Hồ Gươm - ký ức xưa và đổi thay hôm nay
Bao lớp người “phố Hàng” tạc lòng những câu chuyện, những câu hát về Hồ Gươm (hồ Hoàn Kiếm) như cách mở đầu câu chuyện đầy tự hào về “ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó…”. Và trong mỗi vùng ký ức luôn là lấp lánh tự hào về một Bờ Hồ, nơi nuôi những ước mơ, chắp những đôi cánh cho bao trái tim người Hà Nội bay xa...

Những ngày thương nhớ
Ít ai biết được một đoạn phố Đinh Tiên Hoàng vỏn vẹn trăm bước chân từ phố Hồ Hoàn Kiếm đến tòa nhà “hàm cá mập” thời xưa có tận 3 cửa hàng bách hóa. Nằm ngang dãy lẻ phố Hồ Hoàn Kiếm có một số nhà duy nhất, cũng chính là cửa hàng bách hóa bán sách nổi tiếng một thời. Số nhà 12 phố Đinh Tiên Hoàng là cửa hàng bách hóa có cô mậu dịch viên đứng sau quầy đồ chơi thiếu nhi, lúc nào cũng đon đả. Còn cạnh tòa nhà “hàm cá mập” là cửa hàng mậu dịch quốc doanh với cái tên Bách hóa Bờ Hồ đi vào huyền thoại, có thể đi thông từ phố Đinh Tiên Hoàng sang Cầu Gỗ. Gần ngay đấy, quán cà phê sinh viên một thời đầu thập niên 90 cũng có thể đi thông từ phố Đinh Tiên Hoàng qua những hộ dân sang Cầu Gỗ khá thú vị. Tầng 1 “hàm cá mập” cho đến trước năm 90 thế kỷ trước vẫn là nơi trông giữ xe đạp, xe máy cho khách đến mậu dịch quốc doanh, ăn bánh mì kẹp kem Bờ Hồ.
Bao lớp người lớn lên quanh khu chợ Hàng Bè và các phố Hàng Gai, Hàng Đào, Lương Văn Can, Đinh Liệt… vẫn chưa thể quên quanh tòa nhà này thời trước là một chợ bán bánh mì. Bánh mì xếp chồng, bày trong rổ đội lên đầu đi rong hoặc có khi đứng quanh vỉa hè Cầu Gỗ, Đinh Tiên Hoàng, mời gọi bao ánh mắt thèm thuồng của người đi chơi Bờ Hồ. Bánh mì thưở đó đặc ruột thơm ngào ngạt chứ không nở phồng, xôm xốp như bây giờ. Khách xa đi tàu điện hay xe Hải Âu hay Karosa từ Cầu Giấy, Đống Đa đổ về bến đối diện “hàm cá mập” đi bộ sang đường kiểu gì cũng mua đôi ba cái bánh mì, kẹp với túi đường cát trắng phau mang theo. Hay sang nữa thì mua que kem của ông bán dạo có cái kèn đồng chế quả bóng cao su phía cuối bóp toe toe, để kẹp vào dụ trẻ con khỏi mè nheo sau một chặng đường dài bắt đầu dạo phố.
Cho đến trước năm 1993, người Hà Nội chơi Bờ Hồ vẫn chọn khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục để bắt đầu chuyển tham quan Bờ Hồ như thế. Đơn giản bởi nơi đây vừa là điểm cuối của tàu điện từ Bạch Mai, Thụy Khuê lên, điểm đầu của những chuyến xe buýt tỏa đi muôn nơi. Và cũng chỉ có nơi đây có tháp nước cuối tuần phun lên như hoa xua cái oi ả chuẩn bị vào hè…
Gắn bó từ thuở nhỏ, bà Đàm Thị Hòa (69 tuổi, phố Mã Mây) kể lại, trước những năm 80, khu vực này luôn nhộn nhịp bởi du khách thường đi tàu điện, xe khách về chơi. Đường tàu điện có đoạn chạy vào đầu phố Cầu Gỗ để tàu quay đầu. Đến những năm 1985, khi tàu điện bánh hơi ra đời, bến tàu bến xe chủ yếu là xe Hải Âu liên tỉnh và đã có xe buýt Karosa của Liên Xô đỗ đoạn đối diện tòa nhà khu vực trên vẫn đông vui.
