Những mô hình sản xuất nông nghiệp sạch

Đào Huyền| 24/05/2019 06:55

(HNM) - Khuyến khích nông dân hướng tới những mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, đặc biệt là nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nông sản sạch, những năm qua, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã phát động và duy trì hiệu quả nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi sạch. Đáng ghi nhận, từ những mô hình đó, nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm của nông dân đã được nâng cao đáng kể.

(HNM) - Khuyến khích nông dân hướng tới những mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, đặc biệt là nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nông sản sạch, những năm qua, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã phát động và duy trì hiệu quả nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi sạch. Đáng ghi nhận, từ những mô hình đó, nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm của nông dân đã được nâng cao đáng kể.

Lam Điền là một trong những xã xây dựng nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi nông sản an toàn của huyện Chương Mỹ. Chủ tịch Hội Nông dân xã Lam Điền Dương Quang Vinh cho hay, nếu như trước kia, nông dân chỉ sản xuất, chăn nuôi tự phát, không theo quy trình an toàn nào thì sau khi được đẩy mạnh tuyên truyền, đến nay, về cơ bản các mô hình do Hội Nông dân xã triển khai đều là những mô hình sản xuất sạch. Cụ thể, đó là khu vực trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại thôn Đại Từ với diện tích 10ha. Đặc biệt, xã có 92 trang trại, trong đó có 84 mô hình nuôi gà thương phẩm, gà thịt, gà hậu bị; 38 mô hình chăn nuôi lợn với quy mô 600-1.200 con/trại.

Hay như mô hình trồng rau hữu cơ với nguyên tắc “6 không” (không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu hóa học, không thuốc diệt cỏ, không biến đổi gen, không kích thích sinh trưởng, không thuốc bảo quản) được Hội Nông dân thành phố phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội triển khai đồng loạt trên cây rau tại các địa phương. Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Đặng Xá (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Mạnh cho biết, thực hiện phong trào đó, từ năm 2016 đến nay, hầu hết các xã viên trong hợp tác xã đều sử dụng phân bón hữu cơ, phân lợn, gà ủ hoai mục, phân đa vi lượng trên vùng trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích khoảng 10ha.

Không chỉ tại các huyện Chương Mỹ, Gia Lâm, phong trào nông dân với mô hình sản xuất sạch đang ngày càng được nhân rộng tại hầu hết các địa phương. Đặc biệt, từ cuộc vận động “Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, tiêu dùng và bán ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp an toàn”, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn thành phố đã xây dựng thành công những mô hình sản xuất sạch, phong trào xanh tại địa phương. Điển hình là Hội Nông dân các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Ba Vì, Thường Tín, Thanh Trì, Chương Mỹ, Gia Lâm… đang duy trì, phát triển tốt 157 mô hình trồng rau an toàn, rau hữu cơ, rau thủy canh, mô hình trồng nấm, các mô hình chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên nền đệm lót sinh học...

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân thành phố Hà Nội Dương Thị Hằng cho rằng, bằng việc triển khai hiệu quả các mô hình sản xuất, nông dân Hà Nội đang đóng góp rất lớn vào cải thiện chất lượng nông sản, vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô. Không chỉ dừng lại ở sản xuất, Hội Nông dân thành phố còn phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tổ chức các lớp về phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm, tập huấn quy trình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn cho hội viên Hội Nông dân.

Để duy trì và nhân rộng hơn nữa các mô hình, thời gian tới, Hội Nông dân thành phố sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thực hiện tốt các quy trình, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn chất lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những mô hình sản xuất nông nghiệp sạch