Lệ Mật - dấu tích làng trong phố

Trung Nguyên| 13/08/2021 05:19

(HNMCT) - Làng Lệ Mật (phường Việt Hưng, quận Long Biên) là ngôi làng cổ của Thăng Long - Hà Nội, được coi là quê hương của cư dân vùng “Thập Tam trại”.

Ngày nay, những dấu tích của ngôi làng xưa vẫn hiện hữu trong lòng đô thị hiện đại nhờ những công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng hay nếp sinh hoạt truyền thống được người dân giữ gìn. Nhắc đến Lệ Mật, người ta còn nhớ đến nghề bắt và nuôi rắn đã tồn tại hàng trăm năm cùng những nhà hàng chuyên các món về rắn độc nhất vô nhị ở Hà Nội...

Múa Giảo long - nghi thức không thể thiếu trong Lễ hội làng Lệ Mật.

Từ Trù Mật đến “Thập Tam trại”

Theo sử liệu, làng Lệ Mật nằm bên dòng sông Hồng và sông Đuống, được hình thành từ khoảng thế kỷ XI. Ban đầu, làng có tên là Trù Mật, bởi nơi đây là một vùng đất trù phú, giàu đẹp. Sau vì tên húy của chúa Trịnh Cương (1686 - 1729) nên đổi thành Lệ Mật.

Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú ghi lại câu chuyện chàng trai Hoàng Quý Công tìm được xác công chúa con vua Lý Thái Tông (1028 - 1054) trong một lần đi dạo bằng thuyền bị rơi xuống sông Thiên Đức. Được vua ban thưởng hậu hĩnh nhưng Hoàng Quý Công chỉ xin được dẫn người dân nghèo của làng Lệ Mật đi khai hoang lập ấp ở vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long, hình thành nên vùng Thập Tam trại (gồm 13 trại, nay là một số phường thuộc địa bàn quận Ba Đình và phường Hào Nam thuộc quận Đống Đa). Sau đó, Hoàng Quý Công trở về quê cũ, cùng người dân phát triển làng xóm trở thành vùng đất trù phú nên được gọi là Trù Mật. Khi Hoàng Quý Công mất, dân làng suy tôn ông là Thành hoàng làng, còn dân vùng Thập Tam trại lập nhiều đền, miếu thờ ngài...

Hằng năm, lễ hội làng Lệ Mật diễn ra từ ngày 20 đến 23 tháng Ba (âm lịch). Vào ngày chính hội (23 tháng Ba), dân “kinh quán” (con cháu đi khai hoang bên kinh đô) lại về hội ngộ người “cựu quán” (con cháu trong làng) và cùng ôn lại lịch sử truyền thống của cha ông, đồng thời dâng lễ vật, bày tỏ sự biết ơn đối với Thành hoàng làng. 

Cho đến nay, người dân Lệ Mật vẫn bảo tồn, gìn giữ 3 nghi lễ đặc trưng của lễ hội làng Lệ Mật, gồm điệu múa dân vũ “Diệt giảo long” tái hiện cuộc chiến đấu trên sông giữa Hoàng Quý Công với thủy quái; lễ Đả ngư trên giếng Thiên Hồ Lệ để bắt cá dâng Thánh và lễ rước của người dân Thập Tam trại. Đặc biệt, khi các trại về dự lễ hội, không thể thiếu lễ vật dâng Thánh là những mâm cá tươi được đánh bắt từ hồ Tây, mỗi con đều đóng dấu triện đỏ trên mình. Ngoài ra, trong lễ hội còn có phần thi nấu những đặc sản chỉ có ở Lệ Mật như “Tam xà đại hội” (cỗ 3 loài rắn), “Ngũ hổ chầu lâm” (cỗ 5 con ếch) và “Lý ngư vọng nguyệt” (cỗ cá chép)...

Dấu xưa làng cổ

Ngày nay, mặc dù không tránh khỏi quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng nhưng những dấu tích về ngôi làng cổ Lệ Mật vẫn còn hiển hiện. Đó chính là sự giao thoa giữa quá khứ với hiện tại, giữa làng và phố, tạo nên hình thái kiến trúc đô thị độc đáo của Hà Nội.

Dấu tích làng trong phố điển hình ở Lệ Mật là quần thể kiến trúc đình - chùa - miếu cùng ao đình, cây đa, cổng làng... vẫn còn nguyên vẹn trong lòng Khu đô thị Việt Hưng hiện đại. Theo ông Nguyễn Đức Chung, Phó Trưởng Ban quản lý Cụm di tích đình - chùa Lệ Mật, trước kia, đình nằm ở vị trí khác. Đến thế kỷ XVIII, đình được di dời về vị trí hiện tại nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc của ngôi đình cổ được khởi dựng cách đây 4 thế kỷ theo kiểu “nội công ngoại quốc”, gồm 7 gian 2 dĩ. “Đình Lệ Mật hiện còn lưu giữ nhiều di vật cổ, trong đó có 14 đạo sắc phong đã được thành phố Hà Nội công nhận là Tài liệu lưu trữ quý hiếm”, ông Chung chia sẻ.

Cùng với đình Lệ Mật, công tác bảo tồn, phát huy giá trị chùa Lệ Mật, miếu thờ công chúa, ao đình, giếng Thiên Hồ Lệ, tam quan... được quận Long Biên đặc biệt quan tâm. Đây không chỉ là cụm di tích cấp quốc gia mà còn là điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng quan trọng của làng Lệ Mật và nhân dân vùng Thập Tam trại. Bên cạnh việc gìn giữ những phong tục truyền thống, người dân còn có ý thức bảo tồn nghề nuôi, bắt rắn của cha ông, từ đó vươn lên làm giàu và tạo nét đặc trưng riêng cho làng Lệ Mật. Năm 2019, nghề nuôi bắt rắn Lệ Mật được kênh truyền hình CNN giới thiệu tới bạn bè quốc tế. 

Thời gian qua, quận Long Biên đã xây dựng Đề án “Phát triển làng nghề truyền thống nuôi rắn Lệ Mật gắn với dịch vụ, du lịch trên địa bàn quận giai đoạn 2016 - 2020” nhằm thu hút khách du lịch đến với làng Lệ Mật, tăng nguồn sinh kế cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Việc phát triển du lịch tại Lệ Mật cũng là cách đầu tư trở lại để bảo tồn và phát huy các giá trị của làng cổ một cách bài bản, sáng tạo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lệ Mật - dấu tích làng trong phố