Di sản

Trận đánh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng

Nguyễn Năng Lực 19/11/2023 09:04

Cách đây đúng 57 năm, ngày 4-11-1966, trong lúc làm nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Thủ đô Hà Nội, kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 61, Trung đoàn 236 Bộ đội Tên lửa phòng không chỉ bằng một quả đạn đã bắn rơi chiếc máy bay trinh sát có vũ trang RF-101 của không quân Mỹ.

Trận đánh này đã đi vào lịch sử Quân chủng Phòng không - Không quân, bởi đây là lần đầu tiên tên lửa Sam-2 hạ được mục tiêu bay thấp ở độ cao dưới 1.000m.

ten-lua.jpg
Kíp chiến đấu Tiểu đoàn 61 rút kinh nghiệm sau trận đánh (từ trái sang phải: Sĩ quan điều khiển Nguyễn Xuân Đài, trắc thủ góc tà Nguyễn Thanh Tân, trắc thủ cự ly Đặng Chính Cải, trắc thủ phương vị kíp 2 Nguyễn Thế Khải). Ảnh: Tư liệu

Ngày 24-7-1965, Bộ đội Tên lửa phòng không ra quân trận đầu, tiêu diệt tốp 3 máy bay F-4C của Mỹ trên bầu trời Tây Bắc Hà Nội, trong đó có 1 chiếc rơi tại chỗ. Từ đó, máy bay của không quân và hải quân Mỹ mất thế chủ động trên tầm cao, mỗi khi bay vào đánh phá, ném bom các mục tiêu ở miền Bắc đều nơm nớp sợ bị tên lửa bắn hạ.

Để đối phó với Tên lửa phòng không của ta, địch chuyển sang sử dụng chiến thuật bay thấp, liên tục cơ động, lợi dụng địa hình địa vật che khuất, tránh bị radar cảnh giới tầm xa, radar tên lửa và radar cao xạ phát hiện, bất ngờ áp sát mục tiêu, kéo tăng độ cao rồi bổ nhào ném bom. Thời gian máy bay địch bay thấp đột kích vào thường là lúc sáng sớm và chiều tà, lợi dụng ánh nắng mặt trời gây bất ngờ cho lực lượng phòng không tầm thấp và tầm trung của ta phát hiện mục tiêu bằng mắt thường.

Máy bay địch bay thấp không chỉ khiến radar khó phát hiện, mà còn khiến tên lửa hầu như không thể phóng lên được. Thời gian này, bộ khí tài tên lửa Sam-2 còn rất nhiều hạn chế trong chế độ bắn máy bay bay thấp, do khi đồng bộ với đài điều khiển, góc tà của bệ phóng hạ xuống thấp, tên lửa phóng lên rất dễ rơi, gây thiệt hại cho khu vực dân cư. Các kíp chiến đấu tên lửa của ta đã rất "khó chịu" với thủ đoạn chiến thuật này của máy bay địch.

Tuy nhiên, "vỏ quýt dày có móng tay nhọn". Tính năng kỹ thuật của khí tài tên lửa có hạn chế, đã có trí tuệ sáng tạo trên cơ sở quyết tâm chiến đấu tiêu diệt địch của bộ đội tên lửa. Vì tình huống đánh máy bay bay thấp rất khẩn trương, Chỉ huy Trung đoàn 236 đã triển khai nhiều biện pháp rút ngắn thời gian chuyển cấp đưa đơn vị vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu nhanh nhất. Nền xe ăng-ten thu phát được nâng cao để tăng cự ly phát hiện. Kẻng báo động ở các phân đội được đưa vào gần nhất với chiến sĩ thông tin, khi nhận lệnh báo động của cấp trên, chỉ sau vài giây là tiếng kẻng đã vang lên dồn dập. Thậm chí những đôi dép của kíp trắc thủ trực chiến cũng được tháo bỏ quai hậu, khi nghe kẻng báo động, chiến sĩ dù đang ngủ cũng vùng dậy xỏ dép lao nhanh lên cabin, không phải mất thì giờ xỏ quai hậu. Cây cối xung quanh trận địa, cây lá ngụy trang công sự không để rậm rạp um tùm quá, khi địch bay vào lúc sáng sớm, độ ẩm không khí cao, lá cây ướt có thể hấp thụ năng lượng sóng radar đài điều khiển, làm hạn chế khả năng phát hiện mục tiêu từ xa. Tất cả được tính toán kỹ lưỡng đến từng chi tiết.

