Hà Nội văn

Bài văn được giải Nhất

Truyện ngắn của Lê Phúc Hỷ 22/07/2023 - 07:18

Đề thi học sinh giỏi văn cấp Trung học cơ sở của huyện có tính gợi mở, phát huy tính sáng tạo của học sinh: “Em hãy kể một câu chuyện như một kỷ niệm sâu sắc, có ảnh hưởng đến đời sống tình cảm của mình và liên hệ đến thực tế ở địa phương nơi em đang sống”.

van-hoc.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Hội đồng chấm thi đặc biệt chú ý đến bài dự thi của em Nguyễn Thị Thắm, nữ sinh lớp 8 Trường Trung học cơ sở xã Đoàn Kết. Bài của em kể câu chuyện về hai nhà hàng xóm sát vách, nhiều đời sống chan hòa, nghĩa tình xóm giềng tắt lửa tối đèn có nhau. Từ ngày huyện mở con đường mới, hai nhà được ra mặt đường, cùng mở cửa hàng kinh doanh kiếm thêm thu nhập. Và mâu thuẫn bắt đầu xảy ra. Một bên cho rằng hàng xóm lấn sang đất nhà mình hơn 10 phân. Bên kia khăng khăng đó là mốc giới địa chính xã đã xác định từ đầu.

Việc tranh chấp ranh giới đất đai trong nhân dân vốn được xem như “chuyện thường ngày ở huyện”. Nhưng bài văn của Thắm gây chú ý bởi suy nghĩ khá sâu sắc của một học sinh về cách ứng xử tình người qua vụ tranh chấp thường tình trong cuộc sống. Đặc biệt, trong bài em nói rõ rằng người gửi đơn kiện hàng xóm chính là ông Sửu, bố đẻ của mình.

Thắm viết: “Điều làm em xúc động mạnh nhất là trong đợt chống dịch Covid-19, mọi người dù không phải là họ hàng, không là hàng xóm, thậm chí chưa gặp nhau một lần trong đời nhưng vẫn sẵn sàng san sẻ tiền bạc, lương thực thực phẩm vô điều kiện để giúp những người không may mắc dịch bệnh. Đúng là trong hoạn nạn, truyền thống “thương người như thể thương thân” của người Việt Nam lại tỏa sáng.

Không chỉ đóng góp cho quỹ phòng chống dịch, nhân dân xã Đoàn Kết và cả huyện ta còn nhiệt tình ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt; giúp các nạn nhân bị di chứng chất độc da cam; giúp các gia đình không may có người thân bị tai nạn giao thông, rồi đóng góp tiền của giúp đỡ nhân dân đất nước Thổ Nhĩ Kỳ xa xôi bị thiên tai nữa...

Vậy mà, có hai gia đình là hàng xóm của nhau, ứng xử nghĩa tình đã trải qua nhiều đời, nhưng chỉ vì tranh nhau có 10cm đất mà kiện nhau ra tòa, gây mất đoàn kết ngay tại mảnh đất có tên là Đoàn Kết, khiến con cái của cả hai gia đình mất đi tình cảm trong sáng vốn có, ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập hằng ngày. Bản thân em, từ khi hai nhà xảy ra tranh chấp, nhất là từ lúc bố em kiện bác Tí ra tòa án, em không ngủ yên giấc dù chỉ là một đêm. Em cứ nghĩ miên man rằng, nếu tòa án xử cho nhà em thắng, hoặc nhà bác Tí thắng thì tình cảm hai gia đình sẽ ra sao?

Lằn ranh 10cm chỉ đủ để trồng một hàng cây con con, nhưng vì nó mà mất hết tình nghĩa xóm giềng, và em chắc rằng nó sẽ gây thù hận từ thế hệ này sang thế hệ sau. Đất đai ngàn đời nay nuôi cây cối xanh tốt, cho ta cuộc sống thanh bình với những lũy tre ngà tỏa bóng mát đầu làng. Con người ta sống nhờ đất và chết cũng trở về với đất. Nhưng quyết không thể vì đất mà chia rẽ tình người, gây đau khổ cho con cháu.

