Tăng khả năng kết nối, hiệu quả hoạt động vận tải hành khách công cộng

Bài và ảnh: Tuấn Lương| 15/10/2022 18:39

(HNMCT) - Việc điều chỉnh, hợp lý hóa luồng tuyến xe buýt kết nối với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với mạng lưới vận tải hành khách công cộng. Đồng thời, việc này còn giúp tăng khả năng tiếp cận, kết nối của xe buýt tới các trung tâm phát sinh nhu cầu như: Khu đô thị mới, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, bến xe, ga đường sắt đô thị, khu công nghiệp, chung cư...

Việc điều chỉnh luồng tuyến xe buýt kết nối với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với mạng lưới vận tải hành khách công cộng.

Kết nối vận tải khách theo hướng đa phương thức

Ngày 6-11-2021, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chính thức vận hành khai thác thương mại. Để phục vụ cho tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thủ đô và cả nước hoạt động hiệu quả, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã tiến hành điều chỉnh luồng tuyến, các điểm dừng, nhà chờ xe buýt trên nguyên tắc hai loại hình vận tải hành khách công cộng có khả năng bổ trợ lẫn nhau nhằm tăng khả năng kết nối, từng bước nâng tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ. Đây cũng là giải pháp quan trọng góp phần hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (thuộc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) cho biết, trong giai đoạn đầu, khi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông mới đi vào khai thác, Trung tâm bố trí 65 vị trí điểm dừng xe buýt dọc lộ trình tuyến; trong đó có bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm với cự ly các điểm dừng khoảng 400m; có 55 tuyến buýt kết nối dọc và kết nối ngang làm nhiệm vụ gom và giải tỏa hành khách cho tuyến đường sắt đô thị. Riêng tại ga Cát Linh (điểm đầu tuyến) đã bố trí 16 tuyến buýt kết nối. Ga Yên Nghĩa (điểm cuối tuyến) có 18 tuyến buýt kết nối. Ga có ít tuyến buýt kết nối nhất là ga Hà Đông với 6 tuyến buýt kết nối. 

Các tuyến buýt, điểm dừng xe buýt được bố trí hợp lý để bảo đảm thuận lợi cho hành khách sử dụng với mục tiêu không để hành khách phải chuyển tuyến quá 1 lần trong hành trình.

Về phía Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), đơn vị chủ lực của thành phố trong hoạt động buýt cũng đã kịp thời điều chỉnh lộ trình, cự ly một số tuyến liên quan nhằm thực hiện phương án tăng cường kết nối, trung chuyển hành khách giữa hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Trong đó có tuyến xe buýt số 22, nhánh tuyến 22A (Bến xe Gia Lâm - Khu đô thị Trung Văn), tuyến số 38 (Nam Thăng Long - Mai Động) và tuyến 49 (Trần Khánh Dư - Nhổn)...

Không dừng ở đó, trên cơ sở thực tiễn hoạt động vận tải hành khách, trong 9 tháng của năm 2022, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã thực hiện mở mới và đưa vào hoạt động 5 tuyến buýt (tuyến số 142, 143, 144, 145, 146) kết nối với tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Đáng chú ý, thay vì sử dụng xe buýt cỡ lớn (sức chứa 60 - 80 chỗ), phương tiện hoạt động trên tuyến mới này là xe buýt nhãn hiệu Gaz, sức chứa 22 chỗ, nhỏ gọn nên phù hợp với lộ trình các tuyến phố đi qua, đặc biệt là các tuyến phố có mặt cắt nhỏ, để làm nhiệm vụ gom khách cho đường sắt đô thị.

Không đứng ngoài cuộc, lộ trình một số tuyến buýt điện mới mở trong năm 2022 do Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus (thuộc Tập đoàn Vingroup) cũng đã kết nối hiệu quả với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Ví dụ như tuyến E02 (Hào Nam - khu đô thị Ocean Park) có điểm đầu ở ga Cát Linh; tuyến E01 (Bến xe Mỹ Đình - khu đô thị Ocean Park) cũng có lộ trình đi qua đường Nguyễn Trãi kết nối rất gần với ga Thượng Đình. Hay như tuyến E09 (khu đô thị Smart City - đường Thanh Niên - Công viên nước Hồ Tây) có lộ trình đi qua đường Nguyễn Trãi và Ngã Tư Sở, rất tiện để kết nối với ga Thượng Đình và ga Láng...

