Người Mường ở xứ Ðoài

Nguyễn Vũ Thủy Tiên| 18/01/2022 05:40

(HNNN) - Theo cách gọi trong dân gian, xứ Đoài là vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long, bao gồm tỉnh Sơn Tây và một phần của tỉnh Phú Thọ xưa. Nhưng ngày nay, cái tên xứ Đoài mặc định là vùng đất Sơn Tây xưa. Đoài là tên một quẻ của Bát Quái trong Kinh Dịch, thuộc về phía tây nên Đoài có nghĩa là Tây. Xứ Đoài không chỉ có người Kinh mà có rất nhiều bà con dân tộc Mường sinh sống, là minh chứng cho sự hòa hợp của người Việt.

Thu hái thuốc nam tại vùng dược liệu xã Minh Quang, huyện Ba Vì. Ảnh: Hải Nam

Hậu duệ của Hùng Vương

Xứ Đoài xưa là vùng đất gốc của người Việt cổ và nền văn minh Việt cổ, nơi chứng kiến quá trình hình thành, phát triển nhà nước đầu tiên của người Việt. Dấu tích cổ xưa nhất của con người sinh sống trên vùng đất này là văn hóa Sơn Vi thời hậu kỳ đá cũ (cách ngày nay 23.000 - 11.000 năm).

Sách “Việt sử lược” chép: “Đến đời Trang Vương nhà Chu (696 - 682 trước Công nguyên) ở bộ Gia Ninh (xứ Đoài ngày nay) có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang”. Bằng chứng khảo cổ học tìm thấy quanh khu vực Sơn Tây, Ba Vì, Thạch Thất đã chứng minh, người Mường ở xứ Đoài là hậu duệ của Hùng Vương. Theo Giáo sư Trần Quốc Vượng, xứ Đoài xưa là nơi hợp dung văn hóa giữa người Mường cổ cư trú ở vùng núi ngay cạnh người Việt cổ sống ở đồng bằng nên đã sinh ra tiếng Việt cổ - gốc gác của tiếng Việt ngày nay. Xa xưa, người Mường gốc xứ Đoài sống quanh chân núi Ba Vì. Theo thời gian, người Mường từ Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa di cư đến đây thành từng lớp, tạo thành cộng đồng Mường đông đúc. Đến năm 1941, có 5.000 người Mường sống ở xứ Đoài.

Về tập tục và lối sống của cư dân Mường ở xứ Đoài, sách “Đại Nam nhất thống chí” triều Nguyễn chép: “Thổ dân sống ở huyện Bất Bạt và Mỹ Lương (khu vực Sơn Tây,  Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai hiện nay), hằng năm lấy tháng 11 làm tháng đầu năm và lấy ngày 1 làm ngày cuối tháng, gọi là “tháng lùi ngày tiến”, tức là “ngày nội” dùng trong dân gian, còn quan lịch gọi là “ngày ngoại” chỉ để dùng khi có việc quan. Về ăn uống thì lợn chỉ thui cho hết lông rồi nấu. Rượu thì không nấu mà chỉ ủ, gặp ngày có tế lễ, hoặc giỗ chạp thì trước 1 tháng hoặc 20 ngày thổi cơm nếp, dùng lá cây kim anh và vỏ trấu giã ra trộn lẫn với cơm chứa vào vò sành buộc cẩn thận. Đến ngày đã định, lấy cần tre khoan các đốt để làm cần, lại dùng sừng trâu để ao nước đổ vào vò rồi khách khứa bạn hữu luân chuyển nhau cần tre cùng uống thỏa thích, người nào uống chưa đủ số lượng thì bị phạt”. Người Mường xưa ở nhà sàn làm bằng tre, trên dành cho người sinh hoạt, dưới nuôi lợn, trâu. Cơm thì không kể gạo nếp hay tẻ đều đổ vào chõ để đồ hoặc đổ vào ống tre rồi nướng, không thổi bằng nồi. Người Mường sống cạnh rừng nhưng cấy lúa nước vì lúa nước mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, nên mới có câu tục ngữ: “Một luống cần (cày) bằng năm luống rẫy”. Và qua nhiều đời, họ đúc rút ra kinh nghiệm làm nông nghiệp: “Ruộng có tro (phân) kho có lúa”, “Ruộng sâu cấy lúa hột tiêu, ruộng cao khoai luống đổ đèo bên hông”.

Người Mường họ Nguyễn, họ Đinh 

Lâu nay, trong xã hội tồn tại suy nghĩ, họ Nguyễn là họ của người Kinh. Thực ra không đúng như vậy, người Mường cũng có họ Nguyễn, số người Mường mang họ Nguyễn chiếm tỷ lệ đáng kể trong 15 họ của dân tộc Mường.

