Sức sống mới ở vùng rau Thanh Đa

Nguyễn Mai| 07/05/2023 08:35

(NSHN) - Những ngày này, sáng sớm và chiều muộn là thời điểm trên khắp cánh đồng ở xã Thanh Đa (huyện Phúc Thọ) nhộn nhịp nhất, bởi người dân tập trung trồng, chăm sóc, thu hoạch rau xanh. Mướp, su su, cà pháo, rau ngót… là những loại rau chủ lực của người dân Thanh Đa cung ứng cho thị trường nội thành Hà Nội. Truyền thống trồng rau, đặc biệt là trồng theo quy trình an toàn, người dân nơi đây có cuộc sống ngày một khấm khá.

Bà Nguyễn Thị Thiện, thôn Phú An, xã Thanh Đa bên ruộng su su của gia đình.

Thu nhập khá từ nghề nông

Chiều muộn, bà Nguyễn Thị Thiện, thôn Phú An vẫn mải miết thu hoạch cà pháo, su su trên cánh đồng làng.

Bà Thiện cho biết, ra đồng muộn, tránh nắng nóng, hơn nữa là giữ cho nông sản thu hoạch được tươi nhất để sớm hôm sau đưa tới người tiêu dùng. Hiện, gia đình bà Thiện có 7,5 sào ruộng, toàn bộ trồng rau. Với su su, cứ 2 ngày được cắt quả 1 lần, mỗi lần 2 tạ. Còn với cà pháo đầu mùa, bắt đầu thu hái nên 5 ngày hái 1 lần, năng suất chưa cao nhưng bù lại được giá khá cao, 15.000 đồng/kg. Thương lái thu mua ngay tại đầu bờ, nên bà Thiện không lo mang đi bán. 

Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Đa Hoàng Thị Ái Mơ cho biết, Thanh Đa là xã có diện tích trồng rau an toàn lên tới 120ha, lớn nhất huyện Phúc Thọ. Trong đó, thôn Phú An có truyền thống và diện tích trồng rau nhiều nhất (50ha), thôn Thanh Mạc có 30ha... Rau ở Phú An trồng chủ yếu ở khu bãi Nổi với 180 hộ tham gia sản xuất. Mỗi hộ ít nhất có 5 sào, hộ nhiều có tới 2 mẫu rau.

Trước đây, nhiều người vẫn có suy nghĩ nghề nông vất vả, thu nhập thấp, nhưng hiện nay, với nhiều hộ sản xuất rau an toàn ở Thanh Đa, đã chứng minh thu nhập từ nghề nông không hề thấp và đời sống người dân ngày một nâng cao. Người Thanh Đa trồng rau theo mùa và luân canh, gối vụ để tăng hiệu quả sử dụng đất.

Theo tính toán, người dân Thanh Đa trồng 2 vụ bắp cải (vụ đông và đông xuân); bầu và cà pháo (vụ hè, hè thu); 1 vụ ngô nếp (vụ thu đông) cho hiệu quả kinh tế cao nhất.

“Cụ thể, 2 vụ rau bắp cải có thể mang tới giá trị 30 triệu đồng/sào. Cuối vụ bắp cải, người dân gieo xen canh bầu sớm để khi thu bắp cải thì bầu cũng lên tới giàn, tiết kiệm được thời gian quay vòng đất. Một vụ bầu thông thường sẽ cho thu khoảng 10 triệu đồng/sào. Với vụ ngô nếp, chăm sóc tốt được thêm 3 triệu đồng nữa. Như vậy, thu nhập trên 1 sào canh tác mỗi năm ước đạt khoảng hơn 40 triệu đồng. Nếu so với trồng lúa thì lợi nhuận từ trồng rau cao hơn cả chục lần, vụ lúa mỗi năm chỉ được khoảng 2,4 triệu đồng”, bà Hoàng Thị Ái Mơ nói.

Cà pháo là một trong những cây trồng chủ lực được ở Thanh Đa.

