Sức bật mới của một vùng quê

Ánh Dương| 05/01/2020 09:44

(HNM) - Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, linh hoạt trong tiếp cận thị trường, tạo nghề, tạo việc làm... nên thu nhập của người dân xã Thanh Cao (huyện Thanh Oai) ngày càng tăng. Điều này đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân và tạo sức bật mới cho vùng quê này.

Mô hình trang trại trồng hoa lan của gia đình anh Nguyễn Xuân Dưỡng (xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai) cho doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm. Ảnh: Ánh Dương

 Thôn Thượng Thanh (xã Thanh Cao) chủ yếu phát triển kinh tế nông nghiệp, trồng lúa trên diện tích gần 100ha, chiếm hơn 50% tổng diện tích trồng lúa toàn xã. Ngoài ra, thôn còn có nghề phụ làm nón. Do thu nhập từ sản xuất nông nghiệp và nghề phụ thấp nên những ngày nông nhàn, nhiều lao động còn làm thêm tại một số xưởng may hoặc lao động, buôn bán tự do... Nhờ vậy, thu nhập trung bình đạt 7-10 triệu đồng/ người/tháng.

“Nhân dân năng động làm kinh tế nên hiện nay thôn có hơn 50 hộ mở xưởng may công nghiệp, một số xưởng có 20-30 lao động như xưởng của gia đình các ông: Nguyễn Bá Xuân, Nguyễn Bá Bình, Nguyễn Huy Tiền… Từ nghề may công nghiệp này, thôn có tới 25% số hộ làm nghề thu gom sản phẩm may mặc để buôn bán, cho doanh thu cao. Công việc và thu nhập ổn định nên số hộ nghèo ở thôn đã giảm từ 2,5% (năm 2015) xuống còn 1%", Trưởng thôn Thượng Thanh Nguyễn Bá Sơn phấn khởi chia sẻ.

Tương tự, người dân thôn Thanh Giang ngoài cấy lúa, trồng màu, nhiều hộ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thoát nghèo. Điển hình là gia đình anh Nguyễn Huy Kiểm - một trong số những hộ nghèo của thôn, nhờ chuyển sang trồng táo, ổi, gia đình anh đã thoát nghèo. Hay như gia đình anh Nguyễn Huy Nhất, sau khi học hỏi kinh nghiệm và được chính quyền địa phương hỗ trợ, anh Nhất đầu tư hơn 500 triệu đồng trồng dưa lưới, dưa chuột trên diện tích 1.000m2 nhà lưới tại xứ đồng Đình Soi.

Anh Nguyễn Huy Nhất cho biết, mỗi năm anh trồng 2 vụ dưa lưới, 1 vụ dưa chuột đông với 2 loại giống của Nhật Bản và Israel theo phương pháp hữu cơ, sử dụng chế phẩm sinh học từ phân cá, trùn quế, tro trấu, đậu tương, cám ngâm... nên sản phẩm đạt chất lượng cao. Mỗi vụ, dưa lưới cho thu hoạch từ 4 đến 4,5 tấn quả, dưa chuột hơn 20 tấn, trừ chi phí, thu lãi 300-350 triệu đồng/năm.

Còn với thôn Cao Mật Thượng, người dân đã chuyển đổi thành công 10ha trồng lúa sang trồng cây ăn quả (ổi, táo, bưởi…) cho thu nhập 25-30 triệu đồng/sào/năm. Một số hộ còn mở xưởng mộc, cho doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm và tạo việc làm cho hàng chục lao động của địa phương. Trưởng thôn Cao Mật Thượng Nguyễn Văn Vinh hồ hởi khoe: "Cả thôn có 255 hộ dân, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thêm nghề mộc và may công nghiệp nên thu nhập bình quân hiện nay đạt hơn 46 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức bình quân chung toàn xã".

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Cao Nguyễn Hữu Hải, đến nay, các thôn: Cao Mật Thượng, Cao Mật Hạ và Thanh Giang đã chuyển đổi sang trồng cây ăn quả trên tổng diện tích 30ha; thôn Thượng Thanh chuyển đổi 2,8ha sang nuôi trồng thủy sản... Giá trị thu nhập từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn xã Thanh Cao năm 2019 đạt hàng chục tỷ đồng. Các mô hình chuyển đổi bước đầu giúp người dân nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông nhàn.

Kinh tế phát triển, diện mạo nông thôn mới Thanh Cao ngày càng khởi sắc. Hiện, giao thông nông thôn, giao thông nội đồng trên địa bàn xã cơ bản được bê tông hóa. "Đặc biệt, nhờ kinh tế phát triển (thu nhập bình quân đạt 45,8 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo còn dưới 1%), người dân có điều kiện đóng góp xây dựng quê hương. Từ năm 2016 đến nay, nhân dân đóng góp 14,66 tỷ đồng làm giao thông, xây dựng công trình văn hóa, tu sửa nghĩa trang liệt sĩ... Năm 2020 và những năm tiếp theo, xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao với mức thu nhập bình quân đạt hơn 60 triệu đồng/người/năm", Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Cao Nguyễn Hữu Hải khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức bật mới của một vùng quê