc, đều do đàn ông đảm nhiệm, thế nhưng ở Việt Nam lại khác. Nhà sử học Nguyễn Quang Ngọc cho rằng phụ nữ các vùng quê đã tạo nên mạng lưới thương mại nhưng họ cũng chỉ buôn bán nhỏ ở chợ làng, chợ xã. Còn nhà nghiên cứu Đặng Thị Vân Chi nhận định: Chính phụ nữ Hà Nội đã làm nên bộ mặt kinh tế hàng hóa ở Việt Nam xưa. Điều lạ lùng là xưa kia, do quan niệm Nho giáo, con gái ít học nhưng ai nợ họ nhớ không sai một cắc, thiếu ai họ cũng không quên dù chỉ một xu. Sự kỳ lạ này rất khó lý giải, chỉ có thể nói là trời phú cho họ khả năng tính nhẩm và trí nhớ cùng khả năng giao thương.
Biết ăn, biết mặc
Ở ngoại ô kinh thành Thăng Long xưa có nhiều món ăn nổi tiếng, nhiều món vẫn còn đến ngày nay như bún ốc Khương Thượng, Pháp Vân, bánh cuốn Thanh Trì, cốm Vòng... hay các món giờ không còn là chả cá làng Lủ, “giò Chèm, nem Vẽ”, bánh rán Kẻ Cót, rượu Mơ... Chế biến và mang những thứ đó vào bán trong thành hầu hết là đàn bà con gái.
Nếu ở nông thôn, tay dao tay thớt khi làng có việc hay hiếu hỷ, giỗ chạp đều do đàn ông nấu cỗ, đàn bà con gái chỉ làm việc phụ, thế nhưng ở Hà Nội thì ngược lại, nấu cỗ lại do phụ nữ đảm nhiệm. Người biết nấu ăn cũng là người sành ăn. Tất nhiên, đàn ông Thăng Long - Hà Nội dù không nấu cỗ nhưng họ “biết” ăn. Chính vì thế nên họ giúp người chế biến điều chỉnh, nhiều món ăn ở quê khi ra Thăng Long - Hà Nội đã được nâng cấp, tinh và thanh hơn. Mặt khác, đất kinh kỳ có tầng lớp trung lưu đông đúc, họ dư dả thời gian nên hay bày vẽ ăn uống, sáng chế các món mới.
Không chỉ sành ăn, phụ nữ Thăng Long - Hà Nội còn biết mặc gì cho ra dáng thanh lịch. Richard là thầy tu người Anh sang Đại Việt, sống ở Thăng Long nhiều năm và viết cuốn Lịch sử tự nhiên, dân số và chính trị xứ Đàng Ngoài (Histoire naturelle civile et politique du Tonkin) - xuất bản ở Paris vào năm 1778. Về phụ nữ Thăng Long, ông ta viết: “Vào mùa đông, cái áo bên ngoài họ mặc thường là màu sẫm nhưng giấu bên trong là một tủ quần áo đủ màu sắc, mỗi màu hở ra một tí như khoe với đám đàn ông và cũng chứng tỏ đẳng cấp và sự chơi hơn các cô gái bình dân”. Đạo đức Nho giáo rất khắt khe, phụ nữ Thăng Long - Hà Nội biết cách khoe mà thiên hạ không thể đàm tiếu được.
Thời Hậu Lê, Hàng Đào có đình Yếm Thị, nơi không chỉ bán yếm đình mà còn bán đủ thứ dành riêng cho phụ nữ, từ vải, lụa đến đồ trang sức. Ở kinh thành, cái yếm của phụ nữ bình dân màu trắng, con gái nhà quan và nhà giàu thường mặc yếm màu hồng, còn yếm màu hoa đào bị cho là lẳng lơ, không đứng đắn dù có khối cô mặc. Không chỉ yếm cổ quả tim mà còn có loại yếm trễ, hở cổ. Từ mốt váy trơn đến mốt váy có nếp gấp, từ áo tứ thân đến áo năm thân, từ mớ ba đến mớ bảy rồi chuyển sang quần lĩnh; từ khăn lụa trơn sang khăn gấm màu... Thế nên mới có thành ngữ “Ăn Bắc, mặc Kinh”. Vì “biết” mặc nên các làng dệt đã sáng tạo ra the, lĩnh, lượt... đáp ứng nhu cầu của quý bà, quý cô.
