Di sản

Chùa Lâm Du

Quỳnh Ngọc 23/03/2025 - 06:23

Chùa Lâm Du có tên chữ là “Nguyệt Quang tự”, được hình thành cách đây ít nhất 3 thế kỷ. Hiện nay, chùa tọa lạc tại địa chỉ: Tổ 24 phường Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội).

chua-1.jpg

Trên tấm bia “Nguyệt Quang tự công đức tông ký” hiện còn được lưu giữ trong chùa có ghi lại nội dung cho biết, vào tháng 6 năm Quý Tỵ (1893), chùa bị nước sông dâng ngập dẫn đến sụp đổ một số hạng mục. Đến tháng 8 cùng năm, chùa được tu bổ tôn tạo và mở rộng quy mô. Những đợt trùng tu lớn diễn ra vào các năm: 1773, 1842, 1873, 1878, 1893.

Các hạng mục công trình của chùa bao gồm: Tam quan, ngôi tam bảo với tòa tiền đường, thượng điện cùng nhà Tổ, nhà Mẫu được sắp xếp theo kiểu chữ “Đinh”.

Tam quan chùa nằm sát đường làng, được xây dựng lại vào năm 2004, do đó mang diện mạo khá mới với quy mô bề thế, tuy nhiên vẫn tuân thủ phong cách kiến trúc truyền thống. Tam quan gồm 3 cổng, bên trên là lầu khánh, lầu chuông, chính giữa là lầu Quan Âm. Các trụ biểu đắp nổi các đôi câu đối bằng chữ Hán. Cổng ra vào xây kiểu uốn vòm, cửa làm bằng sắt. Hai bên cổng chính đắp nổi phù điêu hoa lá, phía trước có hai pho tượng võ quan tạc bằng đá nguyên khối.

Tiền đường rộng 5 gian 2 dĩ, có 6 bộ vì kết cấu gỗ được làm kiểu “chồng rường, giá chiêng” với 4 hàng chân cột. Trên thân các con rường và 2 đầu quá giang trang trí nhiều họa tiết hoa văn thực vật cách điệu bằng thủ pháp chạm nổi, chạm bong kênh. Hàng hiên của tiền đường rộng 1,5m. Các mái hiên đều chạm nổi hình mai, trúc. Những mảng chạm khắc, trang trí cầu kỳ trên các cấu kiện gỗ được hình thành cách đây hàng trăm năm vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, phản ánh tư tưởng, nhân sinh quan của người xưa và mang lại những giá trị kiến trúc nổi bật cho chùa Lâm Du.

Thượng điện gồm 5 gian, bên trong hiện còn lưu giữ hệ thống tượng tròn mang phong cách tạo tác đặc trưng thời Lê, thế kỷ XVII - XVIII; bao gồm: 1 tòa Cửu Long, 31 pho tượng Phật, 22 pho tượng Mẫu, 6 pho tượng Tổ, 1 pho tượng Hậu. Cách bài trí tượng thờ ở Thượng điện được tuân thủ theo quy tắc truyền thống với 5 lớp.

Trong chùa Lâm Du hiện còn bảo lưu nhiều di vật quý như hệ thống 18 bia đá có niên hiệu từ Cảnh Hưng thứ 37 (1776) đến Duy Tân thứ 9 (1916); chuông “Lâm Du xã, Nguyệt Quang thiên tự chung” đúc năm Kỷ Mùi (1799); khánh đồng “Nguyệt Quang tự khánh” đúc năm Canh Thân (1800); 1 pho tượng hậu; 4 tranh phù điêu gỗ...

Với những giá trị như trên, chùa Lâm Du đã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố năm 2002.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chùa Lâm Du