Mai này phố cổ…

Dã Liên| 26/01/2023 06:35

(HNM) - Những ngôi nhà mới, những tòa khách sạn lộng lẫy đã, đang mọc lên trên những con phố cổ, biểu hiện của sự giằng co cũ - mới. Nhưng nhìn sâu hơn, phố cổ đang “kể” những câu chuyện khác. Không ít cửa hàng, cửa hiệu, nhà hàng, khách sạn được xây mới hay sửa chữa, nhưng nó níu người ta bởi nét cổ kính trầm mặc. Chúng được người ta làm bởi sự tự nguyện. Không chỉ bởi tình yêu, mà bởi người ta nhận ra nếu kế thừa, phát huy những nét đẹp cổ kính, thì chính bản thân công trình sẽ được nâng tầm giá trị.

Tranh của Nguyễn Hữu Huyền Trân.

1. Rất khó để tìm được một đoạn phố cổ Hà Nội còn “nguyên bản” những nét đẹp xưa cũ. Khi người ta vừa mới mừng thầm vì tìm được một mái ngói thâm nâu, thì sẽ rất nhanh thất vọng khi phải xoay xở để chụp được một tấm hình “cho ra” nét cổ. Bởi thường thì nét xưa ấy luôn bị lấn át bởi những công trình hiện đại kế bên. Đôi khi, chình ình cả một khách sạn chục tầng. Ngay cả những ngôi nhà có độ tuổi 60-70 năm, mang dáng dấp kiến trúc Á Đông còn sót lại, thì cũng góc này cơi, góc kia nới, với dấu ấn đặc trưng vật liệu qua từng thời kỳ. Nào là tấm lợp tôn mát, nào là che chắn nhôm kính… Quả tình, không ít người cảm thấy thất vọng.

Nhưng nếu tiếp cận phố cổ Hà thành bằng cái nhìn có chiều sâu hơn, người ta sẽ thấy những câu chuyện khác. Đi trên con phố Mã Mây, không mấy ai không dừng lại ngắm nhìn ngôi nhà hai tầng ở số 22. Cả hai tầng đều có mái hiên lợp ngói vảy cá. Đỡ cho mái hiên là cấu kiện đấu củng bằng gỗ. Dưới tầng một, hai bên tường nhà là hai chiếc cột gỗ, kê trên tảng đá hình hoa sen. Ngôi nhà được sử dụng để kinh doanh nên mảng kính choán phần lớn bề mặt. Nhưng chủ nhà khéo léo trang trí bằng họa tiết hoa văn truyền thống. Nếu ở trên là một đôi cuốn thư, thì ở dưới là lan can gỗ với bức phù điêu hoa sen ở giữa. “Nhịp điệu” trang trí ở tầng một được lặp lại ở ban công tầng hai, lan can cũng bằng gỗ chạm trổ hoa sen. Lan can tầng hai còn có thêm bốn cây cột gỗ đỡ mái hiên. Đây vốn là một căn nhà cổ, nhưng diện mạo hôm nay có được là nhờ được chủ nhân tôn tạo trong thời gian gần đây.

Chủ nhân của ngôi nhà là ông Trần Đức Thắng. Khi ngôi nhà xuống cấp, ông và mọi người trong gia đình đã bàn bạc rất nhiều trước khi quyết định phương hướng sửa chữa. Nhiều người tu sửa nhà cửa theo hướng hiện đại hóa, thuận tiện hơn cho nhu cầu sinh hoạt. Nhưng ông Thắng nghĩ khác: “Các cụ trong gia đình chúng tôi đã sinh sống trong ngôi nhà này nhiều năm. Khi ngôi nhà xuống cấp, chúng tôi đã bàn bạc và quyết định tu sửa ngôi nhà của mình theo phong cách truyền thống. Riêng ban công tầng 2 phải bổ sung nhiều cấu kiện trang trí cho ngôi nhà đẹp hơn”. Ông Thắng đã tự mày mò khảo sát nhiều căn nhà cổ, chụp lại những hình ảnh và bàn bạc với các tốp thợ để có giải pháp tối ưu. Ông rất tự hào khi công sức của mình bỏ ra đã thu về thành quả như ý. “Sau này, khi nào phải sửa chữa, chắc chắn chúng tôi vẫn tiếp tục gìn giữ những nét đẹp truyền thống”, ông Trần Đức Thắng khẳng định. Khi phố Mã Mây được tổ chức thành phố đi bộ vào dịp cuối tuần, ông Thắng đã treo thêm một số đèn lồng. Buổi tối, ánh đèn khiến căn nhà trở nên ấm cúng. Ngôi nhà càng đẹp hơn khi ngay gần đó là một gốc bồ đề hàng trăm tuổi.