Bản thân gia đình bà Hoàng Thị Ái Mơ cũng trồng 1 mẫu rau theo quy trình an toàn. Toàn bộ số rau được cung cấp cho các trường học trên địa bàn huyện Phúc Thọ. Số rau dư thừa, gia đình cung cấp cho các hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn xã.

Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm

Năm 2011, vùng rau an toàn thuộc xã Thanh Đa đã được UBND thành phố Hà Nội đầu tư hơn 19 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng. Gần 7km giao thông nội vùng được bê tông hóa. Nhà sơ chế, trạm bơm, bể chứa, trạm điện được xây dựng. Hệ thống đường dây, hệ thống tưới đến từng ruộng cũng được lắp đặt. Những năm qua, các hạng mục công trình trên được khai thác, vận hành và sử dụng có hiệu quả.

Không chỉ hỗ trợ hạ tầng, hơn 10 năm qua, vùng rau an toàn Thanh Đa đã được Sở NN&PTNT Hà Nội và UBND huyện Phúc Thọ quan tâm, hỗ trợ một phần vật tư nông nghiệp, như phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, hạt giống rau; đồng thời thường xuyên mở các lớp IPM (phòng trừ dịch hại tổng hợp) hướng dẫn sản xuất an toàn cho nông dân phòng trừ sâu bệnh bằng thiên địch và bẫy bả sinh học.

Bên cạnh hỗ trợ của Nhà nước, các hộ trồng rau ở Thanh Đa cũng đều đầu tư máy làm đất, hệ thống tưới phun tự động; dùng màng phủ ni lông để ngăn cỏ dại... nên công việc trồng rau đỡ nặng nhọc, năng suất và chất lượng cũng ngày một tốt hơn.

Gần như thửa ruộng nào ở Thanh Đa cũng có người trồng, chăm sóc và thu hái rau mỗi ngày.

Tuy có diện tích trồng rau lớn và việc tiêu thụ đến nay cơ bản thuận lợi, nhưng theo đánh giá của chính quyền địa phương, người dân vẫn chủ yếu bán hàng cho thương lái, chưa có các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ bài bản. Xác định để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, khẳng định chất lượng rau trên thị trường, xã Thanh Đa đã tham gia vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố.

Đến nay, xã đã có 3 sản phẩm của chủ thể là Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Đa được chứng nhận OCOP 3 sao, gồm: Cải ngồng, cải mơ và cải bắp.

Mới đây, Thanh Đa đã được UBND thành phố Hà Nội đồng ý cho phép Hợp tác xã Rau an toàn Phú An sử dụng địa danh “Thanh Đa” kèm bản đồ khu vực địa lý vùng sản xuất sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể đã được UBND huyện Phúc Thọ xác nhận để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Rau an toàn Thanh Đa” cho sản phẩm rau tươi và dịch vụ mua bán rau tươi của xã Thanh Đa (huyện Phúc Thọ).

Hiện nay, Đảng ủy xã Thanh Đa đang chỉ đạo UBND xã xây dựng kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chỉ đạo hợp tác xã có kế hoạch phát huy hiệu quả sử dụng nhãn hiệu tập thể Rau an tàn Thanh Đa. Chính quyền địa phương đang chỉ đạo Hợp tác xã Rau an toàn Phú An phối hợp đơn vị tư vấn và Phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ tiến hành các bước xây dựng bộ công cụ quản lý nhãn hiệu tập thể. Cụ thể gồm: Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể; tài liệu hướng dẫn kỹ thuật; quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm; quy định sử dụng tem nhãn.

Phát triển vùng trồng rau an toàn, mang đến nhiều đổi thay cho đời sống nông dân Thanh Đa. Đặc biệt, với thành công trong xây dựng nhãn hiệu tập thể hứa hẹn mang đến sức sống mới cho vùng rau truyền thống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức sống mới ở vùng rau Thanh Đa