Di sản

Chuyện cũ Cự Đà

Nguyên Đình 12/02/2024 - 11:05

“Nhất cận thị, nhị cận giang”, với ưu thế nằm ven sông Nhuệ, Cự Đà từng có thời là một trung tâm buôn bán, trao đổi, cung cấp hàng hóa lớn bậc nhất trong vùng. Qua thời gian, Cự Đà giờ vẫn còn đọng lại những dấu ấn kiến trúc quý của làng quê Việt Nam, những câu chuyện thuở làm ăn phát đạt cùng sản phẩm nghề truyền thống độc đáo.

kien-truc-cu-da.jpg
Một số nét kiến trúc xưa còn phảng phất ở Cự Đà.

Truyền kỳ kinh thương

Lấy nước từ sông Hồng, sông Nhuệ chảy dài qua huyện Đan Phượng, quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, huyện Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên...

Sông Nhuệ giờ cơ bản đã thu hẹp đáng kể. Dĩ nhiên, do chặn dòng lưu thoát nên nước sông giờ vẩn đục, không còn cảnh thuyền bè chở hàng hóa cỡ đại, gắn ba cột buồm chạy băng băng trên mặt nước. Dù thay đổi là vậy nhưng đó vẫn là con sông gắn chặt với trầm tích văn hóa từ buổi đầu dựng nước và giữ nước của người Việt. Chẳng thế mà, ngược nơi thượng nguồn, ngay trên chính dòng sông này đã có những cuộc khởi nghĩa đi vào sử sách. Ấy là khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40 - 42) tại thượng nguồn sông Nhuệ, mà tích xưa nay vẫn còn lưu giữ qua hội chèo tàu ở Tân Hội (huyện Đan Phượng).

Chẳng là, có truyền thuyết xưa Hai Bà Trưng chống quân xâm lược từng qua vùng Tổng Gối (vùng đất thuộc huyện Đan Phượng ngày nay). Thuyền chở quân khi ấy qua lại trên sông Nhuệ tấp nập, khí thế hào hùng. Tưởng nhớ công lao của Hai Bà Trưng, đồng thời mang tâm ý mô phỏng cảnh múa hát của quân tướng Hai Bà Trưng lúc nghỉ ngơi nên người dân Tổng Gối đã sáng tạo ra loại hình hát chèo tàu, còn được gọi là hát tàu tượng, để tưởng niệm Hai Bà. Ngày nay, đến Đan Phượng, nếu được tham gia hội hát này sẽ thấy người hát đều là nữ hoặc nữ giả nam. Đây cũng là nét riêng đặc sắc của hội hát chèo tàu.

Sông Nhuệ còn là dòng chảy kinh thương, vun bồi cho sự trù phú của không ít làng mạc, và Cự Đà là một trong số đó. Ở miền Bắc, làng Cự Đà bên dòng sông Nhuệ nổi tiếng giàu có. Đi dọc Cự Đà giờ đã nhuốm màu đô thị hóa, xen kẽ giữa lớp lang nhà cao tầng chót vót vẫn thấy những mái ngói nhuốm màu rêu phong. Dọc con đường từ đình tỏa về các ngõ của làng, đây đó vẫn còn bóng dáng quy hoạch “xương cá” phổ biến. Nhiều con ngõ vẫn còn giữ được nét cổng xưa cũ. Bức tượng con cóc, có lẽ tượng trưng cho sự chiêu tài của vùng đất kinh thương, vẫn còn án ngữ nơi góc khuất của làng.

Cán bộ văn hóa xã Cự Khê Phan Thị Cúc đưa tôi tìm đến ông Vũ Văn Bằng, cựu Trưởng ban văn hóa xã và được mệnh danh là “pho sử sống” của Cự Đà. Nhắc đến làng xưa, ông Bằng bảo, Cự Đà từng có thời điểm được ví von là “làng tỷ phú”, là “phố trong làng” độc nhất vô nhị ở miền Bắc. Nói như vậy là bởi đây từng là nơi phát tích, quy tụ các nhà tư sản tài ba như Cự Doanh, Cự Chân, Cự Phát... Họ đều là những chủ xưởng dệt, nhà máy, tiệm buôn, hãng vận tải lớn bậc nhất của Hà Nội giai đoạn 1920-1940.

“Làng tỷ phú” Cự Đà là nơi có nhiều thứ mới lạ được du nhập sớm. Chẳng hạn, đây là một trong những nơi đầu tiên có những ngôi nhà được xây cất theo kiểu Âu, mà đặc trưng là kiến trúc Pháp. Nhà đẹp và được đánh số hẳn hoi từ sớm, đi trước nhịp phát triển xã hội dễ đến cả trăm năm. Đặc biệt hơn cả, Cự Đà còn là nơi có điện sớm bậc nhất miền Bắc.

