Những kết quả tích cực ở huyện Mỹ Đức

Kim Nhuệ| 27/03/2023 07:35

(HNM) - So với nhiều địa phương khác trên địa bàn thành phố, mức thu nhập và đời sống của người dân huyện Mỹ Đức còn khá khiêm tốn. Để tiến kịp các địa phương khác, lãnh đạo huyện cùng với người dân trên địa bàn triển khai nhiều giải pháp mang lại những kết quả tích cực.

Mô hình nuôi gà đẻ trứng theo hướng hữu cơ của gia đình ông Đoàn Trọng Định ở xã Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức) cho giá trị kinh tế cao.

Xã Phúc Lâm những ngày này đang “thay da đổi thịt”. Tuyến giao thông trong khu dân cư, nội đồng được bê tông hóa, rộng rãi, sạch sẽ; nhiều ngôi nhà kiên cố, cao tầng mới được xây dựng... “Trước khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (năm 2010), Phúc Lâm còn 6,89% hộ nghèo, thu nhập bình quân 14 triệu đồng/ người/năm. Song, đến thời điểm này, Phúc Lâm chỉ còn 0,2% hộ nghèo, thu nhập bình quân hơn 60 triệu đồng...”, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Lâm Phạm Hồng Sỹ phấn khởi thông tin.

Không riêng Phúc Lâm, nhiều xã từng thuộc vùng khó khăn nhất huyện Mỹ Đức, như: An Phú, Hợp Thanh, Hương Sơn, Tuy Lai... cũng có thay đổi tích cực, diện mạo nông thôn khang trang, sạch đẹp. Đây là kết quả của chương trình xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp...

Ông Đoàn Trọng Định, người dân thôn Khảm Lâm (xã Phúc Lâm) chia sẻ: Nhờ chủ trương dồn thửa, đổi ruộng của Nhà nước, gia đình có điều kiện mở rộng chăn nuôi gà đẻ trứng với quy mô hơn 8.800m2. Các chuồng nuôi đều được thiết kế khép kín, có hệ thống giàn làm mát điều chỉnh nhiệt độ. Gà được nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, sử dụng thức ăn, nước uống theo quy trình VietGAP, nên hạn chế dịch bệnh, bảo đảm chất lượng. “Mỗi năm, trang trại của gia đình tôi thu lãi hơn 500 triệu đồng; tạo việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương, với thu nhập 6,5 triệu đồng/người/tháng...”, ông Đoàn Trọng Định nói thêm.

Tương tự, gia đình ông Phạm Văn Huấn, ở thôn Đục Khê (xã Hương Sơn) đã dồn đổi hơn 20.000m2 đất ven núi, khó canh tác sang xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn đẻ và lợn thịt theo hướng VietGAP kết hợp nuôi trồng thủy sản, mỗi năm thu lãi từ 500 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trương Anh Tuấn, huyện xác định thu nhập, nâng cao đời sống người dân là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung…

Đến thời điểm này, huyện Mỹ Đức có hơn 170 trang trại đạt tiêu chí của Bộ NN&PTNT, giá trị thu nhập bình quân 250 triệu đồng/ ha/năm. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện còn có hơn 100 mô hình sản xuất quy mô nhỏ, giá trị cao hơn trồng lúa...  Ngoài phát triển nông nghiệp, Mỹ Đức còn đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn... Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đến nay, thu nhập bình quân của người dân Mỹ Đức đạt 58 triệu đồng/người/năm, tăng gần 48 triệu đồng so với năm 2010. Dù vậy, so với nhiều huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội, thu nhập bình quân của người dân Mỹ Đức còn khá khiêm tốn.

Để tiếp tục nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều cho biết, huyện đang triển khai các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng,

vật nuôi phù hợp. Huyện cũng khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; ưu tiên hỗ trợ các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch, nông sản an toàn theo hướng hữu cơ, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn để tăng thu nhập cho người dân một cách bền vững…

Thực tiễn cho thấy, để nâng cao thu nhập cho người dân tại các địa phương thuần nông, việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp là giải pháp quan trọng; trong đó, cần chuyển diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây, chăn nuôi có giá trị kinh tế cao hơn; tích tụ đất đai, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, tạo ra sản phẩm hàng hóa bảo đảm chất lượng...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những kết quả tích cực ở huyện Mỹ Đức