Theo khảo sát của nhà Dân tộc học, Tiến sĩ Lâm Bá Nam, ở xã Khánh Thượng và Minh Quang (huyện Ba Vì), số dân họ Nguyễn và Đinh chiếm tới 92%, trong đó họ Nguyễn là 60%, họ Đinh 30%. Người mang họ Nguyễn ở Minh Quang tự nhận quê quán gốc của họ là xã Khánh Thượng di cư từ Hòa Bình xuống từ 180 năm trước. Có lẽ do ảnh hưởng văn hóa Việt, dòng họ Nguyễn Đình tại thôn Mộc xã Minh Quang xây một từ đường nhỏ để thờ cúng tổ tiên. Ngoài sinh sống ở xã Minh Quang và Khánh Thượng, họ Nguyễn Đình còn cư trú rải rác ở nhiều nơi là Hòa Bình, Phú Thọ, Sơn Tây, nội thành Hà Nội có 6 chi với tổng số 160 hộ và 576 khẩu. Còn họ Đinh cho rằng, tổ tiên họ ở Hòa Bình, Thanh Hóa, Sơn La đến. Đáng chú ý là người Mường họ Đinh và họ Nguyễn ở xã Khánh Thượng và Minh Quang thường sống cạnh nhau trong cùng một làng. Những nghiên cứu về người Mường cho thấy, họ Nguyễn và Đinh liên quan đến truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh.

Trong ngọc phả tại đền Lăng Sương (xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ), Sơn Tinh tên thật là Nguyễn Tuấn. Thân phụ là ông Nguyễn Cao Hành, thân mẫu là Đinh Thị Đen, cả hai đều là người Mường. Họ là những người tu nhân tích đức nhưng hiếm muộn con cái. Người vợ của Nguyễn Tuấn là con gái Hùng Vương. Khi lấy được công chúa, Nguyễn Tuấn được vua - cha vợ truyền lại ngôi báu. Sau đó, Nguyễn Tuấn đã nhường ngôi cho Thục Phán An Dương Vương, từ đó nước Âu Lạc ra đời. Có công đẩy lùi thủy hạn, an dân hộ quốc, nên dân địa phương đã lập đàn thờ và tôn ngài thành Tản Viên Sơn Thánh. Sự tích này có nhiều dị bản nhưng có hai chi tiết giống nhau là cha của Tuấn là họ Nguyễn và mẹ là họ Đinh. Qua nhiều lần điền dã, Tiến sĩ Lâm Bá Nam rút ra nhận định: “Ba nhân vật Nguyễn Cao, Đinh Thị Đen và Nguyễn Tuấn vẫn được cư dân Mường thờ phụng và mang nét tín ngưỡng sâu sắc, đặc trưng”.

Người Mường ngày nay

Hiện nay, ở huyện Ba Vì có 6 xã đông bà con dân tộc Mường gồm Yên Bài, Minh Quang, Ba Trại, Vân Hòa, Khánh Thượng, Tản Lĩnh. Tại xã Khánh Thượng, người Mường từ Hòa Bình xuống đây cư trú từ 400 năm trước. Tại xã Minh Quang có xóm Mường từ Thanh Hóa ra sống ở đây 10 đời, có xóm từ Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) xuống đây sinh sống đã 7 đời, lại có xóm Mường mới cư trú hơn 100 năm.

Không chỉ ở Ba Vì có dân tộc Mường mà huyện Thạch Thất cũng có. Năm 1998, các nhà khảo cổ học đã khai quật khu vực quanh hồ Đồng Mô phát hiện rất nhiều mộ Mường từ đời Lý, Trần, chứng tỏ khu vực này từng là nơi cư trú của người Mường. Ngày 1-8-2008, Quốc hội đã ra Nghị quyết 15/2008/NQ-QH12 “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”, theo đó hợp nhất tỉnh Hà Tây vào thành phố Hà Nội và chuyển 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình vào hai huyện Thạch Thất và Quốc Oai của Hà Nội. Do ba xã Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình phần lớn là bà con dân tộc Mường nên Thạch Thất là huyện có số người Mường đông thứ hai ở Hà Nội sau Ba Vì.

Ngày nay, cuộc sống của bà con Mường ở xứ Đoài đã thay đổi, ngoài làm ruộng họ còn nuôi bò sữa, trồng chè, có gia đình làm dịch vụ, thanh niên làm việc tại các nhà máy. Dù cuộc sống thay đổi nhưng văn hóa Mường ở xứ Đoài vẫn được bảo tồn. Mỗi khi Tết đến xuân về, bà con tổ chức lễ hội, tiếng chiêng lại ngân vang, phụ nữ mặc váy có cái cạp rực rỡ màu sắc với hoa văn đặc sắc và mọi người quây quần bên bình rượu trong không khí ấm cúng, hòa thuận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người Mường ở xứ Ðoài