Người xưa có câu: “Cây xanh thì lá cũng xanh/ Cha mẹ hiền lành để đức cho con”. Người thế hệ trước càng sống đức độ thì thế hệ sau càng nhiều phúc lộc. Ngược lại, nếu người đi trước sống không chuẩn mực thì con cháu sẽ phải gánh nghiệp... Em chỉ cầu mong nhà em với nhà bác Tí sống hòa thuận, bỏ qua cái hàng rào giữa hai bên, sống vui vẻ, đoàn kết như các cụ xưa đã từng là láng giềng thân thiết của nhau”.

Bài văn của Thắm được Hội đồng chấm thi thống nhất trao giải Nhất, được Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá nhiều lần. Các trường trung học cơ sở được Phòng Giáo dục huyện chỉ đạo, xem bài văn giải Nhất của Thắm như một bài văn mẫu, cần được phổ biến cho học sinh tham khảo để nâng cao năng lực học tập môn học này.

***

Vợ chồng ông Sửu sinh được hai người con, Cường là con trai cả, và Thắm. Cường làm công nhân ở khu công nghiệp cách nhà tầm 5 cây số, vợ làm giáo viên trường mầm non. Cu Ti con của vợ chồng Cường năm nay 4 tuổi. Từ ngày nhà ra mặt đường, ông bà Sửu mở cửa hàng bán văn phòng phẩm cùng mấy đồ lưu niệm. Hằng năm, cứ gần đến ngày khai giảng năm học mới là cửa hàng lại đông nghịt phụ huynh, học sinh vào mua sách vở, giấy bút, vì vậy thu nhập cũng kha khá.

Hàng xóm kế bên nhà ông Sửu là ông Tí, cũng mở cửa hàng nhưng kinh doanh thiết bị vệ sinh. Ông bà sinh được hai con trai, anh lớn mở công ty thương mại tổng hợp, lái ô tô lên huyện, lên tỉnh như con thoi. Cậu thứ hai bằng tuổi Thắm, học cùng lớp. Chẳng rõ căn nguyên từ đâu mà ông Sửu nói nhà ông Tí lấn sang ranh giới nhà ông 10 phân đất.

Ông Sửu cầm xấp giấy tờ xông sang nhà ông Tí, lớn tiếng: “Ông phải phá bức tường, xây lại cho đúng mép giới. Ai lại lấn sang đất nhà tôi hơn 10 phân, chạy dọc vào trong hơn 20 mét. Ông có biết đất xã này đang sốt, giá bao nhiêu không hả?”. Ông Tí cũng không vừa, lôi trong tủ ra cặp giấy tờ: “Đây, ông xem, địa chính đã cắm mốc rõ ràng. Ai bảo tôi lấn sang nhà ông?!”. Ông Sửu quát lên: “Đấy là trên giấy, còn thực tế nhà ông đã xây lấn sang mốc giới nhà tôi! Ông không xây lui lại là không xong với tôi đâu!”...

Chính quyền xã đã mấy lần mời cả hai gia đình lên hòa giải nhưng đều không có kết quả. Ông Sửu tức khí nộp đơn kiện lên tòa án huyện. Hai ông cũng đã được tòa mời lên trình bày thực hư việc kiện.

Sự đời thật oái ăm. Sau khi bài của Thắm được trao giải Nhất, việc tranh chấp giữa hai gia đình hàng xóm bỗng trở thành câu chuyện đàm tiếu gây xôn xao cả cái xã nhỏ bé này. Đi đâu cũng nghe người ta bàn tán về chuyện con gái “vạch áo cho người xem lưng”, rồi “tham lam quá nên mới kiện tụng nhau ra tòa”. Mẹ Thắm và anh Cường im lặng, không nói gì. Nhưng ông Sửu thì quất cho con gái một trận nên thân: “Nuôi cho mày ăn học để mày chửi giả tao có phải không?! Đồ ngu!”. Không khí trong nhà căng thẳng, nặng nề như có hàng tấn đá đè nặng.

