Thôn Đông Cao, xã Tráng Việt là vùng trồng rau xanh lớn nhất huyện Mê Linh. “Vựa” rau này đang được Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (xã Tráng Việt) quản lý, có 200 thành viên tham gia sản xuất trên diện tích 200ha. Trong đó, hợp tác xã có hơn 134ha được cấp giấy chứng nhận vùng sản xuất rau an toàn, 5ha rau VietGAP với các sản phẩm như: Cải ngọt, cải Đông Dư, củ cải trắng, cà chua… Trung bình mỗi ngày, hợp tác xã cung cấp cho thị trường 300 tấn rau, củ, quả các loại.
Tất bật tưới nước cho 3 sào rau cải Đông Dư, ông Vũ Bá Đồng - thành viên Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao cho biết, gia đình ông trồng 1,5 mẫu rau, gồm: 3 sào cải Đông Dư, 12 sào củ cải trắng. Hiện nay, thương lái đến tận ruộng thu mua với giá 12.000 đồng/kg rau cải Đông Dư và 8.000 đồng/kg củ cải, cao hơn gấp 1,5 lần so với vụ Tết 2022.
Cũng là người trồng rau lâu năm tại thôn Đông Cao, ông Nguyễn Văn Chiểu nói: “Nhờ trồng rau, kinh tế của các hộ dân trong thôn khá giả hơn trước. Rau ở đây được bà con trồng quanh năm nhưng vụ Tết thường được mùa, được giá. Bình quân, các hộ trồng rau thu 2-3 triệu đồng/ngày trong thời gian cận Tết. Hy vọng năm nay cũng đạt thu nhập tương tự do cây trồng phát triển tốt”.
Cùng với nông dân thôn Đông Cao, không khí sản xuất tại "vựa" rau xã Tiền Phong cũng tất bật, ai nấy hối hả cho vụ rau quan trọng nhất trong năm. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Yên Nhân (xã Tiền Phong) Trần Văn Mạnh cho hay, toàn hợp tác xã sản xuất khoảng 93ha rau ăn lá, cà chua và su hào trái vụ. Để có rau thu hoạch đúng vào dịp Tết, nông dân chủ động xuống giống, chăm sóc rau màu theo kế hoạch và khung thời vụ. Dự kiến, dịp Tết Quý Mão 2023, vùng rau của hợp tác xã có thể cung cấp cho thị trường 50-70 tấn rau, củ, quả/ngày.
Những ngày này, ngoài việc tích cực xuống giống và chăm sóc các loại rau màu, sẵn sàng cung ứng cho thị trường Tết, người trồng rau huyện Mê Linh còn áp dụng các biện pháp canh tác theo hướng VietGAP, hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Đặc biệt, các xã khuyến khích nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, đẩy mạnh áp dụng quy trình sản xuất an toàn để sản phẩm đạt chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ vậy, sản phẩm nông sản của huyện Mê Linh không chỉ tiêu thụ ổn định trên địa bàn Hà Nội mà còn được đưa đi tiêu thụ ở nhiều địa phương khác, như: Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An… Mỗi ngày, các “vựa” rau của Mê Linh cung ứng cho các thị trường từ 1.500 đến 2.000 tấn rau an toàn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết, hiện nay, diện tích trồng rau an toàn của huyện vào khoảng 1.000ha, tập trung tại các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn như: Tráng Việt 240ha, Tiền Phong 93ha, Tiến Thắng 80ha, Hoàng Kim 30ha… Để giúp nông dân nâng cao thu nhập từ nghề trồng rau, hằng năm, UBND huyện chỉ đạo Phòng Kinh tế phối hợp với các đơn vị chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật sản xuất rau an toàn cho nông dân. Đồng thời, UBND huyện chỉ đạo các xã chủ động tuyên truyền, vận động nông dân không sản xuất ồ ạt một giống cây trồng vào cùng một thời điểm mà trồng rải vụ, sản xuất theo hợp đồng và nhu cầu thị trường để tránh trường hợp cung vượt cầu, gây khó khăn cho quá trình tiêu thụ nông sản.
Ngoài ra, để nâng giá trị cây rau, thời gian qua, huyện Mê Linh còn phối hợp với Sở Công Thương, Sở NN&PTNT Hà Nội kết nối với các tập đoàn lớn như BRG, Central Retail, Winmart đưa các sản phẩm rau, củ, quả sơ chế của một số hợp tác xã vào hệ thống siêu thị tiêu thụ. Thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ người dân đăng ký nhãn hiệu tập thể, xây dựng chỉ dẫn địa lý, phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) nhằm nâng tầm thương hiệu cho các sản phẩm rau an toàn Mê Linh để không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn phục vụ thị trường nội địa mà còn đáp ứng yêu cầu xuất khẩu...