Nghề cực nhọc
Theo những người cao tuổi ở làng Võ Lao, nghề đánh dậm đã gắn bó với người dân trong làng từ hàng trăm năm nay. Không hiểu vì lý do gì mà gần như chỉ có đàn bà, con gái trong làng làm nghề này. “Mẹ truyền con nối”, cứ thế, từ đời này sang đời khác, những người phụ nữ ở làng Võ Lao cặm cụi với nghề. Và cùng với thời gian, nghề đánh dậm trở thành “truyền thống”, thước đo về sự chịu thương, chịu khó của phụ nữ ở Võ Lao.
Tuy đã rời xa nghề đánh dậm hơn hai chục năm, bà Phan Thị Nghiệp (58 tuổi) ở xóm Phúc Tiến, thôn Võ Lao, vẫn nhớ như in sự vất vả, cơ cực của những ngày ngược xuôi nơi đồng đất quê người để kiếm từng con tôm, con tép bán lấy tiền đong gạo nuôi con. Thời điểm ấy, vào lúc nông nhàn, đàn bà, con gái trong làng lại rời gia đình để đi đánh dậm kiếm thêm thu nhập. Vì thế, trong làng vắng bóng đàn bà, con gái, chỉ còn toàn đàn ông, con trai...
Theo bà Phan Thị Nghiệp, để có thể kiếm được nhiều tôm, cá, các bà, các chị phải đi xa nhà vài chục cây số, thuê nhà ở trọ, có khi cả tháng mới về nhà một lần. Nhóm thì xuôi về Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên, nhóm thì ngược lên Hà Đông, ra tận hồ Tây để đánh dậm. Hằng ngày, họ dậy từ 3-4 giờ sáng để nấu ăn, rồi mỗi người quấn quanh mình vài ba cái giỏ, vác trên vai cái dậm, chiếc bàn đạp, hợp thành từng tốp 5-7 người lên đường tìm đến các kênh mương, ao hồ tự nhiên để đánh bắt cá rồi chiều đến thì tìm về các chợ để bán cá, tôm kiếm được trong ngày.
Với nghề đánh dậm, gần như suốt ngày họ phải dầm mình dưới nước. Ngày nắng còn đỡ, những ngày mưa rét thì không thể kể hết sự vất vả mà họ phải trải qua. Vì dầm mình dưới nước suốt ngày, hầu hết những người làm nghề đánh dậm đều mắc bệnh thấp khớp, phụ khoa hoặc bệnh ngoài da. Vất vả là thế, nhưng số tiền kiếm được hằng ngày cũng chẳng được bao nhiêu. Vì thế mà những người phụ nữ lam lũ phải “thắt lưng, buộc bụng”, ăn uống kham khổ, chắt chiu từng đồng để có tiền mang về cho gia đình…
Cái danh ấy đang lùi vào dĩ vãng
Có lẽ vì nghề đánh dậm quá cực nhọc, vất vả; hơn nữa, môi trường ngày càng ô nhiễm nên lượng cá, tôm tự nhiên không còn nhiều, vài năm trở lại đây, nhiều chị em ở Võ Lao đã chuyển nghề. Bà Nguyễn Thị Tuyết, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Văn Võ cho biết, đến thời điểm này, chỉ còn hơn 10 phụ nữ trong làng theo nghề đánh dậm. Độ tuổi của họ dao động trong khoảng 40 đến 50 tuổi.
“Đây thực sự là tín hiệu mừng đối với địa phương, khi ngày càng nhiều chị em phụ nữ Võ Lao “chia tay” với cái nghề vất vả, thu nhập không cao, lại hay phải xa gia đình như nghề đánh dậm để chuyển sang nghề khác cho thu nhập cao hơn, có thời gian chăm sóc gia đình. Bây giờ, trong làng không còn quan niệm lạc hậu: Đàn bà, con gái là phải biết đánh dậm, nếu không thì không lấy được chồng!” - bà Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ.
“Các con gái, con dâu của tôi không còn nối nghiệp tôi theo nghề đánh dậm. Hiện nay, đứa thì đi làm công nhân may, đứa thì buôn rau, buôn cá ở các chợ quê... Chúng đều chịu thương, chịu khó, tần tảo cùng chồng xây đắp cuộc sống gia đình ấm no, sung túc hơn” - bà Phan Thị Nghiệp vui mừng cho biết.
Cũng như những người con gái, con dâu của bà Phan Thị Nghiệp, ở làng Võ Lao bây giờ, hầu hết chị em phụ nữ trong độ tuổi lao động, nếu không làm nón tại nhà, thì đi làm công nhân ở các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Chương Mỹ hoặc làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn các huyện Thanh Oai, Ứng Hòa; số khác làm nghề buôn bán tự do. Bà Phan Thị Thịnh (45 tuổi) ở xóm Tân Hợp, làng Võ Lao cho biết, mấy năm nay bà đã không còn là “lính chuyên nghiệp” hành nghề đánh dậm như trước. Ngoài chăm lo cày cấy 7 sào ruộng (2 vụ), cùng chồng chăm sóc khoảng 1 sào vườn, bà còn đi làm thuê cho các cánh thợ xây quanh vùng. Nhờ đó mà cuộc sống của gia đình bà tương đối đầy đủ, không còn vất vả như những năm trước.
Theo Chủ tịch UBND xã Văn Võ Nguyễn Văn Hưng, sau khi địa phương thực hiện xong việc dồn điền, đổi thửa, hệ thống thủy lợi được đầu tư cải tạo, giúp việc tưới tiêu thuận lợi hơn trước rất nhiều. Nhờ đó, địa phương có điều kiện để đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đồng thời, mỗi năm gieo trồng 2 vụ lúa “ăn chắc”, không còn bấp bênh như trước, với năng suất hơn 2 tạ/sào/vụ…
Cùng với đó, cây cầu Văn Phương được hoàn thành, đưa vào sử dụng, nối liền 2 bờ sông Đáy cách đây hơn 3 năm đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, mở rộng giao thương. Văn Võ đã không còn là địa phương vùng sâu, vùng xa của huyện Chương Mỹ. Năm 2018, xã Văn Võ được thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, với mức thu nhập bình quân đạt 43 triệu đồng/người/năm.
“Tôi tin chắc, chỉ vài năm nữa, ở Võ Lao sẽ không còn chị em phụ nữ làm nghề đánh dậm. Theo đó, cái danh “Làng đàn bà đánh dậm” sẽ lùi vào dĩ vãng!” - ông Nguyễn Văn Hưng khẳng định.