Đầu những năm 1990, khi phá bỏ toà nhà điều hành tàu điện và tàu điện bánh hơi để xây “hàm cá mập” cũng là lúc đời sống người dân khấm khá, xe máy dần thay thế xe đạp, khu vực này trở thành điểm đến của giới ăn chơi sành điệu Hà Nội cả ngày lẫn đêm. Hàng quán cũng vì thế nở rộ cùng với dãy bán bánh mì góc Đinh Liệt, Cầu Gỗ thì cà phê Giảng, kem Thủy Tọa (còn gọi là Thủy Tạ), gánh trà đá, quán giải khát dưới chân tòa nhà Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và “hàm cá mập” sáng đèn ríu rít cả đêm lẫn ngày…
Những ngày chưa xa đó, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục là nơi vui chơi công cộng của lũ trẻ giờ đã tầm trung niên cả. Những buổi hè mất điện, người dân phố không ai bảo ai lại mang theo manh chiếu ra trải trên hè hóng mát. Có lúc bon chuyện còn ngủ qua đêm lúc nào không biết. Nhiều người còn nhớ chuyện ông Trung “say” phố Hàng Bạc, còn bên Thủy Tọa có ông Thông “say”, nghe đâu nhà ở phố Hàng Hành, lúc nào cũng lướt khướt nằm ăn vạ ở bến xe, bến tàu và dọa trẻ con. Năm 1984 còn có chuyện cá ở Hồ Gươm nhảy hết lên bờ, dân phố không còn phải lén lút câu trộm, nhà nhà có xô chậu đem ra nhặt mang về. Tòa nhà “hàm cá mập” lúc đó thành phiên chợ để dân buôn chợ Hàng Bè ra trao đổi. Lợi thế nhà nào đông con nhặt được nhiều cá, còn mang ra đổi bánh mì để cải thiện.
Trong hồi ký của ông Hoàng Hải, Trung đội trưởng Tự vệ phố Hàng Bè những năm 1946 Toàn quốc kháng chiến có nhắc đến khu vực tòa nhà “hàm cá mập” đầu phố Cầu Gỗ, Đinh Liệt cùng với đầu phố Hàng Dầu, Lò Sũ như điểm đầu hoạt động của “hậu phương” liên khu 1 anh hùng, nơi Đại đội trưởng Liêm (sau này là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Thượng tướng Vũ Lăng) từng sống và chiến đấu. Khu vực này là ngã 5 rộng rãi nên địch thường tập trung thiết xa, xe tăng để tấn công vào trung tâm phố cổ nhưng đều bị ta mưu trí đẩy lui… Nhà Trung đội trưởng Hoàng Hải đầu phố Cầu Gỗ hồi đó đối diện tòa nhà “hàm cá mập” trở thành đài quan sát “nhất cử nhất động” của quân địch.
Hậu duệ Trung đội trưởng Hoàng Hải giờ vẫn sống ở phố Hàng Bạc là bà Nguyễn Bích Hợp kể lại: “Hồi còn sống bố tôi vẫn có thói quen đi bộ ra ngồi dưới chân tòa nhà “hàm cá mập”. Ông chọn ngồi quán trà đá của bà Hòa phố Mã Mây để cùng với bạn bè trong phố ôn lại kỷ niệm một thời. Với ông cụ, không phải ngồi nơi tầng cao tòa nhà “hàm cá mập” ngắm Bờ Hồ, mà phải đặt mình trên những chiếc ghế gỗ bóng màu thời gian, những câu chuyện về Hồ Gươm mới chẳng bao giờ vãn”.
