Nghề thêu ren Hạ Mỗ - đi tìm “một thời vang bóng”

Bình Thái| 17/09/2019 12:14

(HNNN) - Một thời nổi danh cả nước, “làm thầy” khắp thiên hạ, vậy mà giờ đây nghề thêu ren truyền thống ở làng Hạ Mỗ (Đan Phượng, Hà Nội) chỉ còn đôi ba người “rảnh rang thì làm cho vui, cho đỡ nhớ nghề”. Chẳng lẽ cái nghề danh giá của Hạ Mỗ xưa giờ đã rất xa rồi, chỉ còn là câu chuyện trong cổ tích?

“Làm thầy” khắp thiên hạ

Về Hạ Mỗ những ngày này, ngoài những câu chuyện về các di tích lịch sử văn hóa như đền Văn Hiến, chùa Giác Hải hay tìm hiểu nghề truyền thống làm đậu phụ..., nhiều khách tham quan không khỏi ngạc nhiên khi nghe anh Nguyễn Xuân Việt, cán bộ văn hóa xã khoe: Hạ Mỗ có nghề thêu ren (ren vơ-ni) với tuổi đời đến cả trăm năm.

Du khách thích thú với tấm ren trải bàn do người dân Hạ Mỗ thêu.

Không ai nhớ rõ nghề này được bắt đầu từ khi nào nhưng theo người dân địa phương “áng chừng” thì nghề thêu ren có thể xuất hiện ở Hạ Mỗ khoảng đầu những năm 1920. Thời Pháp thuộc, người dân nơi đây túc tắc thêu ren để vào nội đô bán trên các con phố Tây. Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc (1954), đặc biệt là những năm tháng bao cấp, nhà nhà, người người ở Hạ Mỗ thêu ren cho hợp tác xã để tính công tính điểm. “Ngày ấy ở Hạ Mỗ có đến 90% người sống bằng nghề này. Chúng tôi thường túm năm tụm ba ở một nhà để thêu ren, vừa làm vừa trò chuyện, vui lắm!” - bà Nguyễn Thị Lâm (ở xóm Cầu, làng Hạ Mỗ) kể.

Và chính những năm tháng đó, sản phẩm thêu ren của làng Hạ Mỗ có mặt ở khắp Hà Nội. Không chỉ thế, người dân Hạ Mỗ còn đi “làm thầy” thiên hạ. Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Ninh Bình..., đâu đâu cũng có “thầy” dạy nghề thêu ren là người Hạ Mỗ.

Theo những bậc cao niên ở làng Hạ Mỗ, nghề thêu ren rất mất thời gian, không dễ làm và chỉ có thể làm thủ công chứ không có máy móc nào thay thế được. Đấy là cái nghề cầu kỳ, tỉ mẩn với nhiều công đoạn: Đầu tiên là in mẫu. Mẫu được xăm trên giấy bóng, sau đó đặt giấy bản ở dưới rồi quết mực lên giấy bóng để in ra thành mẫu. Mẫu sau đó được gắn vào bìa cứng bằng chỉ lược để người thợ tiến hành chằng rồi bắt đầu mạng ren. Mạng ren có đủ loại: Mạng đặc, mạng thưa, mạng hoa dâu, mạng đánh bọ... Cầu kỳ hơn cả là công đoạn bô đê - tức là tạo các hình vân để giúp các hoa văn nổi lên. Xong công đoạn này chỉ cần rút bỏ toàn bộ chỉ lược trên bìa là hoàn thành một sản phẩm.

Thường thì các sản phẩm được tạo ra từ ren dùng để trang trí nhà cửa, làm khăn trải bàn, rèm cửa, túi xách... Và sản phẩm đạt được giá trị cao chỉ khi các đường chỉ thêu phải đan vào nhau mịn màng, đều đặn. “Để hoàn thành một tấm ren lớn (chừng nửa mét vuông), nếu một người thêu sẽ mất đến nửa năm. Khi hàng cần gấp, chúng tôi phải chia ra cho nhiều người cùng thêu” - vừa trình diễn và hướng dẫn du khách trải nghiệm nghề thêu ren truyền thống của làng mình, chị Đinh Thị Ngân (xóm Giữa, Hạ Mỗ) cho biết. 

Bao giờ cho đến ngày xưa?

Ôn lại thời vang bóng của nghề thêu ren truyền thống với biết bao tự hào, để rồi người Hạ Mỗ không khỏi ngậm ngùi: Bao giờ cho đến... ngày xưa?

