Hà Nội văn

Tiếng vịt kêu chiều

Nguyễn Hiên 15/09/2024 - 06:11

- Nay lùa vịt ra đồng sớm vậy chú? - Lúa gặt xong rồi. Em tranh thủ ra sớm. Cũng mong lứa này thuận lợi, có thêm món tiền xây cái chuồng vịt cho tươm, bác ạ!

Nghe âm thanh vọng vào, tôi biết chú Miên và đàn vịt đang đi ngang ngõ. Tiếng người lẫn trong tiếng ồn ào của bầy vịt. Con nào con nấy lông vàng nhạt, chuẩn bị ít bữa nữa sẽ chuyển sang màu xám đậm hoặc trắng muốt. Chúng đi như chạy, mình mẩy tròn lẳn lắc lư bên này bên kia, trông rõ vui mắt. Tôi chả hiểu sao lúc nào chúng cũng vội vàng như thế. Vì đói, vì sợ hay vì nỗi niềm nào đó ăn sâu trong tiềm thức giống loài? Chủ nhân bầy vịt lúc ấy cũng vội vàng không kém. Chú Miên và thằng Hải mỗi người chặn một đầu, khua khua cây sào buộc miếng nilon trên đầu. Chừng như hai cha con sợ chỉ cần mình lơ đễnh dừng lại sẽ có con vịt nào đó tách ra, bị lạc ngay. Lúc ấy mà tôi chạy ra trêu, thể nào cả đàn vịt cũng sẽ tán loạn. Nghĩ thế nhưng tôi không dám vì biết chắc nếu nghịch dại sẽ no đòn. Cành cà phê nhỏ, thân chi chít mấu, quất vào mông đau phải biết.

z5810034961201_5bebbe32392be2ac2e8c7221c346c906.jpg

***

Ngày nhà tôi chuyển đến xóm đã thấy chú Miên ở đó rồi. Nhà chú với nhà tôi là hai nhà đầu tiên xuất hiện ở xóm này. Có lẽ vì thế mà cha mẹ tôi và cô chú thân nhau như ruột thịt. Sau này cô chú sinh thằng Hải, con Hảo, tôi cũng coi hai đứa như em ruột. Nhà chú cách nhà tôi một đoạn, tôi chỉ nhảy chân sáo vài phút là tới. Người chú thấp đậm, da đen bóng, đặc biệt chú nói chuyện rổn rảng, nghe một lần là nhớ mãi.

Tôi quý chú Miên vì tính thương người, xởi lởi. Chú làm nghề chăn vịt. Cứ mỗi bận lúa gặt xong chú lại dựng lều giữa cánh đồng để chăn đàn vịt trên dưới nghìn con. Những con vịt ồn ào, náo nhiệt, kêu inh ỏi cả ngày. Với tôi, chúng còn phiền phức hơn cả hai đứa con nhà chú với thằng em của tôi mỗi bận tôi phải trông chúng cho người lớn đi làm.

Tôi vẫn nhớ rõ hình ảnh chú Miên với bộ quần áo lao động bạc màu, trên đó là những vệt bùn đất xếp chồng lên nhau. Ngày ngày, người đàn ông ấy lội hết thửa ruộng này sang thửa ruộng khác, bước thấp bước cao để nuôi bầy vịt no béo mỡ màng. Công việc vất vả nhưng giúp gia đình chú có cuộc sống ổn định, đỡ khốn khó nhất cái xóm nghèo này. Chiếc ti vi đầu tiên trong xóm là của nhà chú. Mấy đứa nhỏ và cả người lớn trong xóm tối đến thường tập trung ở nhà chú xem thời sự, phim, kịch, ca nhạc... rồi chuyện trò, bàn luận tới nửa đêm.

Thường chú Miên bắt vịt về nhốt vào chuồng cạnh nhà trong những ngày lúa còn trĩu bông, vàng ươm, tỏa mùi thơm trong veo, nồng ấm khắp cánh đồng. Lũ vịt lúc ấy còn nhỏ, lông vàng óng, lẫm chẫm chạy theo nhau, đôi khi ngã dúi dụi, ngơ ngác nhìn quanh không hiểu vì sao mình phải rời xa vòng tay mẹ sớm thế. Khi lúa đã gặt xong, cánh đồng trơ gốc rạ thì chú Miên lùa vịt ra, căng mấy tấm bạt làm thành lều, quây lưới làm chuồng nhốt vịt và ăn ngủ luôn ở ngoài ấy.

