Di sản

Chùa Phổ Giác

Thủy Hương 22/04/2025 - 06:39

Chùa Phổ Giác (Phổ Giác tự, hay chùa Tàu Tượng) nằm trên phố Ngô Sĩ Liên (phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội).

pho-giac.jpg

Ban đầu, chùa được xây dựng bên hồ Hoàn Kiếm (tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương). Đến năm 1883, khi thực dân Pháp xây dựng tòa Đốc lý (nay là UBND thành phố Hà Nội), chùa phải chuyển về phần đất của Thái Y Viện đời Hậu Lê (vị trí hiện nay) thuộc thôn Ngự Sử, tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương và vẫn giữ nguyên tên Phổ Giác tự, với ý nghĩa là phổ cập và giác ngộ Phật pháp cho Phật tử và nhân dân.

Không chỉ là nơi thờ Phật và Mẫu theo truyền thống, chùa còn là nơi thờ vị danh tướng - Quận công Phan Cảnh Điệp, người từng điều khiển voi chiến lập nhiều công trạng dưới triều Lê - Trịnh. Sau khi được chúa Trịnh phong thưởng, ông từ quan, vào chùa tu hành.

Về kiến trúc, chùa Phổ Giác mang đậm dấu ấn của một ngôi cổ tự với bố cục kiểu “nội công ngoại quốc”. Tam quan chùa nằm cách phố Ngô Sĩ Liên khoảng 2 - 3m, tuy không lớn nhưng được xây kiểu vòm đá tự nhiên, tạo hình như một sư tử đá khổng lồ quỳ phục hướng về kinh thành xưa. Hai bên tam quan có tượng voi và ngựa. Lối cổng đá này gợi hình ảnh núi thiêng nơi cửa Phật.

Qua tam quan là khoảng sân rồi đến tiền đường rộng bảy gian, được xây kiểu chồng diêm, hai tầng tám mái với những đầu đao cong vút. Mỗi chi tiết chạm trổ tại tiền đường đều phản ánh những nét đặc sắc của phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII, gồm các mảng chạm hình tứ linh, tứ quý, hoa sen, hoa thị và văn hình học... được sắp đặt hài hòa.

Tòa thiêu hương và thượng điện được xây nối với tiền đường thành hình chữ “Công”. Bên ngoài có hàng hiên và cột đá bao quanh cùng 3 tấm bia và đôi ngựa đá đặt ở sau lưng hậu cung. Nhà thờ Mẫu gồm 3 gian, nằm ở bên phải sân trước. Bên trái sân là một số tháp mộ và một tòa phương đình xây kiểu hai tầng tám mái, bên trong đặt tượng Quan Âm. Nằm cạnh thiêu hương, thượng điện là nhà khách và nhà thờ Tổ rộng 5 gian.

Trong chùa Phổ Giác hiện còn lưu giữ hệ thống di vật có giá trị bao gồm: 37 pho tượng tròn mang giá trị mỹ thuật đặc sắc; tượng chân dung Phan Cảnh Điệp và cuốn thần phả ghi công đức của ngài ở hậu cung; 1 tấm bia nói về nghề thuốc và việc dựng Y Miếu; 13 tấm bia đá, 3 chuông đồng, 1 đôi ngựa đá, ngai thờ, bài vị, khám thờ, nhang án, cửa võng và gần 30 hoành phi, câu đối cùng nhiều đồ thờ tự quý giá với chất liệu đồng, gỗ, gốm sứ...

Với những giá trị đó, chùa Phổ Giác được xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật cấp quốc gia năm 1991.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chùa Phổ Giác