Cao điểm vụ hoa Tết
Phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) là vùng trồng hoa lớn của thành phố. Thời điểm này, các hộ đang khẩn trương chăm sóc, xuống giống vụ hoa Tết. Bà Nguyễn Thị Lịch, tổ dân phố Thượng 2, phường Tây Tựu, có thâm niên nhiều năm trồng hoa, cho biết: “Để chuẩn bị vụ hoa Tết năm nay, gia đình tôi trồng 5 sào hoa cúc với nhiều màu sắc khác nhau. Hoa được trồng từ tháng 9 (âm lịch), hiện cây đã lên xanh. Hằng ngày, tôi ra đồng làm cỏ, tưới nước, bón thêm các loại dinh dưỡng để cây phát triển tốt nhất”.
Là vùng trồng đào mới của thành phố, những ngày qua, người trồng đào xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) cũng ra đồng nhiều hơn. Anh Nguyễn Văn Quyết (cụm 8, xã Hồng Hà) có 6ha trồng đào. Thời điểm này, gia đình đang tập trung làm cỏ, phòng trừ sâu bệnh, tuốt lá... để kích thích đào ra hoa. Được biết anh Quyết đã thuê lại ruộng của gần 100 hộ dân để tạo thành vùng tập trung, trồng 30.000 gốc đào, trong đó có khoảng 20.000 gốc là đào cành, còn lại là đào bonsai. Anh Quyết chia sẻ: “Những năm trước, khu đồng này cấy lúa nhưng hiệu quả thấp nên người dân không mặn mà. Từ năm 2011 tôi đưa cây đào về trồng. Hợp đất nên cây phát triển tốt, hiệu quả cao hơn hẳn so với các cây trồng khác nên diện tích đào nhanh chóng được mở rộng. Nhiều người trong xã thấy hiệu quả cũng học theo, chuyển từ lúa sang đào. Đến nay, khu đồng Gò Mía, Tay Áo của xã Hồng Hà đã có khoảng 15ha trồng đào”.
Không chỉ có các loại hoa truyền thống, những năm qua trên địa bàn thành phố còn có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao vào trồng hoa cao cấp. Anh Ngô Minh Trưởng, chủ vườn hoa lan hồ điệp ở xã Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai) cho biết, trên diện tích 3.600m2, gia đình đã đầu tư hơn 6 tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà lưới, nhà màng trồng lan với các giống nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc). Năm nay, gia đình trồng 8 vạn cây với 20 màu khác nhau. Giáp Tết hoa sẽ được xuất buôn cho thương lái đưa ra các chợ hoa của Hà Nội và các tỉnh, thành phố xung quanh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình...
Thích ứng, linh hoạt với thị trường
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, tại các vùng trồng hoa Tết, người trồng hoa lo lắng về “đầu ra” của sản phẩm. Đa số có tâm lý lo sợ việc giãn cách xã hội, cách ly, phong tỏa tạm thời ảnh hưởng đến việc lưu thông, rồi lo chợ hoa phải đóng cửa... Hơn nữa, năm nay dịch bệnh ảnh hưởng nhiều tới kinh tế của các gia đình, nhu cầu mua sắm các loại hoa, cây cảnh sẽ giảm so với mọi năm.
Trong khó khăn, các hộ trồng hoa phân tích thị trường, nhanh chóng thích ứng và linh hoạt với tình hình hiện tại. Anh Nguyễn Văn Quyết, hộ trồng đào ở xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) cho biết, năm 2021, tình hình dịch bệnh phức tạp, gia đình lại mở rộng diện tích lên gấp 3 lần so với năm 2020 nên lượng đào cần tiêu thụ rất lớn. Tuy vậy, vườn đào của gia đình mới trồng nên cây và cành đều nhỏ xinh. “Tôi dự kiến giá bán chỉ khoảng 1 - 3 triệu đồng/cây; vài chục nghìn đến dưới 500 nghìn/cành. Đây không phải là mức giá quá cao và sẽ phù hợp với phân khúc thị trường bình dân, gia đình nào cũng có thể mua được. Hơn nữa, để có thể tiêu thụ được nhiều, gia đình đã rải vụ để thu đào cành sớm hơn mọi năm. Hiện nay, chúng tôi đã tuốt dần lá đào để kích thích ra hoa. Theo đó, hoa đào cành sẽ được đưa ra thị trường từ đầu tháng Chạp cho đến Tết Nguyên đán như một loại hoa tươi thông thường” - anh Quyết lạc quan.
