Di sản

Đình Mễ Trì Thượng

Quỳnh Ngọc 13/04/2025 - 16:05

Đình Mễ Trì Thượng là ngôi đình cổ nằm trên gò Quy Sơn (núi Rùa), thuộc làng Mễ Trì Thượng (tên Nôm là Kẻ Mẩy).

Xưa kia, làng có giống gạo tám thơm ngon đặc biệt, thường được chọn để tiến vua. Vì thế, nhà vua đã đặt tên cho làng là Mễ Trì, có nghĩa là "ao gạo".

me-tri.jpg

Đến đầu thời Nguyễn, làng Mễ Trì được chia thành hai thôn Thượng và Hạ, thuộc tổng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Ngày nay, đình nằm tại địa chỉ ngõ 112, phố Mễ Trì Thượng (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Đình là nơi thờ hai vị thần: Cao Sơn đại vương và Quý Minh đại vương; cùng Lý Bí - tức vua Lý Nam Đế (503 - 548), người đã đánh đuổi quân Lương xâm lược, lập nên nhà nước Vạn Xuân; Diêm La Thiên tử Lý Phật Tử, tức Hậu Lý Nam Đế (518 - 602) cùng nhiều nhân vật lịch sử khác.

Xưa kia, đình là nơi giấu một cánh quân thuộc nghĩa quân Tây Sơn. Dưới sự lãnh đạo của Hoàng đế Quang Trung, nghĩa quân Tây Sơn đã đánh đuổi nhà Mãn Thanh, giải phóng thành Thăng Long trong trận Ngọc Hồi - Đống Đa dịp Tết Kỷ Dậu năm 1789.

Tương truyền, đình Mễ Trì được khởi dựng vào năm Nhâm Tý, niên hiệu Thuận Thiên thứ 5 (1432), dưới thời vua Lê Thái Tổ. Trải qua nhiều thế kỷ, đình Mễ Trì đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần.

Kiến trúc ngày nay của đình mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX. Các công trình được bố trí theo kiểu chữ “Đinh”. Tam quan quay theo hướng tây bắc, hai cổng phụ xây kiểu hai tầng tám mái chồng diêm, đắp ngói ống giả và được trang trí hình hổ phù đội mặt trời lửa cùng các họa tiết dân gian.

Đình chính quay theo hướng đông bắc, trước sân có cây cổ thụ và bức bình phong lớn, sau đó là một hồ bán nguyệt. Tòa đại đình rộng 7 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, vì kèo kiểu “thượng chồng rường giá chiêng, hạ xà nách, bẩy hiên”, mái phân thành “thượng tứ hạ ngũ”.

Hậu cung được nối với gian giữa của đại đình, gồm 4 gian. Hệ thống vì kèo làm theo kiểu “chồng rường giá chiêng, xà nách”. Nghệ thuật chạm khắc tại đây gồm các đề tài và họa tiết đơn giản như sóng nước, tứ linh, tứ quý, cua cá...

Trong đình hiện lưu giữ nhiều di vật quý như thần phả, 1 bia đá và 13 đạo sắc phong thời Nguyễn có niên đại từ năm 1821 - 1924; 6 bức hoành phi, 9 đôi câu đối, 2 bộ cửa võng, 1 quán tẩy, 3 bộ kiệu giá ngự, 1 long đình, nhang án, 1 bộ bát bửu, 1 sập thờ, 1 bộ đồ rước, 1 tấm bia hậu... niên đại thế kỷ XIX.

Đình Mễ Trì Thượng đã được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1992.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đình Mễ Trì Thượng