Mùa vịt chạy đồng, chú Miên chẳng mấy lúc ở nhà. Cơm nước có vợ con mang ra. Đôi khi đang ngồi ăn, thấy bầy vịt có chuyện lại lật đật chạy đi. Tới khi quay về, cơm canh đã nguội ngắt, chẳng buồn động đũa động thìa. Có hôm gặp mưa dông ào ào, không kịp tìm chỗ trú. Thế là cơm chan nước mưa, lõng bõng, trương phình, đành đổ cho bầy vịt.

Nhà tôi gần đồng nhất nên từ cửa nhà trông ra thấy thấp thoáng căn lều nhỏ dựng sơ sài. Dỏng tai nghe sẽ thấy đàn vịt đang vừa ăn vừa kêu loạn xị, nhất là vào lúc sáng sớm và chiều muộn. Vịt kêu lúc sáng vì đòi ăn làm cho ngày mới thêm rộn ràng, nhưng vịt kêu vào những buổi chiều muộn không hiểu sao khiến lòng tôi cứ thấy buồn buồn, nằng nặng. Cánh đồng vắng lặng, chỉ còn tiếng vịt kêu lẫn vào thinh không, gợi điều gì đó tiếc nuối, khắc khoải.

Ban ngày thường có vợ con phụ giúp nhưng ban đêm chỉ mình chú Miên ngủ lại lều. Đứa trẻ như tôi khâm phục chú lắm. Tôi nghĩ, người lớn chắc không sợ ma, chứ con nít, nhát cáy như tôi, có cho tiền cũng chả dám đêm hôm một mình giữa cánh đồng mênh mông. Chưa kể, mỗi lần bầy vịt có động lại lập tức vùng dậy xem xét. Nhiều đêm bị dở giấc không thể ngủ lại được nữa. Không biết trong những đêm dài dằng dặc ấy, có khi nào chú Miên kê cái giường xếp ra ngoài lều, ngửa mặt nhìn bầu trời muôn vàn vì sao lấp lánh, thu vào đôi mắt và tâm hồn mình thứ ánh sáng huyền ảo mặt trăng đang rải xuống trái đất làm dịu đi cái nóng gay gắt ban ngày? Hay chú sẽ nhanh chóng chìm vào giấc ngủ sâu vì đã dành trọn sức lực cho cuộc chạy đồng với nắng bỏng rát, với nước mưa hòa lẫn mồ hôi mặn chát trên môi?

Cha tôi thi thoảng ra nhậu lai rai với chú từ lúc chập tối đến khuya. Những cuộc nhậu thường chỉ có chai rượu nhỏ cùng đĩa cá đồng chú bắt được hồi chiều, có khi là đĩa trứng vịt chiên hoặc bất cứ món nào đó mà người ta có thể nhậu được. Tôi chẳng thể biết và nhớ được hai người nói chuyện gì với nhau. Chỉ biết mắt họ những lúc ấy cứ ngập đầy bóng tối, đầy nỗi niềm xa xứ, cay cực mưu sinh. Cái nghèo khó vây quanh cha tôi và chú Miên cả đời, họ âm thầm chống đỡ và xem đó là chuyện thường tình. Có lẽ những lúc ngồi cạnh nhau trò chuyện rồi đưa ly lên uống cái ực dứt khoát, để vị rượu cay xè rực lên trong cuống họng là những giây phút bình yên hiếm hoi của hai người đàn ông này.

Tôi thích mùa vịt chạy đồng vì đôi khi lại nhặt được quả trứng vịt trắng tinh lẫn vào đám lúa chét. Những lúc tâm trạng đang vui chú Miên hào phóng cho nhà tôi con vịt để mẹ kho thơm phức bày giữa mâm cơm trước con mắt thèm thuồng của chị em tôi.

Có lần, nghĩ đến cảnh được tự do chạy nhảy cả ngày ngoài đồng, đỡ phải làm việc nhà, trông em, làm bài tập nên tôi thủ thỉ:

- Bữa nào chú cho cháu đi chăn vịt với.

- Đi làm gì cho nắng nôi, lấm láp ra. Ở nhà chẳng sướng à?

- Cháu thấy chăn vịt thích hơn. Đi học chán lắm...

Chú Miên cười vang cánh đồng rồi đi ra chuồng nhặt trứng. Vẳng lại chỗ tôi câu ca dao quen thuộc được đọc bằng chất giọng xứ Thanh không lẫn vào đâu được: “Chiều chiều vịt lội bờ làng/ Thương người áo trắng vá quàng nửa vai”.

