"Sống lại" nghệ thuật ca trù Thượng Mỗ

Nguyễn Mai| 04/07/2021 05:50

(NSHN) - Cùng với chèo tàu Tân Hội, hội diều Bá Giang, ca trù Thượng Mỗ là một trong ba địa chỉ văn hóa dân gian của huyện Đan Phượng. Tương truyền, ca trù xuất hiện ở Thượng Mỗ từ thế kỷ XVII. Trải qua thăng trầm lịch sử, nghệ thuật ca trù có thời từng bị quên lãng. Tuy vậy, với sự nỗ lực của nhiều nghệ nhân, người dân Thượng Mỗ cùng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nghệ thuật ca trù vùng đất ven đô đang hồi sinh từng ngày...

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Minh Tam dạy ca trù cho các em nhỏ.

"Bà chúa" ca trù và những hậu duệ tâm huyết

Làng có dáng dấp phố phường, nhà cao tầng san sát, đường làng ngõ xóm bê tông to đẹp, sạch sẽ... nhưng người dân xã Thượng Mỗ vẫn đắm say những làn điệu ca trù - một loại hình văn hóa dân gian độc đáo...

Theo thần phả và dân gian truyền lại, vào thế kỷ thứ XVII, triều Lê Trung Hưng, ở xã Thượng Mỗ, dòng họ Nguyễn Duy có người con gái kỳ tài tên là Nguyễn Thị Hồng rất mực hiền thục, tư chất thông minh. Vốn nhà gia thế nên từ nhỏ, bà được cha mẹ cho theo học thầy đồ nổi tiếng họ Lưu. Giỏi thơ ca lại hay nghề đàn hát, đặc biệt là hát nhà trò - một lối hát cung đình quý phái mà thời bấy giờ ai nấy đều ngưỡng mộ. Được thầy hướng dẫn tận tình nên chỉ trong một thời gian ngắn, tiếng hát của bà đã nổi tiếng khắp vùng. Một hôm, nhà vua kinh lý qua đây, nghe tiếng hát của bà, vua đem lòng yêu mến, đón về cung, phong Đệ nhị Cung phi, giao phụ trách các phi tần, dạy nhạc trong nội điện; đặc biệt là dạy hát ca trù phục vụ những ngày đại lễ.

Mặc dù sống ở chốn hoàng cung nhưng bà không nguôi nỗi nhớ quê hương. Về già, trước lúc mất, bà xin nhà vua được về quê yên nghỉ. Mộ bà được an táng tại khu Triều Cũ - Mả Vương. Dân làng tiếc thương lập miếu phụng thờ và tôn là "Bà chúa ca trù".

Hiện nay, tại đền Đầm Giếng vẫn còn bức hoành phi ghi 4 chữ "Kim chi ngọc diệp" (tức là Cành vàng lá ngọc) được khắc treo từ thời vua Lê Chính Hòa (1702). Có những câu đối ngợi ca công đức của bà: "Tiếng hát trong như ánh trăng làm rung vòng xuyến của cung phi/Ân trạch lớn như sóng nước phù cho cây cối của làng Mỗ tươi tốt". Hằng năm, cứ đến ngày giỗ của bà - mùng 3-2 âm lịch, nhân dân trong vùng tổ chức tế lễ rất trang trọng. Bài văn tế "Đệ nhị cung phi hoàng hậu" được lưu trữ cẩn thận cùng cuốn ngọc phả ghi công đức của bà.

Cũng từ thế kỷ thứ XVII đến nay, tiếp nối từ đời này sang đời khác, con cháu dòng họ Nguyễn Duy được truyền dạy và giữ gìn nghệ thuật hát ca trù. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều loại hình nghệ thuật dân gian khác, tiếng hát ca trù ở Thượng Mỗ cũng vơi dần theo năm tháng. Không muốn một loại hình nghệ thuật độc đáo của cha ông bị lãng quên, 2 nghệ nhân Nguyễn Duy Sách nổi tiếng với tài chơi đàn Đáy và Nguyễn Thị Minh Tam có giọng hát ngọt ngào, lay động lòng người đã ngày đêm nỗ lực truyền nghề cho thế hệ trẻ. Từ đó, tiếng hát ca trù ở Thượng Mỗ ngân vang trở lại...

