Từ năm 2018, mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” được triển khai thí điểm tại 8 quận, huyện, gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Hà Đông, Long Biên, Thanh Xuân, Tây Hồ và Đan Phượng với sự tham gia của gần 400 cơ sở dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Đến nay, sau gần 6 năm triển khai, Hà Nội đã xây dựng và duy trì được 20 tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát tại 16 quận, huyện và có tới 873 cơ sở kinh doanh tham gia.
Theo đánh giá của Sở Y tế Hà Nội, các “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” đều có sự thay đổi rõ rệt cả về cảnh quan lẫn ý thức chấp hành quy định về an toàn thực phẩm của người kinh doanh và người tiêu dùng, tạo chuyển biến tích cực trong quản lý an toàn thực phẩm đối với người bán hàng.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cũng nhận định, mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” giúp nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý an toàn thực phẩm, đồng thời huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành trên toàn thành phố; dồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm của người kinh doanh, chế biến thực phẩm. Đến nay, 100% cơ sở tham gia vào mô hình này đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm. Nguyên liệu sử dụng tại các cơ sở này đều được kiểm soát, có nguồn gốc xuất xứ. Thời gian qua chưa xảy ra ngộ độc thực phẩm tại các cơ sở tham gia vào mô hình này.
Quận Cầu Giấy hiện có 11 tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát với 247 cơ sở dịch vụ ăn uống và 10 cơ sở thức ăn đường phố. Gần 6 năm qua, quận đã thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các tuyến phố này. Qua kiểm tra gần 2.000 lượt cơ sở, cơ quan chức năng của quận đã xử phạt vi phạm hành chính 44 cơ sở với số tiền gần 180 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) cho biết: “Qua kiểm tra, cơ quan chức năng của phường đã yêu cầu các hộ kinh doanh thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Thông qua mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát, kiến thức thực hành của người quản lý, người kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng tăng lên; điều kiện cơ sở vật chất, việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm của chủ cơ sở được cải thiện”.
Từ hiệu quả triển khai mô hình này, thành phố đã hướng dẫn các quận, huyện, thị xã tiếp tục nhân rộng mô hình. Một số quận, huyện cũng đã chủ động mở rộng mô hình này nhằm tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm. Bà Đinh Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên khẳng định, cùng với quyết tâm của thành phố nói không với thực phẩm “bẩn” và cơ sở kinh doanh không bảo đảm an toàn, mỗi năm, quận cố gắng tiếp tục xây dựng thêm tuyến phố đạt chuẩn “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”. Khi Hà Nội có thêm nhiều tuyến phố như vậy sẽ không chỉ góp phần thay đổi thói quen kinh doanh, ăn uống, nâng cao ý thức trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm mà còn hình thành nét văn minh mới trong thương mại.