Chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Ngọc Quỳnh| 29/04/2020 07:51

(HNM) - Thời gian qua, huyện Thạch Thất tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ đó hình thành một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao mang lại giá trị cao, mở ra hướng làm giàu cho nông dân.

Ông Nguyễn Hữu Cường ở xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất) cho biết, gia đình ông có 10.000m2 đất trồng hoa chất lượng cao. Để tạo ra sản phẩm hoa bảo đảm chất lượng, trang trại của gia đình ông đã đầu tư hệ thống nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, nhà lạnh để bảo quản hoa. Sau 12 năm trồng các loại: Ly, cúc, đồng tiền cùng nhiều loại hoa khác phù hợp thị hiếu tiêu dùng, mô hình này cho thu nhập 1,5-2 tỷ đồng/ha/năm.

Tương tự, mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại trang trại Hoa Viên của bà Trương Kim Hoa ở xã Yên Bình với diện tích 12ha, đang nuôi hơn 10.000 con lợn rừng kết hợp trồng rau hữu cơ, rau bản địa dưới tán rừng… mỗi năm cho thu nhập 3-5 tỷ đồng. Ngoài cung ứng sản phẩm thịt lợn, rau hữu cơ chất lượng cao, trang trại Hoa Viên còn tạo việc làm cho 100 lao động thường xuyên tại địa phương với mức lương khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.

Về những mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết, huyện đã có 5 mô hình ứng dụng công nghệ cao. Nhìn chung, các mô hình này đều phát huy hiệu quả, không chỉ tạo ra sản phẩm bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn giải quyết việc làm và thu nhập cho nhiều lao động nông thôn, mang lại thu nhập cho các chủ trang trại từ 1 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng/năm.

Dù vậy, việc nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện vẫn còn một số khó khăn. Theo ông Đỗ Xuân Nhung ở xã Kim Quan, hiện nay các chủ trang trại đều thiếu vốn đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Để đầu tư 1ha nông nghiệp công nghệ cao xây dựng nhà màng nhà lưới phải chi đến 2-3 tỷ đồng, trong khi không phải người dân nào cũng có số vốn lớn như vậy. Ngoài ra về nguồn nhân lực, lao động cho trang trại phần lớn là nông dân chưa quen với cách làm hiện đại nên phải mất thời gian đào tạo để họ hiểu về kỹ thuật, vận hành các máy móc trong nhà kính… Cùng với đó, đất đai cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành những vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; sản phẩm nông sản theo mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiêu thụ trên thị trường còn hạn hẹp, chưa thực sự tương xứng với chi phí đầu tư.

Để tháo gỡ khó khăn, tiếp tục phát huy hiệu quả những mô hình nông nghiệp công nghệ cao, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng khẳng định: “Huyện sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng như giao thông, cơ sở sản xuất giống, cơ sở chế biến… tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Các doanh nghiệp, trang trại tư nhân, nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác cần liên kết chặt chẽ, bảo đảm sản xuất gắn với thị trường. Để có quỹ đất lớn cho nông nghiệp công nghệ cao huyện sẽ vận động người dân liên kết với doanh nghiệp, theo đó người dân góp đất, doanh nghiệp đầu tư. Sau đó, người dân được nhận vào doanh nghiệp để đào tạo làm việc”.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là hướng đi đúng đắn và xu thế tất yếu để ngành Nông nghiệp phát triển bền vững. Những thành công bước đầu ở các mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện Thạch Thất đã tạo ra các sản phẩm rau siêu sạch, thịt lợn rừng, trứng gà công nghệ cao… trở thành mô hình điểm về nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội. Tuy nhiên, huyện cần có chính sách khuyến khích người dân tích tụ ruộng đất nhằm tạo quỹ đất sạch, qua đó tạo thuận lợi trong việc hình thành vùng nông nghiệp quy mô lớn, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất để có nhiều hơn nữa mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao