Sắc màu Tết của người Tày, Nùng
Đồng bào dân tộc Tày, Nùng sinh sống chủ yếu tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang...
Người Tày, Nùng có ngôn ngữ, văn hóa riêng nhưng cũng có nhiều nét tương đồng do có nguồn gốc chung cùng lịch sử di dân và mối quan hệ gần gũi do sống xen kẽ với nhau tại các bản làng. Điều này không chỉ được thể hiện trong những tập quán sinh hoạt hằng ngày mà còn được thể hiện rõ nét qua những phong tục truyền thống được gìn giữ trong dịp Tết Nguyên đán.
Không khí ngày Tết
Trong một năm, người Tày, Nùng đón nhiều cái Tết với những ý nghĩa khác nhau: Tết Nguyên đán - mở đầu năm mới, Tết Thanh minh (mùng 3 tháng Ba), Tết gọi hồn trâu bò vào mùng 6 tháng Sáu, Tết rằm tháng Bảy - báo hiếu cha mẹ, tháng Mười là dịp Tết cơm mới...
Chia sẻ về phong tục đón Tết của người Tày, Nùng, nghệ nhân người Tày Triệu Thị Chủ (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) cho biết: “Người Tày, Nùng thường chuẩn bị đón Tết Nguyên đán từ sớm. Vào ngày 27, 28 tháng Chạp, các gia đình nhộn nhịp chuẩn bị gói bánh chưng, bánh giầy, bánh khẩu sli và mổ lợn để làm các món ăn ngày Tết như thịt treo gác bếp, lạp xưởng, thịt lam, thịt ướp muối gừng... Người Tày không gói bánh chưng vuông như người Kinh mà gói bánh chưng dài hoặc bánh chưng “gù” với phần giữa nhô cao. Người Nùng cũng chuẩn bị các món tương tự với người Tày, gồm bánh chưng dài và không thể thiếu gà trống thiến, mâm ngũ quả, khẩu thuy, bánh khảo (pẻng cao), bánh trời (pẻng phạ)... Đặc biệt, trong bữa ăn tất niên của người Tày, Nùng không thể thiếu món thịt vịt để xả vận xui của năm cũ”.
Cũng như người Việt nói chung, bàn thờ gia tiên là nơi quan trọng nhất trong tâm thức người Tày, Nùng. Mỗi độ Tết đến xuân về, người ta dọn dẹp bàn thờ sạch sẽ và dán giấy đỏ lên nơi thờ gia tiên, thần linh cùng các dụng cụ sản xuất và vật nuôi nhằm xua đuổi ma quỷ, mang lại sự bình yên, may mắn và mùa màng bội thu cho năm mới. Theo phong tục, người Nùng sẽ đặt hai cây vạn niên hương cạnh bếp, người Tày buộc bốn cây mía ở bốn chân bàn để mời tổ tiên về ăn Tết cùng gia đình. Đồng thời, trước cửa nhà không thể thiếu cây nêu nhằm loại trừ ma quỷ và giữ đất, giữ nhà.
Ngày mùng 1 Tết, người Tày, Nùng đi chúc Tết nhau. Mùng 2 Tết là dịp các chàng rể đi “sêu” Tết bên ngoại. Tục này được gọi là “pây tái”, tức là những người đàn ông sẽ mang theo con gà trống thiến, cặp bánh chưng, chai rượu, hoa quả để cảm ơn bố mẹ vợ đã sinh thành, dạy dỗ vợ của mình. Mồng 3 Tết là nghi lễ cất mâm Tết để mồng 4, 5 Tết bắt đầu lễ hội Lồng tồng (lễ xuống đồng). Đây là lễ hội quan trọng, gắn với tín ngưỡng cầu cúng thần Nông - vị thần cai quản ruộng đồng, gia súc, vườn tược... nhằm cầu mong một năm mùa màng bội thu, gia súc sinh sôi, bản làng no ấm. Các chàng trai cô gái sẽ diện những bộ quần áo đẹp nhất để đi chơi hội và tham gia các trò chơi dân gian truyền thống như ném còn, đánh quay, đánh yến; thi hát sli, hát lượn, hát cọi, hát then...
Kết thúc tháng Giêng, người Tày, Nùng còn tổ chức Tết “Đắp nọi”, nghĩa là “ăn Tết lại”. Tết "Đắp nọi" được tổ chức đơn giản hơn Tết Nguyên đán, nhưng không thể thiếu các món truyền thống, đặc biệt là bánh ngải cứu - loại bánh có đủ vị đắng, ngọt, bùi với ý nghĩa mọi người sẽ vượt qua được những khó khăn, gian nan trong cuộc sống...
Gìn giữ truyền thống cho đời sau
Phong tục đón Tết Nguyên đán của người Tày, Nùng tuy có nhiều điểm tương đồng với các dân tộc khác trên cả nước nhưng vẫn mang những nét văn hóa đặc trưng. Theo Nghệ nhân nhân dân then Hoàng Thị Hồng, 74 tuổi, người dân tộc Nùng ở xã Phượng Tiến (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên), ngoài các phong tục tập quán, trang phục, ẩm thực truyền thống, Tết Nguyên đán của người Tày, Nùng không thể thiếu các loại hình văn hóa, văn nghệ phục vụ đời sống tinh thần, trong đó quan trọng nhất là hát then. Ngày nay, bên cạnh các nghi lễ do các thầy then thực hiện, người Tày, Nùng ở Thái Nguyên và các tỉnh khác cũng tổ chức hát then tại các gia đình và những nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng trong dịp đầu năm mới. Đây cũng là dịp quảng bá các giá trị của di sản đến với du khách tại các địa điểm du lịch cộng đồng.
Tuy nhiên, qua quá trình phát triển, tục đón Tết của người Tày, Nùng ít nhiều có sự biến đổi và mai một. Lý giải về điều này, PGS.TS Lê Ngọc Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc (nay là Học viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc) cho rằng: Cái mai một đáng lo ngại nhất là tiếng nói, chữ viết, trang phục của đồng bào Tày, Nùng trong đời sống hiện nay. Xu hướng “Kinh hóa” khiến nhiều trẻ em Tày, Nùng không biết đọc, viết tiếng của dân tộc mình sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống sau này. Nếu không thông thạo tiếng nói, chữ viết sẽ khó có thể đọc và hiểu các bài then cổ của cha ông để bảo tồn, gìn giữ và thực hành các nghi lễ truyền thống trong dịp Tết Nguyên đán nói riêng và các lễ trọng khác nói chung của người Tày, Nùng.
Vì vậy, chính quyền địa phương, ngành Văn hóa cần quan tâm, đầu tư hơn nữa trong các vấn đề liên quan đến công tác bảo tồn di sản văn hóa của đồng bào dân tộc Tày, Nùng trên cả nước. Song song với đó, cần tăng cường công tác truyền dạy, quảng bá các di sản văn hóa phi vật thể để thế hệ trẻ gìn giữ, phát huy giá trị di sản của cha ông. Đây cũng chính là tài sản để khai thác, phát triển du lịch, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào Tày, Nùng trên cả nước.