Theo lời ông Vũ Văn Bằng, giai đoạn 1937-1939, điện là của hiếm, nhiều thị xã ở trung du còn chưa biết điện là gì. Các dinh công sứ còn dùng đèn măng xông, dân phố dùng đèn dầu... thì người Cự Đà đã biết dùng đèn điện. Khi ấy, một người giàu có trong làng là cụ Vũ Tư Đường đã dựng đường điện 12 cột chạy quanh làng. Các cột điện này làm bằng hợp kim đúc do người Pháp sản xuất. Đêm hội hay những dịp làng có việc trọng đại, đèn đường được thắp sáng trưng. Cự Đà vì thế tựa như một đô thị thu nhỏ bên dòng sông Nhuệ nước xanh ngăn ngắt.

cu-da.jpg
Người dân Cự Đà còn giữ nghề làm miến đặc trưng.

Những điều đọng lại

Theo các bậc cao niên ở Cự Đà, từ xưa đã có lệ năm nào làng cũng mở hội nhằm tưởng nhớ những người khai đất, lập làng, đồng thời cũng là để trưng cho người xa gần thấy được vùng đất này đang lúc dân khang vật thịnh. Sau, ngoài việc tổ chức định kỳ mỗi năm thì cứ cách quãng 5 năm hội lại diễn ra với quy mô lớn. Hội này còn được gọi là Đám - diễn ra từ ngày 13 đến 15 tháng Giêng, người dân dâng hương, lễ vật cúng các vị Thành hoàng làng...

Tuy vậy, “pho sử làng” Vũ Văn Bằng quả quyết, khi xưa làng không tổ chức theo lệ 5 năm như vậy. Thay vào đó, cứ cách quãng ít năm (từ 3 - 7 năm), nếu thấy mùa màng tốt tươi, không có dịch bệnh, đời sống người dân no ấm thì các hương lý, cao niên lại tề tụ về đình để cùng họp việc mở Đám. Việc mở hội “bất định kỳ” kiểu như vậy cũng là để mong cầu quãng thời gian tiếp theo mọi sự được khang thịnh, dân được ấm no.

Tuy lề luật mở hội lớn ở Cự Đà đã khác ít nhiều nhưng ngày nay vẫn còn một điểm không thay đổi, đó là vào những dịp Đám được mở thì người dân nhất thiết phải tái hiện một sới vật tại Đình Vật. Lệ tục này không mang ý phân định thắng thua, thường kết thúc với ý nghĩa cẩn cáo Thành hoàng về sự nỗ lực của người làng trong quãng thời gian qua.

Qua biến thiên thời cuộc, Cự Đà giờ đã đổi khác. Quá trình đô thị hóa mang đến cả những cơ hội lớn và thách thức cho người Cự Đà. Phần lớn những nét kiến trúc xưa cũ, từng tượng trưng cho một thuở phồn hoa của làng, đã mất đi. Những nghề truyền thống như làm miến, làm tương cũng ít nhiều phai nhạt...

Ở góc nhìn khác, ông Vũ Văn Tuấn, Trưởng thôn Cự Đà chia sẻ, việc đô thị hóa, hội nhập mang lại cho làng diện mạo tích cực. Đời sống người dân ngày một được nâng cao, làng nghề cũng có thương hiệu riêng. Bên cạnh những cơ sở sản xuất thủ công truyền thống thì nhiều cơ sở sản xuất trong làng đã mạnh dạn đầu tư hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ vào thay thế sức người ở một số công đoạn, như sử dụng máy cắt sợi miến (trước đây phải dùng dao sắc thái thủ công), máy sấy bột thô thay vì phơi bột phải phụ thuộc vào thời tiết..., nhờ vậy năng suất lao động tăng cao.

Dừng bước trước sông Nhuệ, ngẫm thấy sông đã hiện diện từ thuở đầu lập làng, góp sức cho phát triển nông nghiệp rồi sang thương nghiệp, sông còn góp công để có một làng Cự Đà trù phú. Lại nhớ lời ông Vũ Văn Bằng, rằng Cự Đà phát triển được như vậy chính là bởi có được điều kiện giao thương tốt, “nhất cận thị, nhị cận giang”. Đặc biệt, làng có nhiều điểm thích hợp để đóng bến bãi, thuận tiện cho thuyền bè neo đậu, xếp dỡ hàng. Ông Bằng quả quyết, nếu tiến hành khảo cổ các xóm hướng thẳng về phía sông Nhuệ thì vẫn có thể tìm được dấu tích của những bến đỗ cho những chiếc thuyền 3 cánh buồm neo hàng.

Cự Đà nay ít nhiều đã đổi thay. Cảnh trên bến dưới thuyền ở sông Nhuệ không còn nữa, vai trò tưới tiêu, mang phù sa chăm bẵm đồng ruộng cũng dần bị lu mờ. Ông Vũ Văn Bằng ước rằng một ngày nào đó, sông Nhuệ sẽ được quan tâm hơn, để mỗi người dân có thể thấy lại được màu, tìm lại được vị của dòng sông, như bao đời qua sông đã xanh trong tưới tắm, làm mát cho làng...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyện cũ Cự Đà