Trên phố Mã Mây không hiếm những căn nhà mà gia chủ đã tìm lại những giá trị xưa cũ, tôn vinh những nét kiến trúc cổ. Gần đối diện với nhà số 22 là một không gian đậm chất Hà thành của gia đình Nghệ nhân nhân dân Phạm Ánh Tuyết. Cách thức trang trí mặt tiền ngôi nhà Nghệ nhân Phạm Ánh Tuyết có nhiều tương đồng với ngôi nhà của ông Trần Đức Thắng. Trong không gian ấy, nghệ nhân đã lan tỏa nét đẹp ẩm thực Việt đến biết bao vị khách trong nước và ngoài nước. Và khi thưởng thức ẩm thực phố cổ, trong không gian phố cổ, hẳn nhiên giá trị của món ăn cũng được nâng tầm…

2. Phố cổ được công nhận là Di tích quốc gia từ lâu. Nhưng thực ra, phải định danh đây là một di sản đô thị mới chính xác. Cụ thể hơn, đó là di sản “sống” - nơi mọi vấn đề của cuộc sống luôn diễn ra, từ làm ăn đến sinh hoạt. Vì là di sản “sống” nên đương nhiên có sự “sinh trưởng” và “phát triển”. Xung đột giữa bảo tồn và phát triển là vấn đề thường trực, mỗi ngày. Nhưng rõ ràng, nếu trước đây, xu hướng “kính hóa”, “bê tông hóa” là chủ đạo thì bây giờ, ngày càng có nhiều ngôi nhà được cải tạo, sửa chữa theo kiến trúc xưa, hoặc kế thừa, tiếp nối phong cách trang trí cổ truyền bằng sự tận tâm của gia chủ.

Khách sạn số 65 phố Hàng Bạc là một trong số ấy. Ngoài những cây cột gỗ, những hàng lan can kiểu kiến trúc phương Đông, chủ nhân còn tạo thêm điểm nhấn với một đôi chó đá ngay trước bậu cửa. Hay như ngôi nhà số 87 Hàng Gai cũng có sự hài hòa giữa các cấu kiện gỗ được chạm trổ với hệ thống cửa kính để tôn sáng cho căn nhà. Ngôi nhà số 96 phố Cầu Gỗ bán súp gà. Chỉ rộng không đến 10m2, quán súp gà này có lẽ không được ai chú ý đến nếu không trang trí màu nâu trầm, với biển hiệu, quầy hàng “đặc” chất phố cổ… Trang trí theo mô típ truyền thống còn “lan” đến cả một thương hiệu quốc tế là quán cà phê Highland (góc phố Hàng Bạc - Hàng Bè). Quán cà phê này “nhập gia tùy tục” bằng chiếc biển hiệu đặt trên nền nâu trầm, những ô cửa sổ đều có mái ngói đua ra che mưa, che nắng tạo nên hình ảnh hài hòa với nhịp điệu phố cổ.

Chưa phải là một xu hướng chủ đạo, bởi những khách sạn cao tầng sáng choang vẫn mọc lên. Nhưng nếu “bắt” đúng mạch vận động, rồi đưa ra những giải pháp phù hợp, thì chúng ta đang làm công việc mà mọi người vẫn gọi là “khơi nguồn”. Làm được điều đó, chúng ta đã định hình được tương lai của phố cổ “từ bên trong”, từ những chủ nhân của chúng. Kiến trúc sư Trần Huy Ánh là một người luôn đau đáu về phố cổ, vốn luôn bức xúc với những bất cập, nhất là những ngôi nhà cao tầng cứ mọc lên. Song, ông cũng cho rằng đây là một tín hiệu đáng mừng. “Tốt nhất là cơ quan chức năng cần quan tâm, nghiên cứu xu hướng, giải pháp này từ đó nhân rộng. Khi chúng ta không đủ nguồn lực để bảo tồn, thì việc xây dựng các công trình mới sử dụng các yếu tố truyền thống là điều cần được khuyến khích”, ông Trần Huy Ánh chia sẻ.

3. Phố cổ hiện đã có một quy hoạch riêng - Quy hoạch phân khu phố cổ (H1-1A) được thông qua năm 2021. Trước đó, năm 2013, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc khu phố cổ Hà Nội. Nhiều quy định về mật độ, độ cao xây dựng, hình thức xây dựng, sửa chữa các công trình nằm trong những quy hoạch, quy chế ấy. Nhưng chúng ta cũng cần đặt câu hỏi rằng, các quy định ấy liệu còn những lỗ hổng nào? Việc thực hiện các quy định đã thực sự nghiêm túc chưa, khi những công trình hiện đại vẫn được xây lên?

Những quy định luôn là điều kiện cần. Điều kiện đủ là việc triển khai thực hiện, bởi những con người cụ thể. Bởi thế, việc nâng tầm văn hóa cho người quản lý cũng như những cư dân phố cổ là điều vô cùng cần thiết. Người ta cần nhận thức được rằng, nếu “từ bỏ” vẻ đẹp cổ kính thì sức hút của phố cổ cũng sẽ nhanh chóng tan biến. Nếu ai từng đến phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) hẳn sẽ không ít ngạc nhiên. Nhiều quán cà phê hay những thương hiệu lớn của các ngành ngân hàng, bưu điện… thay vì những tấm biển hiệu, biển quảng cáo phô trương ánh đèn nhấp nháy với những tông màu nổi bật, thì chúng đã “chuyển hóa” một cách hài hòa theo gam màu chủ đạo của phố Hội - màu vàng của những bức tường, màu nâu của những mái ngói trăm năm, điều vẫn còn ít thấy ở Hà Nội.

Với một di sản như phố cổ Hà Nội, hay phố cổ Hội An, khi yếu tố bảo tồn hài hòa với phát triển, tức là bản thân những thương hiệu ấy đang được nâng tầm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mai này phố cổ…