Sức sống của Hội thề khởi nguyên từ năm 1028 hiển hiện ở cây si di sản tuổi nhiều thế kỷ vẫn tỏa bóng che rợp một góc sân; hiển hiện nơi cây đại hơn 700 năm tuổi thế huyền, thân cây xù xì trầm tích thời gian vẫn ra hoa rực rỡ, ủ không gian trong hương thơm thanh khiết.
Sức thanh xuân hiển hiện nơi công trình mới được tôn tạo với ngói đỏ, thềm đá, với ban thờ, ngai ngự sơn son thếp vàng tinh khôi.
Lạ một điều, cả cụ Hoàng Phạm Mưu 86 tuổi, Trưởng ban, cụ Hàn Tiến Nhâm 80 tuổi, Phó ban Quản lý đền Đồng Cổ và các bà thủ nhang tuổi ngoài lục tuần, thất tuần đều nom còn rất trẻ. Có lẽ bởi mấy chục năm chăm lo nhang đèn, đắm mình trong không khí trang nghiêm và không gian phảng phất hương hoa, tâm tĩnh, thân nhẹ mà các cụ được như vậy chăng?
Nhà cụ Hàn Tiến Nhâm còn giữ được cuốn tộc phả cổ ghi rõ 21 đời ở làng mà con cháu cũng chưa xác định được đời thứ 21 là từ thời nào, chỉ phỏng đoán là đời nhà Nguyễn thế kỷ XIX.
Về nguồn gốc làng Đông Xã và gốc tích đền Đồng Cổ Kẻ Bưởi, sử sách và thần tích còn lưu: Cuối đời Hùng Vương thứ 18 (Hùng Duệ Vương), nhà vua cử hai đạo binh đi đánh quân Thục đòi soán ngôi. Một đạo do hai tướng Quý Minh và Bảo Hựu chỉ huy, thấy Đông Xã có địa thế “Long kình uyển định”, trước có sông Tô, sau có Tây Hồ, dân tình thuần hậu, nên đặt đại bản doanh ở đây. Quân Thục ba lần tiến binh, hai ngài xuất quân, lần thứ hai có nghĩa binh phường An Thái phối hợp, đánh cả ba lần đều thắng giặc. Hai ngài chăm sóc thôn dân, giáo hóa thuần phong mỹ tục. Sau khi mất cùng một ngày mùng 2 tháng Chạp, hai ngài được tôn là Thành hoàng Đông Xã, xuân thu nhị kỳ quốc tế đồng giao. Đạo thứ hai do Vũ Công tướng quân chỉ huy vào Thanh Hóa. Thắng giặc, Vũ Công hóa thần tại núi Đồng Cổ, Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định, được dân lập miếu thờ.
Tục thờ thần Đồng Cổ bắt nguồn từ sự tích Hùng Vương. Tương truyền, khi Hùng Vương thứ nhất đi chinh phạt giặc Hồ Tôn ở phương Nam đã cho quân dừng lại ở chân núi Khả Lao Thôn, nay thuộc xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Thần miếu Khả Lao Thôn đã nổi trống đồng giúp vua đánh thắng giặc. Hùng Vương cho xây ngôi đền, thờ phụng thần Đồng Cổ Đại Vương tại đây.
Theo sách “Việt điện u linh”, năm 1020, Thái tử Phật Mã vâng mệnh Lý Thái Tổ dẫn quân đi đánh Chiêm Thành, dọc đường nghỉ cạnh đền Đồng Cổ bên chân núi Khả Lao. Nửa đêm có tiếng động vang rền như sấm, một vị thần cao lớn, râu cứng, mặc áo giáp, tay cầm binh khí hiện ra xin theo Thái tử đánh giặc. Thái tử đem quân vào đến Tân Bình (Quảng Bình) thì đánh tan giặc. Thắng trận trở về, Thái tử đến núi Đồng Cổ làm lễ tạ, xin rước linh vị thần Đồng Cổ về Thăng Long lập đền thờ để “hộ dân bảo quốc”.
