Di sản

Đình Thượng Hiệp

Thủy Hương 27/04/2025 - 06:46

Đình Thượng Hiệp (thôn Thượng Hiệp, xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) là một trong những di tích lâu đời, mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa của vùng Tam Hiệp.

dinh-th-1.jpg

Đình là nơi thờ Bạch Hạc Long Thân Đại vương - vị tướng giỏi đánh giặc, có công lao giúp Hùng Vương giữ vững giang sơn. Ngoài ra, ngài còn có tài trị thủy, được coi là một vị thần bảo vệ, giúp đỡ nhân dân chống lại thiên tai. Vì thế, ngài được vua phong là Tam Giang Bạch Hạc Thượng đẳng Phúc thần và cho phép người dân vùng Tam Hiệp lập đền thờ.

Theo các nguồn sử liệu, đình Thượng Hiệp được dựng dưới thời vua Lê Dụ Tông, năm 1707 - niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ ba. Năm 1947, đình bị thực dân Pháp đốt phá, đến năm 1949, nhân dân đã hưng công xây dựng lại trên nền đất cũ.

Trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo, đình Thượng Hiệp ngày nay có kiến trúc kiểu chữ “Đinh” gồm các hạng mục kiến trúc: Tam quan, nhà giải vũ, tòa đại bái, hậu cung. Tam quan gồm cổng chính được tạo bởi hai cột trụ biểu dạng lồng đèn. Bốn mặt của thân cột đều khắc chữ Hán, đỉnh cột là bốn con chim phượng chụm đầu, đuôi vểnh ra các hướng. Hai cổng phụ hai bên thấp hơn cổng chính, được bịt kín, chính giữa mỗi bên cổng đắp nổi hình tượng môn thần và một hình voi.

Qua tam quan là khoảng sân rộng lát gạch Bát Tràng. Đối diện với nhau qua sân là hai dãy nhà giải vũ nằm song song. Mỗi dãy gồm 5 gian, có cấu trúc đơn giản. Đại bái là một dãy nhà hình chữ “Nhất” xây theo kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Kiến trúc đình mang phong cách tiêu biểu của vùng xứ Đoài, nội đình lát ván sàn bằng gỗ dày 5cm, gian giữa để trống. Nối giữa các cột quân là các vách đứng kiểu “trên song dưới bản”. Đặc biệt, các mảng họa tiết trang trí hình đầu rồng, hoa lá, tứ linh được chạm bong tinh xảo.

Hậu cung nằm cách đại bái khoảng 3m, gồm 4 gian dọc, mái được xây kiểu chồng diêm, hai tầng tám mái, lợp ngói mũi hài. Trên bờ nóc trang trí hình lưỡng long chầu nguyệt, các đầu đao cong vút trang trí đầu rồng. Kết cấu kiến trúc hậu cung tương đối đơn giản với hai đầu hồi có bộ vì ruồi được làm kiểu chồng rường. Đỡ mái thượng là kết cấu kèo cầu “giá chiêng, hạ bẩy”. Hai mái dưới là hệ thống rường nách đặt trên thanh xà ngang. Gian ngoài là nơi hành lễ. Gian trong bày đồ tự khí, có ngai thờ thành hoàng làng. Họa tiết trang trí là các đề tài dân gian quen thuộc như hoa lá, rồng, phượng chạm nổi.

Năm 1991, đình Thượng Hiệp được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đình Thượng Hiệp