Văn hóa mới ở nông thôn mới

Hạ Yến| 17/09/2019 10:32

(HNNN) - Cùng với những thành tựu phát triển kinh tế, an sinh xã hội, qua 10 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, công cuộc xây dựng đời sống văn hóa nông thôn ngoại thành Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu nhất định, thực sự tạo dựng một môi trường văn hóa lành mạnh cho người dân nông thôn, mang đến một diện mạo mới ở nông thôn mới của Thủ đô.

Các lễ hội truyền thống - di sản văn hóa phi vật thể ở các địa phương là một tài sản vô giá của Hà Nội.

1. Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô có thêm nhiều thuận lợi về nguồn lực đất đai, con người, nhưng cũng gặp không ít khó khăn khi số đơn vị hành chính nhiều, dân số nông thôn lớn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống một bộ phận dân cư vùng xa trung tâm còn nhiều khó khăn, đặc biệt là sự chênh lệch về thu nhập và hưởng thụ văn hóa của người dân giữa khu vực nông thôn và khu vực thành thị còn khoảng cách lớn. 

Xác định rõ việc xây dựng chương trình nông thôn mới sẽ mang lại diện mạo mới nông thôn, tạo dựng một cuộc sống có chất lượng hơn cho người dân, Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân đã được Hà Nội thực hiện rốt ráo, hướng tới xây dựng Thủ đô phát triển bền vững. Tuy nhiên, xây dựng nông thôn mới không đồng nghĩa với việc chỉ chú trọng đến các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội, mà văn hóa đã được xác định như một mục tiêu, một động lực nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới một cách thực sự bền vững.

2. Với 17 huyện và 1 thị xã, vùng ngoại thành Hà Nội là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng, mang đặc trưng văn hóa xứ Đoài, vùng Sơn Nam Thượng và văn hóa vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong số gần 6.000 di tích lịch sử văn hóa của Hà Nội, khu vực xứ Đoài - Sơn Nam Thượng có 3.969 di tích, gồm nhiều loại hình như di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di chỉ khảo cổ học, thành cổ, làng cổ, phố cổ...

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội sở hữu một hệ thống di sản văn hóa phi vật thể đồ sộ, có giá trị tiêu biểu, đặc biệt là lễ hội truyền thống ở các địa phương, rất phong phú và đa dạng. Số lượng di sản này chủ yếu nằm ở các huyện ngoại thành, điển hình như Thường Tín (129 di sản), Đông Anh (128 di sản), Ba Vì (126 di sản), Chương Mỹ (99 di sản), tập trung ở 6 loại hình tiêu biểu là: Ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian, trong đó lễ hội truyền thống là nhiều nhất, chiếm 67,2%.  

Sở hữu một kho tàng dày đặc các di tích lịch sử, di sản phi vật thể, việc bồi đắp và phát triển văn hóa, bởi thế, được Hà Nội đặt vị trí ngang tầm phát triển kinh tế - xã hội nông thôn trong công cuộc phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân.

Thực tế sau 10 năm thực hiện, những kết quả đạt được đã cho thấy bước đi đúng đắn của Thành phố Hà Nội. Hệ thống di sản được bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống tinh thần của người dân, các thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư xây dựng, chỉnh trang ngày càng đồng bộ, phủ khắp vùng nông thôn. Toàn thành phố hiện có 2.330/2.538 thôn, làng có nhà văn hóa, 100% xã đã hoàn thiện quy hoạch xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao xã. Sự đầu tư có hiệu quả này đã đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân, thu hút ngày càng đông quần chúng nhân dân tham gia, từ đó góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giảm dần các tệ nạn xã hội.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Đông Anh, một trong những huyện đạt chuẩn nông thôn mới của Hà Nội, cho biết: “Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đông Anh đã đề ra mục tiêu và nhiệm vụ là 156 thôn làng và 40 tổ dân phố bắt buộc phải có các điểm sinh hoạt cộng đồng dành cho người dân, và đặc biệt là có các sân chơi bổ ích cho trẻ em. Bắt đầu từ cuối năm 2016, từ nguồn xã hội hóa, chúng tôi đã hình thành những sân chơi đầu tiên nhằm mang đến không gian vui chơi, nghỉ ngơi an toàn, thân thiện và bình đẳng cho trẻ em, nhất là trẻ em gái. Từ khi hàng loạt đề án được thực hiện như quản lý ao hồ, trồng và quản lý cây xanh, hoàn thiện hệ thống chiếu sáng, xây dựng, quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động nhà văn hóa, khu thể thao thôn, các tuyến đường nở hoa... người dân đã dần thay đổi nếp nghĩ, nếp sống theo hướng tích cực hơn và đều hết sức hài lòng khi được hưởng lợi từ các đề án thiết thực đó”.