“Đại Việt sử ký toàn thư” chép: Năm 1028, trước khi Lý Thái Tổ qua đời một ngày (mùng 3 tháng Ba), được thần Đồng Cổ báo mộng, Thái tử Phật Mã dẹp được loạn tam vương, lên ngôi Hoàng đế, thụy hiệu là Lý Thái Tông (1028 - 1054). Theo mộng báo của thần, Lý Thái Tông cho xây ngôi đền thờ tại thôn Nam, Đông Xã, Yên Thái, ra chiếu sắc phong thần Đồng Cổ là “Thiên hạ chủ minh thần”, đặt lễ Minh thệ ở đền, lập đàn, treo kiếm trước thần vị, chọn ngày 25 tháng Ba hằng năm để tiến hành hội thề. Vào hội, bá quan văn võ quỳ trước đàn, cắt máu hòa rượu uống cạn, long trọng thề “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh tru diệt”. Về sau, vì Hội thề trùng với ngày kỵ của vua nên chuyển sang mùng 4 tháng Tư. Văn võ bá quan, người nào vắng mặt thì bị đánh roi và phạt 5 quan tiền. Đến thời Trần vẫn còn giữ lệ, sang thời Lê mới đổi nơi thề ra bờ sông, sai quân đến tế ở đền Đồng Cổ.
Các cụ ở Ban Quản lý đền cho biết, Hội thề đã nhiều năm không được chính thức tổ chức, nhưng, đến ngày 4 tháng Tư hằng năm dân làng Đông vẫn theo lệ, tự tổ chức với nhau để giữ truyền thống, giáo dục con cháu. Đến thời Đổi mới, Hội thề được chính quyền phường quan tâm, hằng năm đứng ra tổ chức trang nghiêm.
Tam thôn Đông Xã có 21 họ. Ngày Hội đền vào mùng 4 tháng Tư, mỗi họ dâng một mâm lễ thánh, cử đoàn đại biểu gồm phụ lão, nam thanh nữ tú tiêu biểu, gia đình gương mẫu, thuận hòa, ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền đội lễ ra đền. Lễ gồm một ván xôi, con gà luộc mỏ ngậm bông hoa hồng. Các họ xếp hàng từ ngoài vào. Ban tổ chức lần lượt xướng tên, mời từng họ vào dâng lễ, mỗi họ được dành vài phút để nêu cống hiến của dòng họ với đất nước. Hội có tổ chức Lễ thề, rước nhị vị Đại vương Thành hoàng từ đình Đông Xã sang đền Đồng Cổ. Đã hàng chục năm làng vẫn theo lệ ấy, không xảy ra thắc mắc, ghen tị.
Năm 2000, kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, làng Đông được cử một đội kiệu 150 người thay mặt quận Tây Hồ tham gia Ngày hội văn hóa do thành phố tổ chức, rước quanh hồ Hoàn Kiếm. Đến trước tượng đài Lý Thái Tổ, kiệu làng Đông dừng lại, phát loa công suất lớn lời minh thệ: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh tru diệt”. Lời thề âm vang, bên kia hồ còn nghe rõ, làm xao động lòng người. Từ đó, xuân thu nhị kỳ, nhiều vị lãnh đạo trung ương và thành phố cũng về lễ đền, còn lưu ảnh kỷ niệm. Năm 2014, thành phố đầu tư xây hồ phía trước đền làm minh đường, vốn là một khúc sông Tô Lịch giữ lại sau khi cống hóa đoạn sông. Thành phố cũng đã đầu tư nhiều tỷ đồng xây dựng, cải tạo cảnh quan đền.
Ngày 15-3-2023, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Quận ủy - UBND quận Tây Hồ tổ chức tọa đàm “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ”. Nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu và cơ quan quản lý nhà nước dự tọa đàm đánh giá, Hội thề hiện nay do nhân dân làm chủ, nhưng cần phục hồi ở mức độ cao hơn để bảo tồn giá trị nhân văn và tính thời sự. Ban Quản lý và nhân dân Đông Xã đang phối hợp với quận và thành phố hoàn chỉnh Hồ sơ đề nghị công nhận Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ Kẻ Bưởi là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Trên thế giới này, chẳng nơi nào như ở Việt Nam có Hội thề Trung hiếu, đã từng là Quốc lễ của nhiều triều đại phong kiến. Chỉ 5 năm nữa Hội thề tròn nghìn tuổi, nhưng ý nghĩa của Hội thề vẫn mãi có giá trị văn hóa và tính thời sự với mọi thời đại.