Mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của huyện đã kiểm tra tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở thị trấn Văn Điển và xã Tả Thanh Oai, xã Vạn Phúc... Phó Trưởng phòng Y tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Kim Anh cho biết, qua kiểm tra, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đều xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm và chấp hành tốt các quy định của pháp luật về lĩnh vực kinh doanh thực phẩm. Hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, bố trí khu vực chế biến thức ăn bảo đảm sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp.
Đoàn kiểm tra liên ngành cũng đã kiểm tra bếp ăn tập thể của Trường Mầm non Vạn Phúc A. Bếp ăn của trường cung cấp mỗi ngày hơn 200 suất ăn. Tại thời điểm kiểm tra, khu vực bếp ăn của nhà trường bảo đảm sạch sẽ, bố trí đầy đủ trang thiết bị theo quy định. Hồ sơ pháp lý liên quan đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của bếp ăn cũng đầy đủ.
Bên cạnh những mặt đạt được, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện còn một số khó khăn, như: Nhiều hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, gây khó khăn cho công tác thống kê, theo dõi, quản lý. Việc kiểm soát độ an toàn và truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm tại chợ còn gặp khó khăn. Các hộ kinh doanh chưa quan tâm tới việc lưu giữ hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng thông tin, để kiểm soát chất lượng nông, lâm, thủy sản từ nơi sản xuất đến bàn ăn, huyện đã và đang quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp, như: Vùng trồng rau, thủy sản, cây ăn quả tập trung an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Các xã, thị trấn hướng dẫn, hỗ trợ nông dân ký cam kết sản xuất và kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Cùng với phát triển nông nghiệp, huyện chú trọng đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các làng nghề, như: Bánh chưng Tranh Khúc; rượu Ngâu, miến dong bánh đa Phú Diễn, sản xuất bánh kẹo thôn Nội Am... Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm các xã, thị trấn thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức cho các hộ sản xuất, kinh doanh tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn thực phẩm; bảo đảm sản phẩm có nguồn gốc, tem nhãn khi lưu thông trên thị trường.
Huyện yêu cầu, các phòng, ban chuyên môn, các xã, thị xã tập trung chỉ đạo các mô hình điểm, đề án vệ sinh an toàn thực phẩm theo kế hoạch của thành phố; tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản, quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm, vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, hậu kiểm, kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi, vật tư nông nghiệp, chợ, hệ thống phân phối, làng nghề. Ngoài ra, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra theo kế hoạch, chuyên đề đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các bếp ăn tập thể, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm...; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn huyện.