Từ truyền thuyết xưa ngẫm về đạo học thời nay
Bước sang năm Rắn (Ất Tỵ), câu chuyện về người học trò thủy thần của thầy Chu Văn An lại được nhiều người nhắc đến.
Hình ảnh người học trò dù mang thân phận khác biệt vẫn khiêm tốn theo học thầy Chu Văn An, hy sinh bản thân để cứu dân, không chỉ gợi nhắc tinh thần hiếu học mà còn là biểu tượng về trách nhiệm của trí thức. Câu chuyện ấy như một lời nhắc nhở về giá trị bền vững của sự học - học để làm người, học để cống hiến cho cộng đồng.

Tình thầy trò đặc biệt
Trên con phố Linh Đường (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) nhộn nhịp người qua lại, Miếu Gàn lặng lẽ nép mình dưới những tán cây cổ thụ, mang vẻ trầm mặc và linh thiêng. Nơi đây thờ phụng một vị thần gắn liền với vùng sông nước, lưu giữ dấu ấn tín ngưỡng và văn hóa của bao thế hệ. Theo sự tích lưu lại, khi Chu Văn An dạy học tại làng Huỳnh Cung (nay thuộc xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội), có một cậu học trò sáng nào cũng đến thật sớm để nghe thầy giảng. Người học trò này không nói quê quán ở làng nào, nhưng các học trò khác thì bảo người này đến từ khu Đầm Đại (khu đầm lớn hình vành khuyên, nằm giữa các làng Đại Từ, Tứ Kỳ, Huỳnh Cung) và khi trở về, cứ đến đây thì biến mất khiến mọi người đều tin cậu là thần nước. Một hôm, thầy Chu Văn An tình cờ nhìn thấy trên chỏm đầu cậu học trò có một cánh bèo tấm. Nhận ra đây chính là con vua Thủy Tề lên trần gian học đạo, thầy vẫn ân cần truyền dạy như bao học trò khác. Nhờ sự chăm chỉ và ham học hỏi, cậu học trò ngày càng thấm nhuần lời giảng của thầy, tiếp thu trọn vẹn tri thức mà Chu Văn An truyền đạt.
Năm ấy, trời đại hạn, khắp nơi cầu đảo nhưng vẫn không có mưa. Thương xót dân chúng lâm vào cảnh đói khổ, Chu Văn An hỏi các học trò xem có ai biết cách làm cho trời mưa để cứu dân. Trước lời khẩn thiết của thầy, người học trò thủy thần thưa với thầy: “Con biết là trái lệnh thiên đình thì sẽ bị trừng phạt nhưng con xin làm để giúp dân chống hạn, cứu lúa”. Nói rồi, cậu lấy nghiên mài mực, ngửa mặt lên trời, dùng bút chấm mực vẩy khắp bốn phương. Khi mực đã cạn, cậu tung cả nghiên bút lên trời. Lập tức, mây đen ùn ùn kéo đến, mưa đổ xối xả, làm đồng ruộng xanh tốt trở lại.
Đêm đó, người dân trong làng nghe thấy một tiếng sét vang trời. Sáng hôm sau, họ phát hiện xác một con thuồng luồng nổi trên mặt đầm. Chu Văn An tin rằng đó chính là học trò của mình - người đã hy sinh thân mình để cứu dân. Thương tiếc và biết ơn, thầy cho làm lễ an táng, lập miếu thờ, gọi là Miếu Gàn.
Truyền thuyết kể rằng, sau khi làm mưa, mực rơi xuống Đầm Vĩnh Quỳnh biến thành Đầm Mực, còn bút rơi xuống làng Tó (Tả Thanh Oai), nơi sau này phát tích dòng họ Ngô Gia Văn Phái lừng danh khoa cử, có nhiều người đỗ tiến sĩ như Ngô Thì Sỹ, Ngô Thì Nhậm, Ngô Điền...
Những bài học ý nghĩa
Câu chuyện về người học trò thủy thần của thầy Chu Văn An là một huyền tích giàu tính nhân văn, không chỉ tôn vinh tinh thần hiếu học mà còn gửi gắm những bài học sâu sắc về trách nhiệm của trí thức đối với xã hội và vai trò của người thầy trong việc giáo dục. Từ truyền thuyết này, chúng ta có thể suy ngẫm về đạo học trong thời đại ngày nay.
Đầu tiên, người học trò thủy thần, dù có thân phận đặc biệt, vẫn khiêm tốn xin học và kiên trì học tập, bất chấp sự nghi ngờ từ bạn đồng môn. Tinh thần hiếu học ấy vượt lên trên mọi rào cản về xuất thân, hoàn cảnh hay định kiến, thể hiện khát vọng theo đuổi tri thức thuần khiết và chân chính. Ngày nay, không ít người xem tri thức chỉ là công cụ để đạt danh lợi, thay vì là con đường hoàn thiện nhân cách và phụng sự xã hội. Thực trạng học đối phó, chạy theo thành tích, thậm chí gian lận thi cử, đã làm lu mờ ý nghĩa cao đẹp của việc học. Câu chuyện về người học trò năm xưa là bài học nhắc nhở rằng tri thức không thuộc về riêng ai mà là tài sản chung của nhân loại, không phân biệt giai cấp hay địa vị.