Mốt một thời của các bà buôn bán là áo dài, thắt lưng đào, lại đeo một bộ “xà tích” bằng bạc với chiếc ống vôi nhỏ hình quả đào xinh xinh để đựng thuốc lào (đàn bà xưa ăn trầu thường thêm chút thuốc lào để đôi má thêm hồng) và chùm chìa khóa. Con gái thì áo dài năm thân tay rộng, cài năm khuy nhưng khi mặc các cô chỉ cài 4 chiếc, để hở khuy cổ, khoe yếm cổ xây ôm lấy cái cổ nõn nà. Yếm của quý bà bao giờ cũng có thêm đường dây tết hình quả trám.
Cái nón với nhiều phụ nữ chỉ là thứ che nắng che mưa hay để giữ cho làn da không bị sạm nắng, nhưng với con gái Hà Nội, đó còn là đồ trang điểm.
“Hà Nội thì kết quai tua/ Có hai con bướm đậu vừa xung quanh/ Tứ bề nghiêng nón nghiêng vành/ Ở giữa con bướm là hình ông trăng”
Cuối thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp xâm lược Hà Nội, kéo theo sự “đổ bộ” của hàng hóa phương Tây, trong đó có nước hoa, thì nhiều phụ nữ Hà Nội đã mua dùng. Nhận xét về người Thăng Long - Hà Nội, vua Tự Đức đã thốt lên “Kiêu bạc, xa xỉ, phóng đãng”; đàn ông đất này kiêu bạc, nhưng xa xỉ thì đúng với cả đàn ông và đàn bà. Đàn bà con gái chịu khó làm đẹp, để vừa mắt chồng, cũng là cho thiên hạ biết ta ở thứ bậc nào trong xã hội.
Không cam chịu
Trong nửa đầu thế kỷ XX, Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo, phụ nữ chỉ có chức phận sinh đẻ và không có tiếng nói trong gia đình và xã hội. Thế nhưng các cô gái trẻ Hà Nội dám vượt qua định kiến.
Năm 1927, các cô đã thành lập ban kịch “Nữ tài tử” và trình diễn vở Trang tử cổ bổn để lấy tiền ủng hộ đồng bào bị bão lụt, bất chấp những ý kiến cho rằng con nhà gia giáo không nên “vác bộ mặt hoa da phấn lên sân khấu múa may quay cuồng”. Nhiều cô tập đi xe đạp bất chấp những cái lườm nguýt của dân hàng phố.
Số phụ nữ Hà Nội đi học tăng lên nhanh chóng. Sự xuất hiện các cô gái sống theo lối mới dần dần tạo nên phong trào “tân thời” ở Hà Nội trong những năm ba mươi. Có thể họ bị ảnh hưởng của văn minh phương Tây nhưng rõ ràng học vấn đã giúp họ thay đổi nhận thức. Họ bỏ quần áo màu thâm, mặc quần trắng, áo trắng, rẽ tóc ngôi lệch, cạo răng đen, để răng trắng, dùng son môi. Các cô đi bơi ở Quảng Bá vào mùa hè, mặc quần soóc đi bộ vào chùa Trầm, vào sàn khiêu vũ.
Phong trào “tân thời” đã làm phố phường Hà Nội cũng có nhiều thay đổi với những cô gái duyên dáng trong chiếc áo dài Le Mur, Lê Phổ nhiều màu sắc, hay là sự kết hợp hài hòa giữa y phục truyền thống với phong cách thời trang mới. Phong trào “tân thời” không chỉ khẳng định giá trị bản thân mà còn là sự thách thức quan niệm đạo đức Nho giáo lỗi thời đang đè nặng lên thân phận người phụ nữ. Đó là phong trào của sự dũng cảm, vì sự tiến bộ của xã hội.
Những cô gái Hà Nội dám bước ra khỏi ngôi nhà của mình để thay đổi bản thân, tham gia các hoạt động xã hội với khát vọng được cống hiến. Đó có thể gọi là cuộc cách mạng trong nhận thức của phụ nữ Hà Nội. Và trong số đó, không ít chị em đã dấn thân tham gia cách mạng để cùng với đàn ông làm nên việc lớn.