Di sản

Phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng: Hồng Thạch Lạp Tự - khu di tích kháng chiến quan trọng của Trung Quốc

Minh Trà 30/04/2024 - 14:10

Để đánh dấu kỷ niệm 80 năm chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và kết thúc Thế chiến thứ hai (1945 - 2025), Trung Quốc đã triển khai kế hoạch nghiên cứu, bảo tồn các di tích và hiện vật tại căn cứ du kích Hồng Thạch Lạp Tự, tỉnh Cát Lâm, nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và phát triển du lịch.

Được xây dựng từ năm 1932, căn cứ kháng chiến nằm ở khu vực núi Hồng Thạch Lạp Tự, cách thành phố Thạch Bàn 20km về phía tây, khu vực lõi có diện tích 800.000m2. Với hơn 3.300 tàn tích được phát hiện bao gồm doanh trại, tiền đồn, công sự phòng thủ và bãi huấn luyện quân sự..., địa điểm này là căn cứ du kích do Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập ở vùng Đông Bắc và là cái nôi cho sự ra đời, trưởng thành của Quân đội thống nhất chống Nhật vùng Đông Bắc. Hồng Thạch Lạp Tự là khu phức hợp lớn nhất và có ý nghĩa văn hóa nhất để kỷ niệm cuộc kháng chiến chống xâm lược, xảy ra trước cuộc nội chiến và cuối cùng giành thắng lợi cho Trung Quốc.

638494141296755112-1704958213585074147.jpg
Một góc khu di tích Hồng Thạch Lạp Tự.

Năm 1981, Hồng Thạch Lạp Tự được xếp hạng là đơn vị bảo vệ di tích văn hóa cấp tỉnh. Năm 2019, nơi đây được xếp hạng là địa điểm trọng điểm quốc gia giáo dục thế hệ trẻ về Đảng và lịch sử dân tộc, đồng thời là đơn vị bảo vệ di tích văn hóa trọng điểm quốc gia.

Mới đây, Cục Quản lý Di sản văn hóa quốc gia, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia và Bộ Tài chính đã ban hành kế hoạch nhằm tiến hành một cuộc nghiên cứu kỹ lưỡng về các di tích và hiện vật từ thời kỳ đó, đồng thời tăng cường bảo vệ, sử dụng di sản để tôn vinh thành quả của cách mạng và giáo dục thế hệ trẻ.

Là căn cứ kháng chiến trong 14 năm, di tích là nơi ghi lại bản chất và diễn biến của cuộc chiến đấu, cuộc sống của những người lính, những lý tưởng thúc đẩy và những sự kiện làm nên thắng lợi hoàn toàn đầu tiên mà Trung Quốc giành được trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm ở thời kỳ hiện đại.

Để bảo tồn khu di tích cách mạng này, các cơ quan chức năng Trung Quốc đã tiến hành điều tra kỹ lưỡng về toàn bộ tổ hợp trên một diện tích rộng, trong đó, tập trung khoanh vùng các khu vực cần phải ưu tiên bảo vệ ở Hồng Thạch Lạp Tự, và phân loại di sản văn hóa đối với các hiện vật. Đồng thời, một cơ sở dữ liệu sẽ được thiết lập để thúc đẩy việc chia sẻ và cập nhật thông tin về các bộ sưu tập này. Những di vật được khai quật bao gồm dao, đạn và đồ dùng cho thấy lực lượng du kích không chỉ chống giặc ngoại xâm mà còn tham gia sản xuất nông nghiệp. Cuộc khảo sát cũng được tiến hành ở khu vực gần sông Hắc Long Giang để khám phá những câu chuyện còn ẩn giấu. Meng Qingxu, người đứng đầu nhóm khảo cổ học của Viện Khảo cổ học tỉnh Cát Lâm cho biết: “Trong lúc khai quật các địa điểm tại khu vực di tích, chúng tôi đã phát hiện ra một số trại bí mật gần thành phố Thông Hóa, trong đó thậm chí còn không có giường gạch. Điều này cho thấy điều kiện khắc nghiệt mà lực lượng du kích đã phải chịu đựng khi tham gia kháng chiến”.

a5.jpg
Các nhà khảo cổ học tiến hành khai quật khu di tích Hồng Thạch Lạp Tự.

Kế hoạch của Cục Quản lý Di sản văn hóa quốc gia, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia và Bộ Tài chính cũng đề nghị chính quyền địa phương loại bỏ những rủi ro tiềm ẩn có thể gây nguy hiểm cho các địa điểm di tích và cải thiện hiệu quả các biện pháp bảo vệ, các bảo tàng và tổ chức địa phương nên đẩy nhanh quá trình số hóa các bộ sưu tập và bắt đầu công việc phục hồi.

Hiện tại, nhiều mẫu vật tìm được tại khu di tích kháng chiến Hồng Thạch Lạp Tự đang được trưng bày tại Bảo tàng thành phố Bàn Thạch. Bảo tàng được xây mới vào năm 2022, có tổng diện tích sàn là 4.999m2, diện tích triển lãm khoảng 2.600m2. Bộ sưu tập phong phú và toàn diện khiến nơi đây trở thành triển lãm lớn nhất về cuộc kháng chiến trước chiến tranh thế giới lần thứ II, gồm 50 tủ trưng bày. Phòng triển lãm được chia thành 5 khu vực, mỗi khu vực được trang trí với những gam màu khác nhau. Qua những bức ảnh cũ, mẫu vật khai quật được từ Hồng Thạch Lạp Tự và công nghệ nghe nhìn, triển lãm khắc họa một cách sinh động cuộc đấu tranh bất khuất của nhân dân vùng Đông Bắc từ năm 1931 đến năm 1945.

Là tỉnh nằm giáp biên giới với Triều Tiên và Nga ở phía Đông, có ranh giới giáp với tỉnh Hắc Long Giang ở phía Bắc, với tỉnh Liêu Ninh ở phía Nam, và khu tự trị Nội Mông ở phía Tây, Cát Lâm có lịch sử hình thành và phát triển hơn 50.000 năm. Những năm gần đây, vùng đất này thu hút số lượng đông đảo khách du lịch với vẻ đẹp thiên nhiên độc đáo, hùng vĩ và sự đa dạng trong phong tục tập quán, ẩm thực cũng như văn hóa. Việc khai quật, bảo tồn và trùng tu căn cứ du kích Hồng Thạch Lạp Tự hứa hẹn mang đến một điểm du lịch mới, vừa có thể phát huy giá trị di sản, vừa có thể quảng bá một giai đoạn lịch sử hào hùng của đội quân du kích vùng Đông Bắc trước Thế chiến thứ II.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng: Hồng Thạch Lạp Tự - khu di tích kháng chiến quan trọng của Trung Quốc