Mùa ổi cuối cùng
Bà nội tôi mất vào 11 tháng Sáu âm lịch, bốn mươi ngày sau thì ông nội mất. Giỗ bà và ông vì thế rất gần nhau, chỉ tháng trước, tháng sau. Loanh quanh tròn một mùa ổi. Tính bằng mùa ổi bởi khi ông còn sống đã trồng rất nhiều ổi trong vườn và quanh ao. Những cây ổi đi cùng năm tháng.
Bà nội tôi mất vào 11 tháng Sáu âm lịch, bốn mươi ngày sau thì ông nội mất. Giỗ bà và ông vì thế rất gần nhau, chỉ tháng trước, tháng sau. Loanh quanh tròn một mùa ổi. Tính bằng mùa ổi bởi khi ông còn sống đã trồng rất nhiều ổi trong vườn và quanh ao. Những cây ổi đi cùng năm tháng.
Tôi không nhớ nổi mặt ông bà vì khi ấy còn quá bé, chỉ hình dung qua hai tấm ảnh mờ mờ trên ban thờ và những lời mẹ kể. Ông cao, gầy, trắng trẻo, rất hiền, dễ tính. Bà thì thấp lùn, nước da ngăm đen lại dãi dầu mưa nắng nên trông có phần khắc khổ. Ngoại hình có vẻ trái ngược, nhưng ông bà lại rất hợp nhau, chắc ông ưng cái nết hay lam hay làm của bà (dù đôi khi nói nhiều, khó tính), còn bà chắc cảm cái nết hòa nhã, nhẹ nhàng, không bao giờ nặng lời của ông.
Vì thế mà khi bà ốm rồi mất, ông như hụt hẫng, chỉ ở lại một mình có hơn tháng rồi cũng đi theo. Không hiểu sao, mỗi khi nghe kể lại chuyện này tôi đều cảm động. Tình cảm là thứ không chỉ nói ra bằng lời mà rõ ràng, sâu sắc nhất phải qua hành động, trạng thái. Ông bà yêu thương và gắn bó với nhau đến như thế, hỏi mấy người làm được?
Tôi đoán những cây ổi trong vườn đều một tay ông trồng và chăm bón. Vì bà có lúc nào ngơi tay với ti tỉ việc ruộng đồng, chợ búa. Mỗi cây ổi được trồng với khoảng cách đan xen rất khéo, vừa không lấn lướt những cây khác, vừa thay nhau chín cho đến hết mùa.
Ngay cổng vào là cây ổi găng, quả cũng như cây - nhỏ nhắn đến mức còi cọc, nhưng nếu trảy đúng tầm thì ăn giòn và ngọt lạ lùng. Nếu cứ vô tình không để ý, một lúc nào đó được cho một quả ở cây này, ai nấy đều bất ngờ, thắc mắc.
Cạnh cầu ao là cây ổi đào, vì bị trèo nhiều nên một số cành đã võng gần xuống mặt nước. Cây này hay chín rộ; đúng thời điểm, có khi trảy được hàng rổ. Nhưng mọi người có vẻ không thích ăn lắm, bọn trẻ con chỉ khoái vì khi cắn một miếng, bên trong hiện ra lớp ruột màu hồng nhạt rất bắt mắt. Người không mặn mà nhưng lũ chim láu lỉnh lại hay tìm trái trên cây này nhất. Và thật lạ, chúng lùng kiểu gì mà những quả bị khoét ăn một góc bao giờ cũng là những quả nằm chót vót, cheo leo đâu đó trên cao, ăn rất thơm và ngọt. Những quả ổi đào như món tráng miệng đầu mùa ổi.
Chính mùa, cây ổi mỡ đoạn giữa bờ ao chín dậy. Bên ngoài trái óng rực một màu vàng bắt mắt, bên trong phần cùi và hạt ngà trắng như được thoa một lớp mỡ gà. Cắn ngập răng một miếng cảm nhận vị ngọt ngậy và hơi béo rất thú vị. Nhưng đừng để ổi mỡ chín quá, vì chín quá sẽ bị mềm, ăn mất ngon. Bác trưởng hay trảy những quả ổi mỡ chín đầu tiên, to và bóng nhất đặt lên ban thờ ông bà trong ngày giỗ. Không hiểu sao, nhìn cây ổi mỡ lặng lẽ bên bờ ao, tôi cứ hình dung dáng ông nội đang tỉ mẩn bên cạnh lúc trưa, lúc sớm. Bóng ông thấp thoáng và nhạt nhòa hòa trong hương ổi nồng nàn.
Cách cây ổi mỡ một đoạn là một cây ổi đặc biệt, đặc biệt vì cái cây này chia làm hai nhánh, tách ra như hai cây riêng biệt nhưng lại chung một gốc. Và cả hai nhánh đó đều đổ rạp, là là mặt nước như hai cây cầu nhỏ bắc xuống ao. Đây là chỗ chơi hấp dẫn nhất trong vườn của lũ trẻ con, càng hấp dẫn hơn vì toàn phải chơi lén lút bởi bác trưởng mà biết chắc chắn sẽ nghiêm cấm. “Cây ăn quả mà cứ trèo leo thế kia thì quả sau chua loét”. Đấy là lời răn đe quen thuộc, nhưng lũ trẻ thì không quan trọng ổi chua hay ngọt vì vườn đâu thiếu những cây khác cho quả. Còn để làm cầu mà trưa trưa được ngồi dưới bóng mát, khỏa chân xuống làn nước trong veo thì chỉ có duy nhất cây này. Và mặc những cấm đoán, những răn đe... hai nhánh cây ổi ngày càng hạ thấp, thậm chí khi nước lên, chúng còn ngâm mình lõng bõng.
