Sáng chế hữu ích cho cộng đồng

Thu Hằng| 14/06/2023 06:18

(HNM) - Từ đam mê mãnh liệt với nghiên cứu khoa học, nhóm I-Tech, gồm 5 sinh viên Hà Nội, đã cùng nhau tạo nên một mô hình giải pháp giải quyết bài toán giảm thiểu rủi ro trong vận chuyển hoa quả, hải sản bằng container lạnh. Đồng thời hỗ trợ tối ưu chuỗi cung ứng logistics bằng việc ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI). Sáng chế này thể hiện khả năng sáng tạo của tuổi trẻ, vận dụng tri thức và công nghệ mới để tạo ra sản phẩm hướng đến phục vụ cộng đồng.

Nhóm I-Tech tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp (SV-Startup) 2023”.

S-Cubic và 5 chàng trai dám làm chủ công nghệ

Trước mỗi lần vận chuyển, các xe container lạnh đều bị niêm phong bằng khóa chì hoặc khóa điện tử nên con người không thể theo dõi được tình trạng môi trường bảo quản trong container. Đồng cảm với người nông dân và những doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông, thủy, hải sản tại Việt Nam, nhóm I-Tech đã nghiên cứu, phát triển thiết bị có khả năng theo dõi và cảnh báo môi trường bảo quản hàng hóa trong xe container lạnh mà không cần mở khóa.

Nhóm I-Tech gồm 5 thành viên: Trần Hạo Nam, Ngô Anh Tuấn, Hoàng Đức Thịnh, Phan Nguyên Anh (sinh viên Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội) và Đoàn Phan An (sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân) với sự hướng dẫn của Tiến sĩ Trương Công Tuấn, giảng viên Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội đã cùng xây dựng mô hình giải pháp mang tên S-Cubic.

S-Cubic có hai nhiệm vụ chính gồm cung cấp giải pháp hỗ trợ theo dõi và cảnh báo sớm cho đơn vị vận chuyển về trạng thái của hàng hóa trong container lạnh, từ đó giảm thiểu các rủi ro và sự cố xảy ra khi vận chuyển; xây dựng hệ thống lưu trữ dữ liệu phục vụ cho nghiên cứu giải quyết các bài toán trong chuỗi cung ứng logistics (hoạt động chuyên chở, lưu giữ và cung cấp hàng hóa).

Theo trưởng nhóm Trần Hạo Nam, mỗi thành viên nhóm I-Tech học một chuyên ngành khác nhau, được phân vai, nhiệm vụ khác nhau về thiết kế, lên ý tưởng, hoàn thiện sản phẩm… Sau khi tìm hiểu và có được sự hỗ trợ của những người đi trước, nhóm đã phát triển mô hình giải pháp bao gồm: Thiết bị xử lý trung tâm (Master box), thiết bị thu thập dữ liệu môi trường (Slave box), website, phần mềm ứng dụng (Application). S-Cubic nhỏ gọn, tính di động cao, dễ lắp đặt. Thiết bị được tích hợp thuật toán thông minh nhằm cảnh báo các sự kiện, các thông tin trong lộ trình di chuyển (giao thông, công trình, thời tiết...) giúp việc quản lý thời gian lưu kho, xuất kho, vận chuyển, tiếp nhận một cách tối ưu tới cả bên gửi hàng, đơn vị vận chuyển và bên nhận hàng.

Phấn đấu thương mại hóa sản phẩm

So sánh với các sản phẩm đã có trên thị trường, S-Cubic có những cải tiến nổi bật hơn. Sản phẩm của I-Tech là dữ liệu theo thời gian thực, cập nhật liên tục lên hệ thống, trong khi các thiết bị đang phổ biến chỉ có thể trích xuất dữ liệu sau khi container được dỡ ra.

Nhóm I-Tech còn thiết kế web và app phù hợp với từng đối tượng: Web thiết kế đặc thù cho công ty logistics có thể tích hợp vào tài nguyên họ đang có sẵn; app có thiết kế phù hợp với lái xe, dỡ hàng… để họ có thể dễ dàng sử dụng, không cần qua tập huấn.

“Trong quá trình thực hiện, I-Tech cố gắng bảo đảm sự hài hòa giữa tính năng, giá thành của sản phẩm. Trên thị trường, có những loại thiết bị sẽ chỉ đáp ứng được từ một đến hai tính năng nhỏ, nhưng nhóm mong muốn S-Cubic có thể được ứng dụng vào hẳn một công ty logistics. So với các loại xe container thông minh được tích hợp rất nhiều cảm biến nhưng có giá thành rất cao, I-Tech hướng tới tạo ra một nhóm thiết bị có thể dễ dàng được đặt trong các xe container lạnh thông thường. Tức là các doanh nghiệp sẽ chỉ cần sử dụng một chiếc xe container lạnh cùng với sản phẩm của I-Tech mà vẫn bảo đảm tính năng, giá thành lại hợp lý” - Trần Hạo Nam chia sẻ.

Hiện sản phẩm của nhóm I-Tech có giá chưa đến 10 triệu đồng (sẽ cộng thêm phí sử dụng thường niên của app và web) trong khi giá một thùng container thông minh tích hợp các cảm biến khoảng 700 triệu đồng.

Thành viên Đoàn Phan An cho biết, đối tượng khách hàng mà nhóm hướng đến là các công ty kinh doanh dịch vụ vận tải nội địa. Nhưng, để một sản phẩm có thể “can thiệp” vào quy trình của doanh nghiệp là cả một chặng đường dài. Trước mắt, nhóm sẽ tập trung cải tiến sản phẩm, làm cho sản phẩm phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp nhất có thể, sau đó mới liên hệ doanh nghiệp và tiến hành quảng bá.

Phó Giáo sư Huỳnh Đăng Chính, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, mô hình giải pháp giám sát thời gian thực môi trường trong container lạnh, ứng dụng IoT và mô hình truyền dữ liệu không dây thông minh của nhóm I-Tech đã đoạt giải Nhì cuộc thi Sáng tạo trẻ 2022 dành cho sinh viên khối các trường kỹ thuật trong cả nước và giải Nhì cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp (SV-Startup) 2023”. Yếu tố thành công của I-Tech chính là niềm đam mê mãnh liệt với nghiên cứu khoa học, tinh thần dám nghĩ, dám làm của 5 chàng trai, từ đó truyền cảm hứng sáng tạo đến các sinh viên khác. Sản phẩm của nhóm I-Tech có thể nghiên cứu ở hướng chuyên sâu cao hơn để ứng dụng trong thực tế và thương mại hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáng chế hữu ích cho cộng đồng