Di sản

Phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng: Khi du lịch “đánh thức” di sản

Linh Tâm 29/04/2024 - 19:50

Di sản văn hóa là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch. Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên di sản văn hóa phong phú với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử cách mạng (LSCM). Để “đánh thức” tiềm năng của các “địa chỉ đỏ”, cần có sự chung tay của các bên liên quan nhằm khai thác, phát huy giá trị, đưa loại hình di tích này trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Nỗ lực đổi mới

Di tích LSCM là minh chứng xác thực về những năm tháng hào hùng đấu tranh giành hòa bình, độc lập dân tộc của cha ông. Đây không chỉ là những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, mà còn là nguồn tài nguyên thu hút du khách trong nước và quốc tế.

a1.jpg
Học sinh trải nghiệm đẩy xe thồ tại di tích đồi A1 (thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên).

Nếu như trước đây, nhắc đến việc tới các di tích LSCM, nhiều người không mấy hào hứng vì sự khô cứng, tẻ nhạt thì nay, nhiều di tích đã trở thành điểm đến được ưa thích. Chẳng hạn, Khu di tích Địa đạo Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh) gây ấn tượng sâu sắc với nhiều người về ý chí chiến đấu kiên cường của nhân dân Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ mà đến nay vẫn còn hiện hữu những dấu tích của con đường dưới lòng đất kéo dài 250km với nhiều công trình liên hoàn. Chiến thắng oanh liệt của quân và dân vùng “Đất thép thành đồng” đã trở thành một huyền thoại của thế kỷ XX khiến cả thế giới phải thán phục.

Là điểm đến thuộc loại hình di tích LSCM nhưng Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi luôn thu hút hàng trăm nghìn lượt khách mỗi năm. Riêng năm 2023, nơi này đón hơn 1 triệu lượt khách, tăng 25% so với năm 2022. Để duy trì đà tăng trưởng, Ban Quản lý di tích luôn nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ, nội dung thuyết minh, xây dựng nhiều sản phẩm hấp dẫn để thu hút khách. Chia sẻ về điều này, Phó Giám đốc Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi Nguyễn Minh Tâm cho biết: “Để du khách hình dung rõ hơn về quá trình chiến đấu kiên cường của quân và dân Củ Chi đồng thời tạo sản phẩm độc đáo cho thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đã xây dựng tour trải nghiệm “Trăng chiến khu” - diễn ra vào hai tuần giữa hằng tháng nhằm tái hiện cảnh sinh hoạt thường ngày của người dân Củ Chi giai đoạn 1961 - 1964. Tham gia tour thực cảnh này có 30 diễn viên chuyên nghiệp và nhân viên của khu di tích. Mỗi buổi diễn đón từ 120 - 150 khách. Việc tái hiện sinh động cảnh sinh hoạt đời thường của người dân vùng chiến khu xưa đã “chạm” tới cảm xúc của du khách và truyền đi thông điệp ý nghĩa về lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc”.

Quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ là một điển hình ở phía Bắc gắn với chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, gồm 45 điểm di tích thành phần. Với mong muốn thu hút ngày càng nhiều khách du lịch, tỉnh Điện Biên đã nỗ lực sáng tạo nhiều sản phẩm mới, đặc biệt là các hoạt động giáo dục trực quan, trải nghiệm phù hợp với từng điểm di tích như “Chúng em làm chiến sĩ” dành cho học sinh, sinh viên; tổ chức cho tân binh học tập trực quan, tham gia đánh trận giả; phối hợp với lực lượng quân đội giới thiệu chiến thuật quân sự và truyền thống quốc phòng... Những hoạt động này vừa nhằm tôn vinh giá trị và ý nghĩa của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, vừa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ người dân Việt Nam, đồng thời tạo ra sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng của vùng đất Điện Biên.

Nắm bắt xu hướng để đón khách

Từ trong và sau giai đoạn dịch Covid-19, nhiều di tích LSCM đã được làm mới mình bằng nhiều sản phẩm đặc sắc để bắt kịp sự thay đổi về xu hướng du lịch của du khách. Đó là đi theo nhóm nhỏ, chủ động về phương tiện vận chuyển, chú trọng cảm xúc và trải nghiệm mới lạ, đặc biệt là xu hướng tìm hiểu truyền thống lịch sử, nét văn hóa bản địa độc đáo ở các điểm đến. Nắm bắt thực tế này, nhiều địa phương có hệ thống di tích LSCM phong phú như Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Giang... đã cho ra đời nhiều sản phẩm gắn với di tích và lịch sử địa phương.

z5377657837318_a7fa26bf74128255a6dcd0e8f82ee524.jpg
Tour "Trăng chiến khu" tại Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi thu hút đông đảo du khách.

Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng mô hình tour đêm và lan tỏa ra nhiều tỉnh, thành phố khác. Di tích Nhà tù Hỏa Lò với chuỗi tour “Đêm thiêng liêng” nay đã thành thương hiệu. Giờ đây, di tích này đã trở thành “trường học lịch sử thứ hai” để giới trẻ trải nghiệm, tìm hiểu về truyền thống
cách mạng.

