Hà Nội văn

Lão xích lô, trà và nhân sinh

Nguyễn Văn Đức Anh 29/06/2024 - 06:46

Đầu buổi chiều, Huế ngập nắng. Cái nắng mùa xuân không gắt, nhưng thật oi bức trong mắt của những con người lắm nỗi muộn phiền. Lão nằm trên xe xích lô, ưỡn người theo vòng lưng vừa khít của ghế, vắt tay lên trán và nghĩ, cái đời này khổ đến thế là cùng!

15(1).jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Lão đã từng có trong tay tất cả, nhưng bây giờ, lão chẳng có gì ngoài cái thân xác khô queo và chiếc xe xích lô cà tàng này. Lão vừa ra tù cách đây hai năm, vì tội buôn bán ma túy. Lão nhớ lúc giàu sang ở Sài Gòn, vợ đẹp con ngoan, nhà cao cửa rộng, tiền là cỏ. Ôi! Tiền bạc sao mà phù du đến thế!? Nhưng rồi lão bị bắt. Năm năm sau, lão ra tù. Vợ đã lấy chồng mới, đứa con cũng chối bỏ lão, trong tay không một đồng bạc, cuộc đời đẩy lão vào bước đường cùng.

Lão về lại Huế, sống một mình trong căn nhà liêu xiêu nằm sâu trong con ngõ nhỏ. Ba mạ lão đã chết. Chao ôi! Còn gì đau đớn bằng về nhà mà không còn ba mạ. Nhìn lên bàn thờ xiêu vẹo, lạnh tanh hương đèn, lão nghẹn đắng. Nhưng đến tiền ăn để nuôi sống bản thân còn chưa có, thì lấy đâu ra tiền để tu sửa nơi thờ cho ba mạ.

Hằng ngày, lão đạp xích lô ở bờ bắc thành phố. Lão chọn xích lô đơn giản là vì ba lão trước đây cũng đạp xích lô. Chiếc xe giờ đã cũ mèm, nhưng ông trời không đành đoạn chặn đường sống của lão nên nó vẫn chạy ngon lành. Thời gian thật tàn nhẫn. Nó cướp đi ba mạ lão, nhưng thật may nó chưa làm chiếc xe xích lô này hết hạn sử dụng. Lão nghĩ vậy, rồi cười khoái chí. Bỗng lão nghĩ, khi nào lão sẽ “hết hạn sử dụng”? Ôi, sống mà không sướng thì chết quách cho xong.

Lão vẫn nằm vắt tay lên trán như vậy, nghĩ về cuộc đời đầy khốn cùng của mình. Gió mát và những ngẫm nghĩ về quá khứ đưa lão vào giấc ngủ. Nằm thiu thiu mơ màng, một mệ già gọi lão với giọng run run:

- Chú, chú ơi!

Lão giật mình tỉnh giấc.

- Mệ đi mô?

- Tui lên đầu đường Điện Biên Phủ.

- Tám mươi ngàn.

- Mắc dữ!

Lão cau mày, nói:

- Mệt quá, nếu đời tui sướng thì tui chở mệ đi miễn phí rồi. Đi thì lên, không thì thôi.

- Đi, chú cho tui lên đó.

Lão cười thầm vì mệ không trả giá, hôm nay hên. Lão chở mệ lên đường Điện Biên Phủ. Mệ già xuống xe rất khó khăn, cực nhọc. Lấy tiền xong, lão hỏi:

- Mệ đi mô mà xuống giữa đường?

- Tui dưới quê lên, thằng con nói đứng đây để tới chở cho tiện. Nhà hắn trong kiệt.

Cầm mấy tờ tiền trên tay, lão thấy mình sao vô tâm quá. Một chút dằn vặt. Nhưng mà thôi, lão cũng khổ. “Khổ” là câu của lão. Đói thì thèm ăn, no thì thích ngủ, đắt khách đi xích lô quá thì mỏi chân mất sức, mà ế quá thì đói. Tựu trung lại, “cuộc đời là bể khổ” - câu ấy lão đọc đâu đó, nghĩ đúng thiệt, trước hết là với cuộc đời lão.

Lão dựng xe dưới bóng cây trên vỉa hè, nằm gác chân, nhìn phố xá, nghĩ vu vơ. Nhìn sang bên kia đường, bỗng lão thấy mái chùa nhô lên sau hàng cây, một ngôi chùa nhỏ nằm sâu trong kiệt. Lão nhận ra đó là tổ đình, ngày còn nhỏ, mạ hay dẫn mấy đứa con đi chùa ngày rằm.