Điều này phản ánh đúng tinh thần “giáo dục không loại trừ” (inclusive educa-tion) - một triết lý mà nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng tới. Từ “Tuyên bố Salamanca” của UNESCO năm 1994, nhấn mạnh quyền học tập của mọi cá nhân bất kể hoàn cảnh, đến các nỗ lực thực tế như việc cung cấp giáo dục miễn phí và bình đẳng ở các nước Bắc Âu, thế giới đã và đang nhận thức rõ rằng cơ hội học tập phải dành cho tất cả mọi người, không phân biệt xuất thân, giới tính hay tình trạng kinh tế.
Thứ hai, hình ảnh thầy Chu Văn An tận tâm giảng dạy, không phân biệt thân phận hay xuất thân của học trò, đã để lại một tấm gương sáng về vai trò của người thầy. Người thầy không chỉ truyền dạy tri thức mà còn truyền cảm hứng và lòng nhân ái cho học trò. Trong xã hội hiện đại, đặc biệt là trong bối cảnh áp lực thành tích cùng sự thiếu quan tâm đúng mức đến học trò, hình ảnh người thầy đã phần nào bị phai nhạt. Để khôi phục vai trò và vị trí cao quý của người thầy, chúng ta cần tập trung vào việc xây dựng một nền giáo dục toàn diện, không chỉ chú trọng vào kiến thức mà còn phải phát triển đạo đức, kỹ năng sống và tinh thần cống hiến cho xã hội. Nền giáo dục hiện đại cần những người thầy không chỉ giỏi chuyên môn mà còn là những người đồng hành, thấu hiểu và biết khơi dậy tiềm năng của học trò.
Thứ ba, người học trò thủy thần, dù biết hành động làm mưa để cứu dân là trái với lệnh thiên đình và có thể bị trừng phạt, vẫn dũng cảm hy sinh để làm điều đúng đắn. Đây là hình ảnh đẹp đẽ về một con người biết gắn kết tri thức của mình với trách nhiệm xã hội. Trong thời đại hiện nay, việc học không chỉ là để đạt được thành công cá nhân mà còn để phụng sự cộng đồng, giải quyết những vấn đề cấp bách như biến đổi khí hậu, nghèo đói, hay bất bình đẳng...
Nhìn rộng ra thế giới, hành động làm mưa cứu dân của người học trò thủy thần chính là biểu hiện của trách nhiệm xã hội mà tri thức phải mang lại. Đây cũng là mục tiêu của các xu hướng giáo dục bền vững (sustainable education) và giáo dục công dân toàn cầu (global citizenship education) đang được UNESCO và nhiều tổ chức quốc tế khuyến khích. Trong bối cảnh thế giới đối mặt với những vấn đề chung như biến đổi khí hậu, dịch bệnh hay bất bình đẳng, việc giáo dục thế hệ trẻ không chỉ về tri thức mà còn về trách nhiệm với cộng đồng toàn cầu là điều thiết yếu. Các chương trình như “Model United Nations” hay “Eco-Schools” đã góp phần khơi dậy ý thức này ở học sinh. Tinh thần của người học trò thủy thần - dám hy sinh để bảo vệ lợi ích chung - chính là hình mẫu lý tưởng cho tinh thần công dân toàn cầu mà nền giáo dục hiện đại đang hướng tới.
Thứ tư, truyền thuyết còn kể rằng, sau khi thủy thần làm mưa, bút và mực của thần rơi xuống, từ đó phát tích dòng họ Ngô Gia Văn Phái lừng danh khoa bảng, minh chứng cho sự lan tỏa và kế thừa tri thức qua các thế hệ. Điều này khích lệ mỗi người học không chỉ trân trọng những giá trị truyền thống mà còn sáng tạo, phát triển thêm những giá trị mới.
Tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam diễn ra ngày 18-11-2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gợi mở 3 vấn đề để đột phá giáo dục trong “kỷ nguyên vươn mình” của dân tộc. Trong đó có một số nội dung đáng chú ý như “Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân. Tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối của Đảng”; “Có giải pháp xóa hoàn toàn nạn mù chữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, trong đồng bào dân tộc thiểu số, phát động thực hiện phong trào “bình dân học vụ số” (Bình đẳng về giáo dục) ; “Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có đức, có tài, là những người có đam mê, nhiệt huyết, kỹ năng, kiến thức, năng lực truyền thụ, ham học hỏi, đổi mới sáng tạo, thật sự là những tấm gương để học sinh, sinh viên học tập, noi theo”... Những gợi mở đó của Tổng Bí thư Tô Lâm lại càng thêm ý nghĩa khi liên hệ với tinh thần cốt lõi của câu chuyện học trò thủy thần. Từ câu chuyện này, đạo học ngày nay cần hướng đến việc giáo dục con người không chỉ biết học để làm giàu cho bản thân mà còn biết dùng tri thức để đóng góp cho sự phát triển bền vững của xã hội.