Theo ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội, việc nói trên sẽ giúp kết nối vận tải khách theo hướng đa phương thức, nhằm tăng cường khả năng kết nối, trung chuyển hành khách giữa đường sắt đô thị và hệ thống xe buýt, tạo thuận lợi cho hành khách khi sử dụng phương tiện công cộng; đồng thời, tăng khả năng tiếp cận, kết nối của xe buýt tới các trung tâm phát sinh nhu cầu như: Khu đô thị mới, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, bến xe, ga đường sắt đô thị, khu công nghiệp, chung cư...

Sản lượng hành khách phục hồi và tăng trưởng

Là hành khách thường xuyên sử dụng xe buýt và đường sắt đô thị để di chuyển, Nguyễn Vân Anh, sinh viên Trường Đại học Hà Nội chia sẻ, đông đảo sinh viên chọn phương tiện công cộng vì rẻ, an toàn và quan trọng hơn là việc kết nối giữa xe buýt với tàu điện trên cao khá thuận lợi, dễ tiếp cận. Đơn cử, ở nhà ga Thái Hà, điểm dừng xe buýt chỉ cách cầu thang lên nhà ga khoảng hơn 10m. Hành khách có thể trung chuyển tới các tuyến xe buýt số 26, 30, 50, 18, 35A, 84. Tại nhà ga Thượng Đình, hành khách có thể kết nối với tuyến xe buýt số 02, 19, 01, 27. Từ ga Cát Linh, hành khách có thể kết nối với tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa và các tuyến xe buýt số 18, 22, 23...

Mạng lưới tuyến buýt kết nối hợp lý với tuyến đường sắt đô thị đã sớm “đơm hoa kết trái”, qua đó góp phần đáng kể vào việc phục hồi và tăng trưởng ấn tượng trong chỉ tiêu sản lượng hành khách sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát. Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội, trong 9 tháng của năm 2022, tổng sản lượng hành khách đi xe buýt đạt 212,7 triệu lượt (tăng 25,1% so với thực hiện cùng kỳ năm 2021). Trong khi đó, tổng sản lượng vận chuyển của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trong 9 tháng của năm 2022 đạt khoảng 4,6 triệu lượt hành khách. Sản lượng hành khách cũng phục hồi qua các quý (sản lượng quý II-2022 tăng 106,7% so với quý I-2022; sản lượng quý III-2022 tăng 6,8% so với quý II-2022).

Bổ sung về kết quả vận chuyển của tuyến Cát Linh - Hà Đông, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) Vũ Hồng Trường thông tin, kể từ ngày chính thức vận hành thương mại (6-11-2021) cho đến hết ngày 4-10-2022, tuyến đã vận hành được 333 ngày an toàn; vận chuyển hơn 6,4 triệu lượt hành khách. Đặc biệt, từ đầu tháng 10-2022, khi sinh viên nhập học, lượng khách tăng so với tháng 9-2022 là 15%. Lưu lượng giờ cao điểm hiện nay đạt 5.000 - 6.000 hành khách. Cũng từ khi chính thức đưa vào khai thác thương mại đến nay, đã có những kỷ lục phục vụ hành khách bị phá vỡ. Trước đây, ngày 7-11-2021 - ngày thứ hai sau khai trương chở khách miễn phí, tàu Cát Linh - Hà Đông đạt kỷ lục 54.121 lượt hành khách; đến ngày 2-9-2022 vừa qua, tuyến vận chuyển được 55.210 lượt hành khách - hiện là kỷ lục từ khi khai trương.

“Kết quả này bước đầu khẳng định tuyến đường sắt đô thị đầu tiên đã phát huy hiệu quả, góp phần chống ùn tắc trong giờ cao điểm trên hành lang tuyến. Công tác vận hành theo đúng kịch bản tốt nhất trong số các kịch bản mà Hanoi Metro đã đưa ra. Hiệu quả và tính ưu việt của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã được người dân cảm nhận và dần thay đổi văn hóa đi lại theo hướng văn minh, lịch sự. Đến nay, lượng hành khách đi tàu vẫn đang có xu hướng tăng, cho thấy người dân ngày càng ủng hộ đường sắt đô thị” - Tổng Giám đốc Hanoi Metro Vũ Hồng Trường chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng khả năng kết nối, hiệu quả hoạt động vận tải hành khách công cộng