Nếu như du khách nội địa trải nghiệm tour di tích LSCM với mục đích chính là về nguồn, tri ân các anh hùng liệt sĩ, qua đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc, giáo dục truyền thống... thì khách quốc tế đến các di tích này chủ yếu là đối tượng cựu chiến binh, người thân của các cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam. Họ đến từ Mỹ, Pháp, Australia..., thường chọn tour thiết kế riêng phù hợp. Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại du lịch Tầm nhìn Việt (Viet Vision Travel) Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ: “Đối tượng khách này thường tham gia lịch trình dài 13 ngày để thăm lại nơi họ từng chiến đấu như Khu chứng tích Sơn Mỹ (Quảng Ngãi); thành cổ Quảng Trị, địa đạo Vịnh Mốc (Quảng Trị); đường Hồ Chí Minh... Khi thiết kế tour cho họ, chúng tôi luôn lồng ghép những trải nghiệm khác như tìm hiểu các di sản văn hóa thế giới; khám phá văn hóa, ẩm thực bản địa, trải nghiệm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng... Nếu chỉ đưa họ đến các địa điểm lịch sử, chắc chắn họ sẽ cảm thấy nhàm chán và không muốn quay lại”.

Theo Giám đốc Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Chuyến đi Đông Dương (Indochina Journey, một doanh nghiệp inbound có nhiều năm kinh nghiệm) Nguyễn Đức Hùng, để phục vụ khách quốc tế, đặc biệt là các cựu chiến binh thăm lại chiến trường xưa tại Việt Nam, doanh nghiệp phải có sự tinh tế trong quá trình hướng dẫn khách tham quan nhằm tránh “khoét sâu” quá khứ có thể khiến họ bị tổn thương. Không phải khách nào cũng thích đến những nơi họ từng thua trận. Vì vậy, Indochina Journey chú trọng mang lại những trải nghiệm nhân văn, truyền đi thông điệp hòa bình và tạo cho họ ấn tượng tốt đẹp về sự bao dung, nhân hậu, mến khách của người Việt Nam hậu chiến tranh. Trở về sau chuyến đi, nhiều vị khách của công ty đã trở thành những “đại sứ du lịch” khi giới thiệu bạn bè, người thân đến với Việt Nam.

Gắn kết với cộng đồng bản địa để phát triển bền vững

Nhìn vào những con số ấn tượng về sự tăng trưởng lượng khách ở nhiều di tích LSCM, có thể thấy rằng, đây vẫn là dư địa còn nhiều tiềm năng để khai thác, phát triển du lịch. Với những cách làm sáng tạo, chú trọng việc “chạm” đến cảm xúc của du khách, nhiều di tích LSCM đã “cởi bỏ” được lớp áo khô cứng, cũ kỹ. Để làm được điều này, không chỉ có sự nỗ lực của ban quản lý các di tích, mà còn phải xây dựng thế “kiềng ba chân” giữa chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp lữ hành nhằm xây dựng một hệ sinh thái phát triển bền vững tại các di tích LSCM. Theo Giám đốc Công ty Indochine Journey Nguyễn Đức Hùng, các bên liên quan cần hợp tác, tạo điều kiện cho nhau. Doanh nghiệp lữ hành là “cầu nối” đưa du khách đến với địa phương. Người dân hiếu khách, làm dịch vụ một cách chuyên nghiệp. Chính quyền địa phương tạo điều kiện cho doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến.

Đề cập đến vai trò của cộng đồng dân cư - yếu tố quan trọng để phát triển du lịch bền vững tại các di tích LSCM, PGS.TS Dương Văn Sáu, nguyên Trưởng khoa Văn hóa du lịch (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) nhấn mạnh: Cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương cần quan tâm đến cộng đồng dân cư bởi họ chính là người lưu giữ hồn cốt của không gian di tích. Cần khơi dậy trong họ niềm tự hào và ý thức bảo vệ môi trường di tích, phát triển du lịch “xanh”, tạo sinh kế bền vững trên cơ sở định hướng, tư vấn của các chuyên gia nghiên cứu du lịch nhằm tránh tình trạng phát triển tự phát. Việc đầu tư công ban đầu của Nhà nước sẽ là nền tảng thu hút nguồn lực của các doanh nghiệp để mở rộng, phát triển các dịch vụ vui chơi giải trí, lưu trú, nghỉ dưỡng... nhằm làm tăng giá trị và sức hấp dẫn cho các điểm đến. Tuy nhiên, cần phải cân bằng 3 yếu tố: Quá khứ (di tích), hiện tại (nhu cầu của du khách) và tương lai (xu hướng phát triển) dựa trên nền tảng giá trị cốt lõi của di tích để phát triển bền vững. Đấy là cách du lịch “đánh thức” di sản để cùng phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng: Khi du lịch “đánh thức” di sản