Một cây ổi đáng nhớ nữa nằm ở vị trí... gần nhà vệ sinh. Tất nhiên ngày ấy nhà vệ sinh nhà bác là hố xí tro. Không biết có liên quan gì đến vị trí không mà cây ổi ấy cao lớn, xanh tốt nhất vườn. Muốn trèo lên hái quả thường phải là các anh chị lớn, gan góc. Bọn lít nhít chỉ biết đứng dưới ngỏng cổ lên chỉ trỏ và chờ những trái ổi quý hóa được ném xuống rồi vội vàng tìm theo dấu vết dưới đất nhặt lên. Không nhớ giống ổi đó là giống gì nhưng ngon vô cùng, vừa giòn, vừa ngọt, vừa to.
Sau này bác trưởng trồng thêm một số cây ổi giống mới ở giữa vườn là ổi lai. Quả to hơn hẳn những giống ổi cũ của ông nhưng thật lạ, lũ cháu con vẫn chỉ quanh quẩn bên những gốc ổi cũ. Những cây ổi theo thời gian ngày càng già đi nhưng không vụ nào quên ra trái. Trái mỗi vụ có thể nhỏ hơn, ít hơn nhưng mùi vị vẫn thật đậm đà...
Tối qua, mẹ gọi điện bảo sang giỗ bà. Giật mình, thế là đã đến mùa ổi rồi sao?
Sáng hôm sau, tôi chuẩn bị ít hoa quả sang thắp hương. Đưa cho bác trưởng, nhìn lên ban thờ đã thấy những chùm ổi đầu mùa tươi rói được bác xếp ngay ngắn bên những loại quả sang trọng, đắt tiền. Và tôi thấy ánh mắt ông bà trên cao nhìn xuống hiền từ, dễ chịu.
Thắp hương xong, tôi lặng lẽ ra vườn, thăm lại lần lượt từng gốc ổi. Những cái rễ gồ ghề nổi lên như những cục u, những thân cây ngày một nhẵn lì, nâu xám. Và cái thân ổi ngả ngày nào giờ như sắp chìm sâu dưới làn nước trong xanh. Tôi tưởng như nghe lại tiếng cười đùa trong vắt thuở nào. Hùng, cháu nội của bác trưởng ra vườn theo tôi, nhanh nhảu hỏi, cô thích ăn ổi cây nào cháu trảy cho. Cháu trảy cây nào cũng được. Nó trèo thoăn thoắt lên cây ổi đào, loáng cái đã mang xuống vài quả ưng ửng, thơm lừng. Tôi bửa quả ổi ra làm đôi, thứ màu hồng tươi ánh lên gọi mời hấp dẫn. Lâu lắm tôi mới nếm lại thứ ổi ta như thế. Bình thường, chỉ hay mua ổi to, cùi dày của các nhà vườn bên Bắc Giang hay Hưng Yên. Giòn thì giòn thật nhưng sao có được hương thơm ngọt ngào và quyến rũ như những trái ổi nhỏ nhắn mà tròn căng này. Thấy cô ăn nhỏ nhẻ, đứa cháu hỏi: Khó ăn hả cô? Không, ngon lắm; là cô muốn nhẩn nha ăn để tìm lại hương vị ấu thơ thôi. Cô cứ ăn thoải mái đi, lát cháu trảy cho cô một túi mang về, giờ ít người ăn ổi này nên cũng chẳng ai trảy, cứ để có khi rụng đầy vườn cô ạ. Chim chóc có ăn được quả nào thì ăn. Bố cháu đang tính năm sau chặt hết những gốc này đi để trồng cây khác. Cằn cỗi quá rồi! Ôi, chặt hết ư? Nửa trái ổi trên tay tôi tự nhiên rơi xuống thảng thốt. Có nghĩa, năm sau sang ăn giỗ, tôi sẽ không còn gặp lại những gốc ổi thân thương này? Những gốc ổi đã gắn bó với anh chị em tôi suốt những năm tháng hồn nhiên và thiếu thốn. Mà có ít ỏi gì đâu, mười mấy cây ổi với những đặc điểm, tính cách riêng như những người bạn cố tri, bền chặt.
Tôi nhìn quanh khu vườn, những vòm lá đang chập chờn lay động trong nắng gắt. Tiếng chim sâu lích chích chuyền cành, gọi về cả một trời tuổi thơ dịu dàng, trong trẻo. Và hương ổi nhẹ nhàng lan tỏa dẫn bước chân ông nội đi quanh trên nền đất ẩm mục. Dáng bà tất tả phía sau. Mọi thứ nhòe nhoẹt mà sống động lạ lùng.
Các chị gọi hai cô cháu vào ăn cơm vì mọi thứ đã xong xuôi. Lúc ngồi ăn, chuyện trò rôm rả đủ thứ xong lại quay về chủ đề những cây ổi trong vườn. Cô em nhà chú đề nghị, lát ăn xong chị em mình ra chụp ảnh ở vườn ổi nhé, không sau không còn cơ hội nhìn lại nữa. Tất cả đều nhiệt tình hưởng ứng. Và những bức ảnh chiều hôm đó đã kịp lưu lại cho chúng tôi mùa ổi cuối cùng. Mùa ổi vẫn ngọt ngào như bao mùa ổi xa xưa, dù vương lại vị gì như lưu luyến.
Những mùa giỗ sau sẽ không bao giờ còn thấy chùm ổi tươi rói đầu mùa đặt lên ban thờ ông bà. Khu vườn vẫn xanh, vẫn tiếng chào mào, nhưng hương ổi thơm lừng xưa cũ có lẽ chỉ còn lại trong tim.