Nức tiếng xa gần
Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40km, các tuyến xe buýt thuận lợi nên Quảng Phú Cầu là điểm du lịch khó có thể bỏ qua với nhiều bạn trẻ và những người yêu thích nhiếp ảnh. Năm 2021, bức ảnh về làng hương Quảng Phú Cầu của nhiếp ảnh gia Azim Khan Ronnie đã lọt vào danh sách những bức ảnh ấn tượng tại Cuộc thi nhiếp ảnh vì môi trường 2021.
Để xây dựng thương hiệu hương Quảng Phú Cầu nức tiếng xa gần như ngày nay, các thế hệ người dân nơi đây đã cùng nhau vun vén, kiên trì giữ nghề truyền thống. Theo bà Nguyễn Thị Hạnh (thôn Xà Cầu), xưa kia, làng nghề tăm hương này chủ yếu chỉ phát triển ở khu vực thôn Phú Lương Thượng, về sau nghề mới lan rộng ra các thôn Đạo Tú, Cầu Bầu, Xà Cầu..., biến cả xã Quảng Phú Cầu rộng lớn trở thành một làng nghề quy mô. Lâu dần, nghề làm hương trở thành phương kế thoát nghèo của người dân địa phương. Từ chỗ chỉ là nghề phụ để người dân tranh thủ làm lúc nông nhàn, đến nay, nghề làm tăm hương đã phát triển mạnh mẽ, trở thành nghề đem lại thu nhập chính cho người dân. “Lứa chúng tôi biết làm tăm hương từ nhỏ và cho đến nay cũng đã ngót 40 năm rồi. Các thế hệ trong gia đình luôn ý thức rõ trách nhiệm giữ nghề truyền thống. Vào dịp Tết, nhu cầu về hương tăng cao, chúng tôi phải tăng cường sản xuất mới kịp tiến độ. Nếu như trước đây, các cụ trong làng sản xuất hương theo phương pháp thủ công, tốn thời gian mà hiệu quả không cao thì hiện nay, nhờ áp dụng máy móc, công nghệ hiện đại nên năng suất đã được cải thiện đáng kể” - bà Hạnh chia sẻ.
Bà Ngô Thị Hương (thôn Phú Lương Thượng) cho biết, sự ra đời của Hợp tác xã tăm hương Quảng Phú Cầu đã giúp người dân sản xuất một cách quy củ, chuyên nghiệp, có đầu ra ổn định hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong khi nhiều nghề truyền thống đang bị mai một do quá trình chuyển đổi sản xuất, phân tán nhân lực, Hợp tác xã vẫn duy trì hơn 3.000 hộ tham gia sản xuất, đó là minh chứng rõ ràng nhất cho sự phát triển của làng nghề. “Làm hương đem lại thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng và tăng lên vào dịp cận Tết Nguyên đán. Làm hương giờ đây không chỉ để phát triển kinh tế, mà còn là để giữ nghề, truyền nghề cho thế hệ mai sau. Để gây dựng được uy tín, thương hiệu như hiện nay, biết bao mồ hôi, công sức của các thế hệ cha ông đã đổ xuống” - bà Hương chia sẻ.
Không chỉ phát triển nghề làm hương, người dân Quảng Phú Cầu còn nhanh nhạy tìm hướng phát triển du lịch. Như tại nhà ông Nguyễn Văn Long, những bó tăm hương được nhuộm nhiều màu và xếp phơi theo những hình bắt mắt như cây thông Noel, lá cờ, bản đồ... với mục đích để khách đến tham quan và check-in. Ngày cận Tết, du khách ra vào nườm nượp, mỗi lượt vào chụp ảnh khách trả phí 50 nghìn đồng, đem lại thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày cho gia đình ông Long. “Làng hương Quảng Phú Cầu đẹp như tranh, đã xuất hiện trong nhiều tác phẩm nhiếp ảnh, vậy tại sao người dân lại không tận dụng điều đó để làm du lịch? Nghĩ là làm, tôi và một số hộ đã thiết kế xưởng nhà mình thành địa điểm du lịch lý thú. Việc làm này đã mang lại hiệu quả “kinh tế kép” khi vừa có thể tạo thêm thu nhập lại vừa có thể quảng bá thương hiệu của làng nghề khi mà mạng xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ” - ông Long hồ hởi cho biết.
Phát triển làng nghề theo hướng bền vững
Để thực hiện mục tiêu đưa sản phẩm địa phương vươn xa, năm 2020, Hợp tác xã đã đăng ký tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) với 3 sản phẩm: Hương nén, hương nụ, hương vòng. Từ đó đến nay, thương hiệu hương Quảng Phú Cầu ngày càng vươn xa. Theo Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu Nguyễn Hữu Nhất, để có được sự tín nhiệm của khách hàng gần xa, chữ tín luôn được chính quyền và người dân làng nghề coi trọng. “Hương Quảng Phú Cầu từ lâu đã nổi tiếng với chất lượng và mẫu mã đa dạng. Với sản phẩm mang yếu tố tâm linh, người dân luôn cẩn thận ngay từ khâu chọn nguyên liệu đến công đoạn sản xuất để tạo ra sản phẩm như ý. Đặc biệt, chúng tôi rất chú trọng việc tỷ lệ pha trộn các loại thảo mộc để hương Quảng Phú Cầu có màu sắc và mùi hương đặc trưng, thơm nhưng không quá nồng, ít khói, cháy rất lâu, đặc biệt là an toàn với sức khỏe. Không có cách gì giúp giữ thương hiệu tốt hơn là bảo đảm chất lượng sản phẩm” - ông Nhất bộc bạch.
Tuy nhiên, hiện có một vấn đề đang đặt ra mà làng hương Quảng Phú Cầu cần phải giải quyết, đó là tình trạng ô nhiễm môi trường. Theo thống kê, toàn xã còn có 170 hộ dân chuyên thu gom phế liệu về để tái chế, trung bình mỗi năm phát sinh khoảng 70 tấn rác thải. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm, vài năm gần đây, một số cơ sở sản xuất tăm hương đã tích cực thu gom vật liệu thừa để ép, bán lại cho các cơ sở sản xuất than củi, một số ít hộ cũng đã đầu tư công nghệ sấy nguyên liệu bằng hơi nước. “Chúng tôi xác định rằng, bảo vệ môi trường là vấn đề then chốt, đó mới là điều đem lại sự phát triển bền vững cho làng nghề cũng như cho đời sống người dân. Tuy nhiên, dù nhiều biện pháp đã được chính quyền địa phương mạnh dạn áp dụng nhưng hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn. Trong thời gian tới, khi Cụm công nghiệp Cầu Bầu và Cụm công nghiệp Xà Cầu được thành lập và đưa vào vận hành, hy vọng rằng tình trạng ô nhiễm môi trường sẽ được giải quyết” - Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu Nguyễn Hữu Nhất khẳng định.