Anh Nguyễn Xuân Việt bảo, nếu như năm xưa nhà nhà, người người thêu ren thì giờ đây cả xã chỉ còn khoảng dăm hộ làm nghề như hộ nhà bà Lâm, bà Chùy, bà Tụy, bà Duyên… Nhưng các hộ này cũng không làm thường xuyên mà chỉ nhận khi có khách nước ngoài đặt hàng theo mẫu mã riêng. Khoảng gần chục năm trước, nhà bà Dậu có mở cơ sở sản xuất túi ren đính cườm, đính đá rất đẹp, giá thành cao. Tuy nhiên chỉ được một thời gian cơ sở sản xuất này phải đóng cửa vì không tiêu thụ được sản phẩm.

Chị Đinh Thị Ngân (đứng) hướng dẫn du khách trải nghiệm nghề thêu ren truyền thống của quê hương mình.

Học thêu ren từ năm 13 tuổi và từng kiếm sống bằng nghề, chị Đinh Thị Ngân kể, vì ở nhà bán hàng nên đôi lúc rảnh rỗi chị thêu ren cho vui. Mới đây, nhà chị nhận được đơn đặt hàng từ nước ngoài nhưng sau không thấy họ quay trở lại. Để lý giải câu chuyện vì sao nghề này bây giờ gần như đã trở thành quá khứ, theo chị Ngân, tất cả đều xuất phát từ nhu cầu mưu sinh. Ngày trước, thêu ren theo công điểm hợp tác xã là do nhà nước nhập hàng và xuất khẩu sang thị trường Đông Âu. Thế nhưng sau khi các nước Đông Âu sụp đổ thì thị trường cũng “đóng cửa”, các sản phẩm ren được làm ra không có chỗ tiêu thụ nên ế ẩm. Sau khi nhà nước bỏ bao cấp, các doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm thêu ren. Tuy nhiên do ngày công rất thấp, chỉ 15 - 20 nghìn đồng/ngày nên dần dần mọi người bỏ nghề, chuyển nghề. “Bây giờ nhiều người đi làm công ty, lương ít nhất cũng 4 - 5 triệu đồng/tháng thì tội gì phải thêu ren ngày có vài chục nghìn? Vì vậy, nếu như ngày xưa đám trẻ chừng 13 - 15 tuổi đều biết thêu ren thì bây giờ các cháu sinh sau năm 1985 đều không biết nghề. Thực tế này không lấy gì làm vui nhưng chúng tôi vẫn đành phải chấp nhận. Đôi khi, những người nhớ nghề vẫn cứ ước ao, giá như có được nhà tiêu thụ, giá như ngày công đảm bảo mức sống tối thiểu thì chắc chắn rằng nghề thêu ren truyền thống sẽ không bị mất đi” - chị Ngân chia sẻ.

Thực ra không phải nghề thêu ren Hạ Mỗ không “có cửa” hồi sinh. Theo anh Nguyễn Xuân Việt, mỗi khi có đoàn khách du lịch về tham quan đền Văn Hiến, chùa Giác Hải, xã vẫn đem nghề truyền thống độc đáo này đến trình diễn và được du khách rất thích thú. Những hình tròn, bông hoa do du khách tự tay thêu ngay trong buổi trải nghiệm luôn được mọi người nâng niu, thậm chí có người còn cài lên ngực áo.

Tuy nhiên, cũng như ý kiến của chị Ngân, anh Việt cho rằng để nghề thêu ren của Hạ Mỗ “hồi sinh” thì điều cần hơn cả là phải tìm kiếm được thị trường và ngày công lao động phải được đảm bảo. Điều đáng nói là hiện nay thị trường trong nước của mặt hàng cao cấp này đang bị bỏ ngỏ. “Cũng có người băn khoăn, mặt hàng ren cao cấp này có giá thành rất đắt nên khó tiếp cận được với người Việt. Thế nhưng, theo tôi, không thể vì thế mà không khai thác “sân nhà”, nhất là trong bối cảnh kinh tế - xã hội cũng như đời sống của người Việt mình ngày càng được nâng cao. Hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu các mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước đồng thời tiến hành dạy nghề cho thế hệ trẻ để giữ nghề. Cùng với đó, để khuyến khích người dân giữ nghề, vào mỗi dịp giỗ thánh ở đền Văn Hiến, Ban quản lý di tích lại tổ chức thi thêu ren. Những sản phẩm xuất sắc nhất sẽ được dâng cúng thánh, trao giải và bán đấu giá”. Câu nói của người cán bộ văn hóa xã phần nào cho thấy sự quyết tâm của chính quyền và người dân Hạ Mỗ trong nỗ lực khôi phục một nét đẹp truyền thống của quê hương mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghề thêu ren Hạ Mỗ - đi tìm “một thời vang bóng”