Xã Phù Đổng: Biến tiềm năng thành sản phẩm du lịch

Bài và ảnh: Bảo Khánh| 25/10/2020 05:37

(HNMCT) - Nằm ở phía Bắc huyện Gia Lâm, xã Phù Đổng là một vùng đất cổ trong hành lang “tam Cổ” (Cổ Loa, Cổ Pháp, Cổ Bi). Nhờ đó, Phù Đổng mang trong mình lớp trầm tích văn hóa được bồi lắng qua bao thế hệ với những phong tục, tập quán truyền thống phong phú. Cùng với bề dày văn hóa, lịch sử, Phù Đổng còn sở hữu điều kiện tự nhiên thuận lợi để sản xuất nông nghiệp, phát triển du lịch.

Nông dân Phù Đổng chăm sóc vườn hoa giấy.

Tiềm năng đa dạng

Phù Đổng là quê hương của Thánh Gióng - một trong “tứ bất tử” trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Tại đây hiện còn lưu giữ hệ thống di tích liên quan đến truyền thuyết Thánh Gióng với 10 điểm di tích thành phần, phân bố trên địa bàn 3 thôn của xã Phù Đổng, gồm: Di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng, đền Thượng, đền Hạ, miếu Ban, đình Hạ Mã, bãi Soi Bia...

“Linh hồn” của hệ thống di sản tại đây là hội Gióng (cùng với đền Sóc, huyện Sóc Sơn) đã được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2010) và được đánh giá là “Bảo tàng văn hóa của Việt Nam lưu giữ nhiều lớp phù sa văn hóa, tín ngưỡng...”.

Xã Phù Đổng được hai dòng sông lớn là sông Hồng và sông Đuống quanh năm bồi đắp phù sa, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp với các làng nghề nổi tiếng như: Làng nghề trồng hoa, cây cảnh thôn Phù Đổng; làng trồng rau, củ, quả thôn Đổng Viên; nghề chăn nuôi bò sữa tại thôn Phù Dực... Đây còn là quê hương của những món ăn dân dã mà tinh tế được gìn giữ, trao truyền qua bao thế hệ như: Cơm cà của ông Gióng, bánh khoai, bánh tro... Đó là tiềm năng, lợi thế để Phù Đổng xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, trong đó, nổi bật là du lịch văn hóa gắn với hệ thống di tích đền Phù Đổng, hội Gióng và du lịch sinh thái gắn với thương hiệu Làng hoa giấy Phù Đổng.

Thu hút khách bằng sản phẩm đặc thù

Được hình thành cách đây hơn 20 năm, ban đầu làng nghề trồng hoa, cây cảnh Phù Đổng chỉ có vài hộ theo nghề. Nhờ sự khéo léo của bàn tay, khối óc con người cùng điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng phù hợp nên nghề trồng hoa, cây cảnh ở Phù Đổng ngày càng phát triển, trở thành nghề chính với khoảng 75% số hộ dân trong xã theo nghề. Ông Hoàng Văn Tiến (xóm 3, thôn Phù Đổng, xã Phù Đổng) cho biết: “Gia đình tôi làm nghề trồng hoa và cây cảnh được hơn 20 năm. So với trồng lúa, nghề này cho thu nhập tốt hơn. Gần đây, nhiều người về Phù Đổng không chỉ để mua hoa mà còn tham quan, chụp ảnh. Nếu có thể phát triển du lịch gắn với thương hiệu làng hoa, người dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn”.  

Anh Nguyễn Minh Việt (phường Xuân La, quận Tây Hồ) chia sẻ sau chuyến đi đến xã Phù Đổng: “Gia đình tôi thường về đây mua cây cảnh, đặc biệt là hoa giấy để trồng ở nhà. Hoa giấy Phù Đổng được ưa chuộng bởi dễ chăm, cây khỏe và có nhiều kiểu dáng nghệ thuật. Chúng tôi cũng thích về Phù Đổng để tận hưởng không khí trong lành, thăm các nhà vườn lớn với nhiều cây cảnh có màu sắc thú vị”.

Mặc dù sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng du lịch Phù Đổng mới chỉ manh nha phát triển. PGS.TS Nguyễn Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, nguyên nhân khiến du lịch Phù Đổng chưa phát triển là bởi xã còn thiếu những sản phẩm du lịch đặc sắc có sức cạnh tranh cao; cơ sở hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. “Phù Đổng cần đẩy mạnh phát triển những sản phẩm “đinh” như hội Gióng và làng nghề hoa giấy để thu hút du khách. Song song với đó, địa phương cần đầu tư, khuyến khích người dân tham gia phát triển mô hình du lịch cộng đồng để kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của khách du lịch”.

Để biến tiềm năng thành sản phẩm hấp dẫn và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ông Phùng Xuân Việt, Bí thư Đảng ủy xã Phù Đổng cho biết, xã đang hoàn thiện Đề án Phát triển du lịch Phù Đổng, huyện Gia Lâm giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, huyện xác định hai dòng sản phẩm chính là du lịch văn hóa với sản phẩm đặc trưng là du lịch Phù Đổng, trọng tâm là Di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng và các điểm di tích thành phần cùng Lễ hội Gióng. Dòng sản phẩm thứ hai là du lịch tham quan, trải nghiệm nông nghiệp, sinh thái nghỉ dưỡng gắn với du lịch hội nghị, hội thảo; tập trung theo hướng hình thành các khu sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần chất lượng cao; hình thành vùng sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung trồng, sản xuất, giới thiệu cây hoa giấy. Đó sẽ là những sản phẩm đặc thù để thu hút khách du lịch đến với Phù Đổng trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xã Phù Đổng: Biến tiềm năng thành sản phẩm du lịch