Về làng Yên xem rối nước

Nguyễn Mai| 09/05/2023 09:32

(NSHN) - Cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 30km, làng Yên, xã Thạch Xá (huyện Thạch Thất) mang đậm nét văn hóa vùng nông thôn Bắc Bộ. Đặc biệt, nơi đây lưu giữ nghệ thuật rối nước truyền thống từ hàng trăm năm nay. Dù còn nhiều khó khăn, song các nghệ sĩ làng không ngừng bảo tồn, phát triển nghệ thuật truyền thống. Mỗi độ tháng Ba về, hội chùa Tây Phương lại náo nức với rối nước làng Yên.

Phường rối làng Yên biểu diễn phục vụ nhân dân tại lễ hội chùa Tây Phương năm 2023.

Làng rối trăm năm tuổi

Theo Trưởng phường rối làng Yên Nguyễn Văn Lư, nghệ thuật múa rối nước ở làng có từ rất sớm, chừng 300 đến 400 năm. Đến những năm đầu thế kỷ XX, phường rối làng Yên vẫn thường tổ chức múa rối ở 2 vị trí là chùa Am và ao Đình làng Yên. Ngoài ra, trong suốt 3 tháng xuân, dân các làng lân cận mở hội cũng mời phường rối làng tới biểu diễn. Có lần, phường còn được mời vào kinh thành Huế diễn cho vua Bảo Đại xem. Sau này, do chiến tranh và những khó khăn của thời bao cấp, phường rối ngừng hoạt động.

Đau đáu bảo tồn nghệ thuật múa rối truyền thống, đến những năm 80 của thế kỷ trước, những người tâm huyết với nghề đã phục hồi lại phường rối làng Yên. Trải qua nhiều khó khăn, những thành viên phường rối vẫn gắng duy trì hoạt động, sưu tầm, lưu giữ các tích trò rối cổ cha ông để lại. Ngày nay, phường rối làng Yên tham gia biểu diễn ở rất nhiều sân khấu trong và ngoài thành phố. Đặc biệt, rối nước là món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân trong vùng mỗi dịp tháng Ba hội chùa Tây Phương náo nức.

Tiết mục "Leo cây đốt pháo", nghệ sĩ làng Yên đã kết hợp khéo léo bằng sào dưới nước và rối dây trên cạn.

Năm nay 59 tuổi, ông Nguyễn Văn Lư đã tham gia phường rối được 30 năm, trong đó có 14 năm giữ vai trò Trưởng phường. Đó cũng là thời gian ông chứng kiến nhiều đổi thay của nghệ thuật biểu diễn rối nước làng mình.

Theo ông Lư, những năm qua, người làng Yên không ngừng học hỏi, nghiên cứu để nâng cao tay nghề biểu diễn rối. Bên cạnh khôi phục các tích trò cha ông để lại, nhiều người đã tham gia cải tiến các khớp, nhịp để quân rối cử động linh hoạt hơn.

Đáng chú ý, rối làng Yên hiện còn kết hợp cả điều khiển bằng sào dưới nước và rối dây trên cạn nên con rối uyển chuyển, sinh động hơn nhiều. Với tích trò “Leo cây đốt pháo”, các nghệ sĩ điều khiển chú Tễu bằng sào ra chào khán giả rồi kết hợp với sử dụng các dây để đưa chú Tễu trèo lên cây cau một cách khéo léo, dùng tay để châm lửa đốt pháo. Hay với tích trò “Rước kiệu”, “Mời trầu”, “Múa rồng”…, các nghệ sĩ điều khiển quân rối xa tới 15 đến 20m để gần với khán giả. Việc điều khiển các sào càng dài, các thao tác càng khó và nặng, đòi hỏi kỹ thuật biểu diễn cao mới làm được.

Các nghệ sĩ điều khiển quân rối xa tới 15 đến 20m để gần với khán giả.

Được biết, phường rối làng Yên hiện có 23 thành viên. So với thời điểm cách đây 9 năm, số thành viên tăng thêm 8 người. Trong đó, thành viên trẻ nhất là anh Nguyễn Văn Tuấn, 36 tuổi và cao nhất là cụ Đỗ Văn Hoa, 82 tuổi. Mỗi khi đến sự kiện biểu diễn, các thành viên trong phường tập trung trước một vài ngày để sửa sang lại quân rối, tập lại các động tác cho thuần thục. Nhờ sự tâm huyết và bàn tay khéo léo, điêu luyện của các nghệ sĩ, những con rối vô tri bỗng trở thành nhân vật có tính cách, tâm hồn khiến khán giả thích thú theo dõi.

Giữ nghề… là bởi đam mê

Trong câu chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, Trưởng phường rối làng Yên Nguyễn Văn Lư bày tỏ tự hào về nghề nhưng cũng ẩn chứa nhiều tâm tư. Nghệ thuật múa rối đặc sắc là vậy nhưng vẫn đang đối diện với rất nhiều khó khăn để bảo tồn và phát triển. Để tổ chức 1 buổi biểu diễn rối nước, cần chi phí cả chục triệu đồng để trang trải cho việc thuê loa đài, làm sân khấu, trang phục… Nếu đi biểu diễn ở xa, còn thêm chi phí thuê phương tiện. Thời gian qua, các ngành, các cấp có hỗ trợ nhưng cũng chỉ đủ để chi cho các hoạt động tối thiểu nhất phục vụ cho biểu diễn, gần như chưa có công cho người nghệ sĩ. Đó là chưa kể, hiện nay, nhiều con rối của phường đã cũ kỹ, bong tróc nhưng thiếu kinh phí đầu tư thay mới. 

Trong khi đó, các thành viên của phường rối đều là nông dân, hằng ngày, bươn chải với rất nhiều nghề khác nhau như làm ruộng, thợ xây hay chở hàng thuê… nên cũng không có nhiều kinh phí để đóng góp cho hoạt động.

Mỗi dịp biểu diễn, rối nước làng Yên thu hút rất đông người xem.

Vượt lên những khó khăn, các nghệ sĩ làng vì yêu tích trò rối và nét văn hóa cha ông để lại nên vẫn quyết giữ nghề. Ông Nguyễn Văn Thành, thành viên phường rối làng Yên cho biết: “Làng có nghề xây dựng. Ở phường rối, tôi và các ông Nguyễn Văn Tuấn, Phạm Văn Thủy đều là thợ cả trong nghề. Tính ra, công lao động của thợ cả mỗi ngày cũng được 500 đến 700 nghìn đồng. Đi biểu diễn rối ngày nào, phải nghỉ việc, không có công ngày đó. Thế nhưng, tất cả đều vẫn rất yêu và say mê với quân rối”.

Theo Trưởng phường Nguyễn Văn Lư, một điều rất phấn khởi đối với phường rối làng đó là đã tìm được những người kế cận các nghệ sĩ cao tuổi. Mới đây, anh Đỗ Văn Long, một thành viên trẻ, đã xin học trống để sau này thay ông Khương Văn Tấn đã hơn 73 tuổi; anh Phạm Văn Hạnh và chị Đặng Thị Vân cũng xin học hát và thoại để sau này kế cận ông Khương Xuân Đảng (63 tuổi), bà Khương Thị Tần (67 tuổi). Tuy nhiên, để phường rối lớn mạnh hơn, không chỉ đòi hỏi sự say mê, tâm huyết với nghề, mà còn cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ từ Nhà nước, sự góp sức của xã hội để cùng chung tay bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa rối truyền thống của Thủ đô và đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về làng Yên xem rối nước