Buổi chiều ấy hoàng hôn rực đỏ phía chân trời. Tôi cứ nhìn mãi vào bóng người đen sẫm giữa bầy vịt kêu inh ỏi, nháo nhác chạy quanh. Chỉ lát nữa thôi, từ nhà tôi nhìn ra chỉ còn thấy leo lét một ngọn đèn mà ánh sáng tù mù của nó không đủ để nhìn rõ bất cứ thứ gì xung quanh. Để rồi cuối cùng ngọn đèn ấy cũng tắt, chỉ còn lại màn đêm thăm thẳm, tiếng ếch nhái, ễnh ương kêu từng tràng buồn thảm, tiếng chú dế nào đó nỉ non kéo đàn trong sương khuya.

***

Tôi lớn lên, đi học rồi đi làm xa nhà. Chú Miên vẫn cần mẫn với nghề chăn vịt. Da chú ngày càng đen bóng vì dãi nắng dầm sương, vì những năm tháng xem cánh đồng là nhà, bầy vịt là bạn. Mỗi lần về, tôi thấy chú già, trầm hẳn so với lần gặp trước. Tôi không nghĩ nhiều về sự thay đổi đó vì tưởng khi có tuổi, người ta sẽ thành ra thế. Một cách khá tàn nhẫn, tôi thấy như vậy chú sẽ hợp với cánh đồng hơn: Âm thầm, buồn lặng. Tôi đinh ninh chú sẽ chăn vịt cả đời, bởi “sinh nghề, tử nghiệp”, mấy ai đủ can đảm đổi nghề, cho dù nghề có vất vả, cực nhọc tới đâu.

- Chú Miên bỏ đi rồi.

- Đi đâu hả mẹ? Tôi nghe tiếng mẹ thảng thốt trong điện thoại mà không tin nổi vào tai mình.

- Không biết. Nghe đâu theo một người đàn bà làng bên. Đang ở nơi nào không ai rõ...

Tôi nghe lòng mình thảng thốt vỡ ra từng mảng, gió thổi từng cơn lạnh buốt, ngẩn ngơ.

Về nhà, tôi nghe mọi người nói lại: Cô chú gần đây thường cãi nhau. Chú gặp người đàn bà ấy giữa mùa vịt chạy đồng... Những ngày đó cô khóc nhiều. Thằng Hải, con Hảo buồn thiu, chẳng thiết nói cười như trước. Tôi thầm trách, chẳng hiểu vì sao chú Miên yêu thương vợ con, tốt bụng, hào sảng của tôi lại trở nên như vậy. Tôi chỉ biết an ủi cô và hai đứa nhỏ dù biết lời nói của mình chẳng đủ để làm loãng đi sự mặn chát của những tổn thương. Suy cho cùng, mọi quyết định đúng sai đều có nguyên cớ riêng mà chỉ người trong cuộc mới hay, mới rõ.

Đàn vịt năm ấy cô bán sớm. Chúng bị lùa lên chiếc xe tải to, mắt ngơ ngác như ngày đầu xa mẹ. Đồng ruộng theo thói quen vọng lại tiếng vịt kêu chiều xa vắng.

- Từ nay cô không nuôi vịt nữa ạ?

- Người ta bỏ nhà, bỏ xứ đi rồi, có ai đâu mà theo nghề nữa. Thằng Hải, con Hảo còn phải đi học.

Cô nói, giọng trách móc, hờn giận nghe đắng đót, nhói lòng.

Theo thói quen, tôi dõi mắt về phía cánh đồng. Nơi ấy vẫn thấp thoáng vài căn lều nhỏ, có tiếng í ới gọi nhau chặn đầu này đầu nọ cho vịt khỏi lạc đàn. Nhưng chú Miên, bầy vịt và căn lều của chú thì không còn ở đó nữa. Tuổi thơ của tôi cũng đi lạc mất rồi, như tiếng vịt kêu trong buổi chiều nhập nhoạng khắc khoải rồi tan lẫn vào bóng tối.

Tôi nhìn bầu trời sao, chợt nghĩ ngày nào đó, sau những dâu bể bời bời, sau những hành trình tạm bợ, chú Miên cũng sẽ ngước lên màn đêm thăm thẳm và nghe nỗi nhớ đang dâng đầy, thôi thúc bước chân của chú trở về nhà, về với xóm nhỏ bình yên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếng vịt kêu chiều