Ba giờ chiều ngày 4-11-1966, tại trận địa Văn Điển, Tiểu đoàn 61 vào báo động cấp 1 sẵn sàng đánh địch. Kíp chiến đấu phát hiện tốp hai chiếc máy bay trinh sát có vũ trang RF-101 từ phía Nam bay vào ở độ cao 700m. Khi mục tiêu cách 45km, Tiểu đoàn trưởng Hồ Sỹ Hưu hạ lệnh tiêu diệt. Tín hiệu máy bay địch di động khá rõ trên nền nhiễu địa vật. Sĩ quan điều khiển Nguyễn Xuân Đài nhanh chóng chọn mục tiêu, giao tay quay cho ba trắc thủ Nguyễn Thanh Tân (góc tà), Đặng Chính Cải (cự ly), Nguyễn Trọng Vinh (phương vị) bám sát chế độ bằng tay. 15h17, mục tiêu vào vùng phóng, sĩ quan điều khiển Nguyễn Xuân Đài ấn nút phóng một quả đạn.

ten-lua-1.jpg
Trận địa tên lửa Sam-2. Ảnh: Tư liệu

Lúc này, điều kỳ diệu đã xảy ra. Sau một thời gian âm thầm tự nghiên cứu, tìm hiểu quỹ đạo đạn tên lửa trong tình huống đánh máy bay bay thấp, trắc thủ Nguyễn Thanh Tân đã chủ động nâng góc tà đài điều khiển trước khi sĩ quan điều khiển ấn nút phóng. Động tác này có tác dụng nâng cao góc bắn của bệ phóng, tránh cho đạn gặp sự cố rủi ro do bay quá thấp. Khi tên lửa có điều khiển, anh vê tay quay hạ thấp góc tà, đưa đường tim màn hiện hình nhẹ nhàng trôi về tín hiệu máy bay địch, cùng đồng đội lái đạn gặp mục tiêu. "Đạn nổ. Mục tiêu bị tiêu diệt". Chiếc máy bay trinh sát vũ trang RF-101 "Woodoo" (Phù thủy) bốc cháy giữa thanh thiên bạch nhật, rơi xuống cánh đồng xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Tây (nay là Hà Nội), bà con vùng phía Nam Hà Nội nhìn rất rõ. Chiếc thứ hai có dấu hiệu hoảng loạn, liên tục cơ động tháo chạy. Đáng tiếc là chiếc thứ hai này lại được giao cho tiểu đoàn bạn tiêu diệt. Do khoảng cách giữa hai đơn vị không đủ xa, tần số rãnh đạn trùng nhau nên đơn vị bạn đã không bắn được.

Chiếc máy bay trinh sát RF-101 bị Tiểu đoàn 61 bắn rơi ngày 4-11-1966 là chiếc máy bay Mỹ đầu tiên bị tên lửa ta bắn hạ khi bay ở độ cao dưới 1.000m. Điều này gây kinh ngạc không chỉ cho phi công Mỹ mà cho cả các chuyên gia Liên Xô và quân đội các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, vì lúc bấy giờ tên lửa Sam-2 còn nhiều hạn chế, rất khó đánh máy bay bay thấp. Sau trận đánh, nhiều chuyên gia quân đội các nước Cuba, Ba Lan và công trình sư Liên Xô về tận Tiểu đoàn 61 phân tích kỹ về trận đánh ngày 4-11, từ đó bổ sung vào chương trình cải tiến nâng cấp khí tài trong quy trình điều khiển bắn máy bay bay thấp. Đợt cải tạo diễn ra trong năm 1967, với các nội dung chủ yếu: Đài điều khiển có thêm chế độ điều khiển TTMB (Ba điểm thấp), phương pháp điều khiển K, tự động nâng quỹ đạo đạn sau khi phóng sử dụng trong tình huống đánh máy bay bay thấp; đặt hạn chế góc tà cho bệ phóng không xuống quá thấp, bảo đảm an toàn khi phóng đạn... Từ đó, tên lửa ta càng đánh càng hay.
----------
(Theo lời kể của Đại tá Nguyễn Thanh Tân, nguyên trắc thủ góc tà Tiểu đoàn 61).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trận đánh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng