Xưa và nay

Nhớ thời đọc báo sau giờ nghỉ trưa

Khúc Văn Quý 07/09/2024 13:59

Những năm 1980, các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô đều phải có kế hoạch dành một phần quỹ phúc lợi để mua báo ngày, báo tuần các loại cung cấp cho các phòng, ban, phân xưởng sản xuất.

Đây là một cách hiệu quả để phổ biến, tuyên truyền về chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với công nhân, viên chức, người lao động.

img_0500.jpg
Cảnh đọc báo thời bao cấp ở phố Tràng Tiền. Ảnh: Tư liệu

Thời gian đó, tôi được phân công phụ trách công tác tuyên giáo của Công đoàn nhà máy nên có nhiệm vụ lên kế hoạch đặt mua báo hằng quý cho các Công đoàn cơ sở, các phòng, ban, phân xưởng rồi trình lên thủ trưởng cơ quan phê duyệt. Trong các loại báo ngày đặt mua thì không thể không có báo Nhân Dân, báo Hànộimới, riêng Phòng Bảo vệ - Quân sự có thêm tờ Quân đội nhân dân; báo tuần thì nhất thiết phải có tờ Lao Động, Phụ nữ, Tiền Phong...

Các phòng, ban thường được cấp 1 số cho mỗi loại báo, còn các phân xưởng thì được cấp theo 3 ca và theo từng công đoạn sản xuất ở các buồng máy nên số lượng mỗi loại báo cũng nhiều hơn. Đầu giờ làm việc buổi sáng hằng ngày, anh bưu tá của Bưu điện quận Hai Bà Trưng chuyển báo đến, nhân viên Văn phòng chia báo theo danh sách phân phối rồi chuyển đến cho các phòng, ban, phân xưởng. Thời gian đó chưa có nhiều loại báo và cũng chưa có tivi, máy vi tính, điện thoại thông minh... như hiện nay nên việc được nhận báo mỗi sớm là điều khiến mọi người rất vui. Ai cũng háo hức đón đọc.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động được tiếp cận sớm nhất với tờ báo mỗi ngày, Công đoàn nhà máy đặt làm các bộ nẹp bằng gỗ, bắt vít 2 đầu, kẹp báo vào và treo lên bảng thông tin tuyên truyền ở khu vực cửa phân xưởng, cửa buồng máy. Báo ngày một kẹp, báo tuần một kẹp phục vụ công nhân tranh thủ đọc sau giờ ăn giữa ca. Ở các phòng, ban thì để 2 kẹp báo trên bàn họp để mọi người dễ tiếp cận; lại cử một cán bộ phòng dành thời gian tìm đọc, chọn những tin, bài quan trọng để đọc cho cả phòng, ban nghe sau giờ nghỉ trưa.

Để tạo điều kiện cho hoạt động thông tin tuyên truyền, Công đoàn nhà máy phát động phong trào đọc báo tập trung mỗi ngày từ 20 - 30 phút, bắt đầu từ 13h hằng ngày. Chỉ sau một thời gian ngắn, phong trào đọc báo sau giờ nghỉ trưa được tất cả cán bộ, nhân viên các phòng, ban hưởng ứng, duy trì thực hiện và dần đi vào nền nếp, trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu của mỗi người trong một ngày làm việc.

638606876466777082-img_0762.jpg
Ở phòng đọc báo Câu lạc bộ Thăng Long Hà Nội. Ảnh: Quý Văn

Không ai bảo ai, khi hồi kẻng báo hiệu bắt đầu giờ làm việc buổi chiều phát ra từ phòng bảo vệ nhà máy là tất cả cán bộ, nhân viên các phòng, ban đã “yên vị” lắng nghe giọng đọc báo quen thuộc của đồng nghiệp. Buổi đọc báo càng thêm sôi nổi khi trên báo hôm ấy có đăng tin, bài viết về phong trào thi đua lao động sản xuất ở nhà máy hoặc giới thiệu những tấm gương điển hình tiên tiến ở các phòng, ban, phân xưởng có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, cải tiến nghiệp vụ, giới thiệu những thợ giỏi, “Bàn tay vàng” luôn đạt năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt... Những tin, bài trên báo viết về nhà máy lập tức được Ban biên tập Đài truyền thanh nhà máy chọn đọc trong các buổi phát thanh tuyên truyền hằng ngày trên hệ thống loa truyền thanh phủ sóng khắp nhà máy, làm tăng thêm niềm tự hào của cán bộ, công nhân viên. Sau giờ đọc báo, mọi người ai vào việc đó theo nhiệm vụ được giao, không quên trao đổi, bàn luận, làm sâu sắc thêm những tin, bài vừa được nghe…

Nhiều năm đã qua nhưng hình ảnh về những buổi đọc báo sau giờ nghỉ trưa vẫn được lưu giữ trong trí nhớ mỗi cán bộ, công nhân viên. Đó là điều được họ sôi nổi kể lại khi có dịp gặp mặt trong các buổi sinh hoạt hội hưu, sinh hoạt câu lạc bộ của nhà máy. Nhiều đồng nghiệp một thời ở nhà máy với tôi những năm sau đó vẫn giữ thói quen mua báo hằng ngày, cũng như tìm đọc báo ở khu vực bảng tin có dán báo hằng ngày cạnh cửa tòa soạn Báo Hànộimới, Báo Nhân Dân, hoặc tới phòng đọc báo ở Câu lạc bộ Thăng Long...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhớ thời đọc báo sau giờ nghỉ trưa