Chờ đợi những đổi thay
Là người đã có quá trình nghiên cứu lâu dài, sâu và rộng về di sản kiến trúc Hà Nội cũng như có nhiều kinh nghiệm thực tế trong việc bảo tồn, trùng tu các công trình kiến trúc có giá trị, Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư (GS.TS.KTS) Hoàng Đạo Kính nhìn nhận giá trị của Hồ Gươm là một di sản đô thị sống, tồn tại, biến đổi theo thời gian Hồ Gươm, được ông nâng niu là “nơi vừa chân mình đi, vừa mắt mình nhìn và vừa với lòng mình” đang đứng trước cơ hội của những đổi thay nhằm thích ứng với thời đại.
Những ngày này, các cơ quan liên quan của Hà Nội đang gấp rút hoàn thiện quy hoạch và lập dự án đầu tư cải tạo, chỉnh trang, tái thiết khu vực Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục, điểm nhấn là phá bỏ tòa nhà "hàm cá mập". Tòa nhà phá bỏ, kết hợp với tuyến phố xung quanh sẽ tạo ra không gian khoảng 1,2ha để phục vụ cộng đồng.
Việc nghiên cứu cải tạo, tái thiết khu vực quảng trường được Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long khẳng định sẽ góp phần nâng cao giá trị lịch sử vốn có về văn hóa, lịch sử, kết nối 2 khu vực rất quan trọng là Khu di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm, ở phía Nam với khu vực di tích quốc gia khu phố cổ, nơi phía Bắc, góp phần cụ thể hóa các quy hoạch được duyệt.
Khu vực phía Đông hồ Hoàn Kiếm và Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục có sự gắn kết nên thành phố cũng đang thực hiện Dự án không gian công cộng khu vực phía Đông hồ Hoàn Kiếm. Nơi đây trong tương lai sẽ là khu vực quảng trường, công viên đặc biệt cùng với phương án bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị, các công trình biểu tượng, di tích. Cũng tại đây, các đơn vị đang nghiên cứu quy hoạch, tổ chức không gian ngầm với khoảng 3 tầng hầm, kết nối không gian ngầm nhà ga C9 của tuyến đường sắt đô thị số 2. Tất cả các công trình, hạng mục được nghiên cứu hướng tới bảo đảm chức năng sử dụng phù hợp, hài hòa trong không gian kiến trúc cảnh quan khu vực.
Là người từng phê duyệt một số đồ án xây dựng, cải tạo các công trình quanh Hồ Gươm, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội nhớ lại, từ năm 1996, Quy hoạch chi tiết khu vực hồ Gươm và phụ cận được phê duyệt, trong các định hướng phát triển đã đưa ra yêu cầu cấp thiết phải cải tạo, sửa chữa. Từ đó đến nay, thành phố và UBND quận Hoàn Kiếm đã nhiều lần chỉnh sửa các hạng mục, công trình nhỏ trong không gian này. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới hiện nay, Hồ Gươm cần có sự cải tạo, chỉnh trang tổng thể phù hợp với vị thế của không gian đặc biệt này.
Những ngày này, gần đến mốc hạ giải tòa nhà “hàm cá mập”, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục đón nhiều người dân từ khắp nơi tới “check-in” như lời chia tay với công trình này. Từ cách nhìn nhận công bằng về một công trình có quyền được yêu thương, nhưng không có nghĩa nó xứng đáng trở thành gánh nặng cho sự phát triển đô thị, Kiến trúc sư Trình Phương Quân nêu quan điểm việc Hà Nội quyết định phá bỏ tòa nhà để mở rộng không gian công cộng quanh Hồ Gươm là một bước đi dũng cảm và cần thiết.
Một đô thị sống luôn phải đặt trong bài toán chọn lọc giữa ký ức và tương lai, giữa nhu cầu cộng đồng và giá trị kiến trúc. Sự chọn lựa ấy tới đây thôi sẽ đem lại nhiều đổi thay, cho chính cuộc sống của người dân Hà Nội, nơi Hồ Gươm thuộc về.