Dòng chảy nghệ thuật vẫn được trao truyền

Đã bước sang tuổi 71 nhưng Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Minh Tam vẫn rất nhanh nhẹn, hoạt bát; giọng ca vẫn rất ngọt ngào. Bà Tam cũng là người tâm huyết truyền dạy tới người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, ca nương trẻ về ca trù như mong mỏi dòng nghệ thuật dân tộc chảy mãi trong đời sống hiện đại...

Đến nay, không chỉ với dòng họ Nguyễn Duy mà bất kỳ ai yêu ca trù, muốn được học hát ca trù đều có thể tìm đến với bà Tam. Tiếng lành vang xa, rất nhiều em nhỏ đã tìm đến, theo học. Đặc biệt, trong những ngày hè, tiếng đàn, nhịp phách, lời ca được ngân lên thường xuyên hơn. Tại lớp học, các em nhỏ được học từ tư thế ngồi, lưng thẳng, giữ tư thế vừa thư thái, vừa nghiêm trang đến cách nhấn giọng, nhả giọng sao cho tròn vành, rõ chữ.

Bà Tạ Thị Yến ở thôn 3, xã Thượng Mỗ tự hào cho biết có 3 người con, tất cả đều được học ca trù từ nhỏ. Tâm nguyện của bà là giữ gìn môn nghệ thuật đặc sắc của dòng họ, của quê hương. "Đến nay, cả 3 người con của tôi là Nguyễn Thị Ngọc Mai, Nguyễn Duy Hoàng, Nguyễn Thị Hà My đều thành thạo đàn, hát ca trù. Trong đó, Nguyễn Thị Ngọc Mai (hiện đang du học tại Nhật Bản) khi còn ở quê đã được nhiều giải thưởng như: Giải A2 tại "Liên hoan nghệ thuật ca trù Hà Nội năm 2017"; giải B tại "Liên hoan tài năng trẻ ca trù lần thứ 2 năm 2019" do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tặng. Nguyễn Duy Hoàng đạt giải "Trống chầu xuất sắc" trong "Liên hoan nghệ thuật ca trù Hà Nội 2017", bà Yến tự hào cho hay.

Nghệ thuật ca trù đã trở thành di sản văn hóa của Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận, đồng thời được xếp vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Xã Thượng Mỗ là một trong những cái nôi của ca trù xứ Đoài, việc bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống này là nỗi trăn trở của rất nhiều nghệ nhân cũng như chính quyền địa phương. Cán bộ phụ trách văn hóa xã Thượng Mỗ Nguyễn Thị Nguyệt cho biết, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm đến bảo tồn và phát triển nghệ thuật ca trù. Câu lạc bộ ca trù Thượng Mỗ đã được thành lập. Năm nào xã Thượng Mỗ cũng phối hợp với huyện và thành phố mời giáo viên chuyên nghiệp tại các trường nghệ thuật về địa phương giao lưu kết hợp truyền dạy ca trù cho thế hệ trẻ. Xã Thượng Mỗ cũng đã trùng tu, tôn tạo nơi thờ tự Bà chúa ca trù của xã. Đây cũng là sân chơi để những người yêu ca trù tụ họp, biểu diễn hằng tháng, hằng năm. Ca trù cũng được lồng ghép trong các buổi ngoại khóa của học sinh trên địa bàn xã.

Tuy các em nhỏ ở Thượng Mỗ rất yêu ca trù và cũng tiếp thu rất nhanh nghệ thuật độc đáo mà cha ông để lại, nhưng theo Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Minh Tam, để có thể hát đúng nhịp phách, ngân, rung đã khó nhưng khó hơn cả là làm sao hiểu được ý nghĩa từng câu hát để truyền cho đúng tinh thần ca trù. Phải mất 3 năm để các học trò của bà từ cảm được ca trù đến ngâm hơi, nhả chữ thành thục...

Dẫu biết việc bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này không hề dễ dàng nhưng người dân Thượng Mỗ luôn tin rằng, khi các em nhỏ còn yêu thích và theo học thì ca trù sẽ khó mai một...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Sống lại" nghệ thuật ca trù Thượng Mỗ