Nắng dát vàng cả con đường. Cổ họng lão khát khô. Lão để xe đó, đi vào chùa để xin nước. Bước vào chùa, thấy một sư thầy đang quét lá trước sân.

- Thầy có nước không, cho con xin? Lão hỏi.

Sư thầy quay lại, đặt chổi xuống, chắp tay:

- Dạ có, mời anh theo thầy lui nhà tăng uống nước.

Cầm ly nước, lão tu ừng ực. Mát cả cổ họng, sảng khoái cả người. Uống rồi, lão hỏi sư thầy một cách vô thức:

- Cuộc đời con khổ quá thầy. Làm sao để hết khổ?

Câu nói chưa trôi khỏi miệng, lão đã thảng thốt bởi tại sao lão lại hỏi câu hỏi như vậy. Mặc dù lão đặt một câu hỏi lạ lùng, nhưng sư thầy vẫn điềm nhiên. Thầy hỏi:

- Anh có khi mô uống trà chưa?

- Con chưa. Cuộc đời con đâu có thời gian nhàn nhã để uống trà. Đến nước lã còn phải đi xin mà.

- Nếu anh không bận, mời anh qua đây uống một tách trà cho ấm bụng rồi hẵng đi.

Lão nghĩ bụng, được uống trà miễn phí, ngại gì mà không thử. Khổ cũng đã khổ rồi, thêm chút thời gian lái xích lô cũng có sướng lên được đâu. Đứng nghĩ một hồi, lão đồng ý.

Sư thầy kéo ghế mời lão ngồi. Chẳng một giây chần chừ, lão thả mình xuống, tựa lưng vào cái ghế gỗ. Trên bàn lúc ấy có một lư xông trầm và khay tách trà. Sư thầy đốt một nụ trầm sau đó mới bắt đầu pha trà. Lão chăm chú theo dõi từng cử chỉ, từng bước pha trà của sư thầy. Từng bước nhuần nhuyễn, điệu nghệ. Sao chế một ấm trà thôi mà tốn công đến thế? Rườm rà hết sức, lão nghĩ bụng.

Sư thầy đặt trước mặt lão một tách trà nhỏ. Hơi nóng tỏa lên từ tách trà và cả làn khói nghi ngút của những nụ trầm đan quyện vào nhau, mang theo mùi hương dìu dịu, tinh khôi bay khắp không gian yên tĩnh. Hình như, không khí đang giãn nở.

- Mời anh!

Lão giật mình. Lão thấy mình không đủ tầm để uống một tách trà thanh sạch nơi thiền môn thanh tịnh này. Chao ôi, để pha ra một tách trà phải qua nhiều bước thế kia mà, và tách trà thơm, tinh khiết thế kia mà. Nếu trà đi vào người lão, thì thật là phí phạm và mất trong sạch cho chén trà. Tại sao lão lại nghĩ như thế? Chỉ một khoảng thời gian yên tĩnh nhìn sư thầy pha trà, đầu lão hiện về bao ký ức. Những lầm lỗi và khổ đau của quá khứ. Vì vậy, lão không xứng đáng để uống tách trà ấy.

Thấy lão trầm ngâm nhìn tách trà, sư thầy hỏi:

- Sao anh không uống? Hay nóng quá?

- Con... không dám.

- Sao không dám?

- Con thấy mình thấp hèn quá. Trước đây con lầm lỗi nhiều lắm.

Ôi, sao lão lại nói như thế? Chính hương trà hay mùi trầm thoang thoảng đã làm lão nói ra những lời từ tận sâu thẳm tâm tư ấy? Lão là con người như vậy, luôn sống trong những dằn vặt của quá khứ. Và từ “khổ” mà lão hay nói không đơn thuần là cái khổ mưu sinh, mà còn là nỗi khổ tâm. Ký ức sai trái là một sợi dây, nối từ quá khứ đến hiện tại. Nó dày vò lương tâm lão. Ngay bây giờ lão vẫn ôm một mớ khổ đau.