Theo bà Nguyễn Thị Lịch, tổ dân phố Thượng 2, phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm), mặc dù có ít nhiều lo lắng nhưng đã là nghề rồi nên không một hộ gia đình nào ở làng hoa Tây Tựu bỏ vụ hoa Tết. Tuy vậy, về cơ cấu giống, các gia đình cũng có sự cân nhắc, tính toán. “Những năm trước, gia đình tôi thường xuống giống hoa ly đỏ, cam, vàng... nhiều màu sắc. Năm nay, giống hoa ly đỏ - loại đắt nhất có giá là 20 nghìn đồng/củ, các loại ly khác giá thấp nhất cũng 15 nghìn đồng/củ. Đầu tư cho giống cao, công chăm sóc lớn nên tôi không trồng hoa ly mà chuyển sang trồng các giống hoa cúc, chi phí thấp để hạn chế rủi ro”.
Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Thu Hiền, toàn huyện có tổng diện tích hoa 530ha, trong đó hoa hồng 135ha, cúc 139ha, ly 178ha, đào 50ha, quất 8,6ha... và một số loại hoa khác. Để đảm bảo môi trường bền vững, huyện Đan Phượng khuyến cáo các hộ dân giảm diện tích các loại hoa hồng, cúc, tăng diện tích hoa ly. Trong đó, vụ đông năm 2021 - 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, để đảm bảo tiêu thụ hoa tốt, huyện đã khuyến cáo người dân nên rải vụ ra nhiều đợt trồng. Mặt khác, hiện nay, huyện Đan Phượng đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng nhãn hiệu tập thể “Hoa Đan Phượng” để quảng bá sản phẩm. Định hướng năm 2022, huyện sẽ thành lập thêm các hợp tác xã chuyên ngành về hoa để có những hỗ trợ cụ thể về giống, vốn, khoa học kỹ thuật và cả thị trường cho nông dân.
Tại huyện Mê Linh - “vựa hoa” của thành phố, Trưởng phòng Kinh tế Phạm Thành Đô cho biết: Lo ngại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ hoa cuối năm, trong kế hoạch sản xuất vụ đông 2021 - 2022, huyện đã chỉ đạo, định hướng để nông dân giảm bớt diện tích trồng hoa khoảng 4% so với cùng kỳ, chỉ còn 720ha để chuyển sang trồng rau, củ, quả phục vụ nhu cầu thực phẩm. Đi đôi với giảm diện tích, huyện tăng cường hỗ trợ nông dân các biện pháp ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến khích nông dân gieo trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật để nâng cao chất lượng hoa. Tết này, chủ lực của huyện Mê Linh vẫn là hồng thế, hồng cắt cành, cúc, đào...
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ nhận định: Dù kinh tế có khó khăn song nhu cầu sử dụng hoa tươi ngày Tết vẫn sẽ rất cao. Để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, đối với các loại hoa cắt cành, người dân nên rải vụ để có sản phẩm thu vào các dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, ngày Rằm tháng Giêng và ngày lễ tình nhân 14-2. Trong trường hợp dịch bệnh phức tạp với những diễn biến khó lường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương mở các diễn đàn, các chợ thương mại điện tử, hỗ trợ xúc tiến thương mại... để giúp chuỗi cung ứng hoa ra thị trường không bị đứt gãy.