Đặc biệt, các hoạt động văn hóa không còn diễn ra theo kiểu “xuân thu nhị kỳ” như trước mà phong phú hơn, thường xuyên hơn với nhiều câu lạc bộ (CLB) mới ra đời như hát dân ca, khiêu vũ, yoga... Không khí sinh hoạt sôi nổi của các CLB đã “thổi một luồng sinh khí mới cho làng quê. Đời sống văn hóa của người dân các vùng nông thôn Hà Nội được nâng lên rõ rệt, thể hiện qua Cuộc vận động xây dựng Nếp sống văn minh - Gia đình văn hóa, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa...

Năm 2018, thành phố có 1.524/2.538 làng đạt và giữ vững danh hiệu Làng văn hóa, 3.580/5.422 Tổ dân phố văn hóa, cùng với đó là việc xây dựng danh hiệu Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội... đều được lan tỏa sâu rộng trong đời sống nhân dân, tạo bước chuyển trong nếp sống, hình thành môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần xây dựng hình ảnh, con người Thủ đô thanh lịch, văn minh, hiện đại.

Sự thay đổi trong nếp nghĩ của phần lớn người dân đã góp phần loại trừ các yếu tố mê tín dị đoan, phô trương, lãng phí trong đời sống, phù hợp hơn với xu thế của thời đại, giúp các phong trào, các lễ hội ở địa phương được duy trì theo hướng thực chất hơn. Đặc biệt là người dân Thủ đô đã đồng hành cùng các cơ quan quản lý nhà nước trong nhiều hoạt động của phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới. Sự đồng hành không chỉ về mặt tinh thần, qua sự hưởng ứng nhiệt tình tham gia các hoạt động, mà còn thể hiện ở việc hỗ trợ kinh phí, đóng góp để xây dựng các công trình phúc lợi, có một số hộ đã đóng góp hàng chục tỷ đồng hay cả nghìn mét vuông đất để xây dựng các công trình công cộng. 

Vùng ngoại thành Hà Nội là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng. Ảnh: Linh Tâm

3. Có thể thấy, sau 10 năm thực hiện Chương trình 02-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội, một trong những thành tựu lớn nhất phải kể đến là sự thay đổi trong nhận thức của người dân, của cộng đồng về tầm quan trọng, ý nghĩa của văn hóa, của di tích, di sản đối với đời sống kinh tế - xã hội địa phương. Điều này đã giúp cho việc nâng cao đời sống người dân được thực hiện một cách thuận lợi hơn, và giúp công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản đi vào thực chất, có chiều sâu hơn.

Mặc dù vậy, bức tranh xây dựng nông thôn mới của Hà Nội vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Đáng kể là một số địa phương vẫn còn nặng về tư duy hình thức trong định hướng phát triển văn hóa nông thôn; chưa phát huy được vai trò, giá trị của hệ thống thiết chế văn hóa; đánh giá, bình xét Gia đình văn hóa, Làng văn hóa còn thiếu thực chất; mức thụ hưởng văn hóa của nông thôn vẫn chênh lệch cao so với thành thị...

Nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế này, Hà Nội xác định nhiệm vụ đột phá từ nay đến năm 2020 là phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng nông thôn gắn với định hướng phát triển đô thị; phấn đấu đến năm 2025, thành phố có 100% các huyện, các xã đạt chuẩn nông thôn mới; đến năm 2030, thành phố có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đã đề ra này, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện đầu tư, nâng cấp hệ thống các thiết chế văn hóa; nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa; đẩy mạnh nếp sống văn minh, nhất là việc cưới, việc tang, lễ hội; đổi mới phương thức tổ chức, hoạt động để các thiết chế văn hóa thực sự thu hút người dân thụ hưởng các giá trị văn hóa... thì công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa của việc gìn giữ, phát triển các giá trị văn hóa song hành với phát triển kinh tế phải được hết sức chú trọng. Bởi, chỉ thay đổi trong tư duy, trong nếp nghĩ mới kéo theo sự thay đổi về chất và về lượng ở mọi hoạt động phong trào.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa mới ở nông thôn mới