Sư thầy nhìn ra ngoài sân chùa, cây bồ đề rụng một vài lá vàng, nhẹ đáp xuống sân. Thế là hết một kiếp làm lá, nhanh như một cơn gió. Còn lão thì nhìn từng vòng khói trầm bảng lảng. Khói trầm cuộn xoáy thành từng vòng tròn ảo diệu, thăng lên cao rồi nhanh chóng tan vào không khí. Thầy nói:

- Từ đầu buổi tới bây giờ, thầy thấy anh rất tử tế. Thầy không bận tâm quá khứ anh là ai mô, thầy chỉ nhìn vào hiện tại, và dõi mắt hướng về tương lai. Quá khứ người ta có vẻ vang hay tăm tối, thì bước vào chùa mọi người đều như nhau. Phật không phân biệt, hà cớ chi thầy lại phân biệt anh.

Lão cúi đầu. Hình như lão khóc. Lần đầu tiên, lão được an ủi một cách ân cần như thế. Từ ngày ra tù, đây là lần đầu lão thấy mình được tôn trọng, hoặc có thể trước đây, lắm người xa lạ vẫn tử tế với lão đấy thôi, chỉ là lão không nhận ra. Tại sao? Bởi tâm trí lão cứ chờn vờn những khổ đau dằn vặt, thì chao ôi cuộc đời bỗng hóa hèn mọn, ích kỷ và lòng người thì hóa chật hẹp và bất lương.

Lão run run đặt tách trà nóng lên đôi bàn tay, đưa lên cao, rồi uống một cách nhanh chóng. Hết một tách trà, lão liếm môi và nói:

- Con không quen uống trà nên thấy đắng quá.

- Để thầy rót cho anh tách khác. Uống ba ngụm trà nhỏ mới cảm nhận vị ngon.

Lão nâng tách trà, uống ngụm nhỏ đầu tiên. Vẫn là cái vị ấy, đắng ngắt. Vị đắng lấn át cả cổ họng.

Ngụm thứ hai, lão chỉ nhấp môi. Vẫn đắng, nhưng không đắng gắt như ngụm đầu tiên. Ngụm thứ hai này, lão nhận ra hương trà rất thơm. Mùi hương quấn chặt mà đưa lên sống mũi. Nhưng hương thơm sớm tàn lắm. Vài giây ngắn ngủi thôi hương thơm ấy đã tan loãng vào không khí. Ngay tức thì lão không còn ngửi được hương thơm thanh khiết của ngụm trà ấy nữa.

Uống đến ngụm trà thứ ba, lần này, trà trong tách cạn sạch. Lão cảm nhận vị ngọt đang lan tỏa, mơn man khắp cổ họng. Một chút gì đó đọng lại nơi cuống họng. Bỗng, lão thấy lòng mình nhẹ tênh.

Thấy nước trà trong tách lão đã hết, sư thầy cười hiền, nói:

- Anh biết không, cuộc đời cũng chỉ rứa thôi, như ba ngụm trà. Chẳng ai uống ngụm trà đầu tiên mà thấy ngọt cả. Chắc có lẽ, quá khứ của anh nhiều sai lầm, nhưng đó chỉ là quá khứ. Anh hãy sống cho ngày hôm nay. Thầy thường đánh giá trà ngon hay dở là dựa vào ngụm thứ ba.

Lão đứng dậy, lạy thầy để ra về. Lúc đó, nắng chiều hoàng hôn rực rỡ. Lão đạp xe xích lô thật chậm về nhà. Huế đẹp quá, lần đầu tiên lão thấy Huế đẹp đến như thế. Qua cầu Trường Tiền, lão tấp xe bên đường. Lão đứng nhìn dòng sông lững lờ xuôi dòng về phía những ngôi nhà tỏa khói chiều hôm ở Cồn Hến. Xa xa, từng chiếc thuyền rồng neo đậu bến Tòa Khâm, những con người trên thuyền đang chuẩn bị cho đêm diễn. Đúng rồi, trước đây lão mê nghe ca Huế lắm. Lão ra một quyết định, lão sẽ đi nghe ca Huế.

Đêm hôm ấy, có đến hơn chục du khách ngồi trong thuyền rồng. Giữa những người áo quần là lượt, sang trọng và có vẻ giàu có kia, lại lạc một ông già đạp xích lô dạo. Ơn trời, thật may khi bộ môn nghệ thuật này không phân biệt đối tượng thưởng thức nó. Lúc ấy, lão chẳng có gì ngoài một tâm hồn say mê cái đẹp, mê đắm lời ca tiếng hát và 80 nghìn đồng để trả tiền vé nghe ca Huế. Trong ánh đèn mờ tỏ, nghe tiếng nước vỗ mạn thuyền và những lời ca trong trẻo, lão thấy mình chẳng có gì, nhưng lão lại thấy mình có tất cả...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lão xích lô, trà và nhân sinh