Cửa hàng văn phòng phẩm của bà Sửu đột nhiên vãn khách hẳn đi dù đang bước vào kỳ chuẩn bị khai giảng. Nhiều tốp học sinh vào xem hàng, thì thầm bảo nhau: “Đi chỗ khác mua rẻ hơn. Nhà này tham lắm, tranh với hàng xóm cả cái hàng rào, chắc giá cả cũng đắt hơn chỗ khác!”. Có mấy cô cậu học sinh dừng ở cửa nhà, cười đùa rồi đồng thanh ngân nga: “Cây xanh thì lá cũng xanh/ Cha mẹ hiền lành để đức cho con”, làm ông Sửu bẽ bàng, tái mặt lùi lũi đi vào trong buồng.

***

Một đêm đầu mùa đông. Bé cu Ti bỗng sốt xình xịch. Cường đi làm ca đêm, ông bà Sửu cùng con dâu cuống quýt, lúng túng chưa biết xoay xở ra sao. Bỗng con trai lớn nhà ông Tí lái chiếc xe bán tải đỗ xịch trước cổng, te tái chạy vào: “Hai mẹ con lên xe tôi chở đến bệnh việc huyện. Mau lên để bác sĩ xử lý kịp thời...”. Ông Sửu trừng mắt: “Này! Ai thèm mượn cái mặt nhà anh!?”. Bà Sửu run rẩy, lắp bắp: “Thôi ông ơi! Tôi xin ông. Giờ hãy vì thằng bé, người ta giúp là vì cu Ti... Đi mau cháu ơi!”.

Rồi một buổi chiều, mưa giông kèm theo gió lốc mạnh bất chợt làm mái tôn trên gác hai nhà ông Sửu bật tung, mưa ào ạt tràn vào nhà ngập ngụa. Cường lúc đó cũng đang đi làm. Lại anh con lớn nhà ông Tí kéo thêm hai người thợ hăng hái trèo lên mái, lợp lại lớp tôn mới rất cẩn thận, chu đáo. Bà Sửu cảm động, cảm ơn rối rít rồi đưa tiền tôn và công thợ, nhưng anh con ông Tí nhất quyết không nhận: “Nhà bác cũng như nhà cháu, thấy neo người cháu giúp thôi. Công xá gì đâu bác!”.

Mới nhất là hôm nọ Thắm trên đường đi học về, chẳng may bị đụng xe ở đầu xã ngã sõng soài, đầu gối, khuỷu tay xước xát, ứa máu. Run rủi thế nào mà cậu út nhà ông Tí cũng vừa đi tới đó, vội đưa Thắm qua cửa hàng dược mua bông băng, thuốc sát trùng, tự tay băng bó cho Thắm rồi chở về tận nhà. Biết chuyện, ông Tí nói: “Chuyện nào đi chuyện nấy! Các con làm vậy là đúng, bố rất hài lòng!”.

***

Thế rồi tòa án huyện có giấy mời ông Sửu và ông Tí lên làm việc. Hai ông lại ôm xấp giấy tờ, bắt xe tuyến lên tòa án. Ông Tí thầm nghĩ: “Nếu lần này tòa phân định lại ranh giới, đúng sai đâu chưa biết, thôi thì vì cái nghĩa cái tình, nhà mình sẽ hy sinh phá đi và xây lại bức tường theo ý nhà ông Sửu cho yên chuyện. Kiện tụng mệt mỏi lắm rồi”.

Bước vào sân tòa, ông Tí bỗng thấy thấp thoáng bóng ông Sửu phía sau vượt lên đi bên cạnh rồi đánh tiếng: “Bác Tí này! Tôi có ý thế này, bác xem được không?”. Ông Tí ngạc nhiên: “Thì để lát vào tòa, bác có ý kiến luôn!”. Ông Sửu nói nhỏ: “Thôi, giờ tôi vào tòa xin rút đơn kiện. Mình già rồi, bây giờ sống chủ yếu vì con cái thôi, bác nhỉ! Bác không phải vào nữa, cứ yên tâm bắt xe về trước đi nhé!”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài văn được giải Nhất