Chuyện ở làng hoa ngày ấy

Truyện ngắn của Trần Hữu Tòng| 25/12/2022 18:00

(HNMCT) - Cả bốn cô đều là con gái làng hoa, thân nhau từ hồi còn bé tí.

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Hoa mặt tròn, mắt đen láy, da trắng hồng nên bạn bè gọi là Hoa “nụ”. Các bà trong làng thường bảo: “Khuôn mặt như thế thuần hậu, thảo hiền lắm đấy”. Còn Phúc được gọi là Phúc “son” vì đôi môi lúc nào cũng đỏ mọng như đánh son. Phúc xởi lởi, vui tính. Thành ăn mặc chải chuốt, lúc nói chuyện thì miệng nói, mắt nói, lông mày giãn nở, môi bĩu dài đến là điệu đà, thế nên có biệt danh Thành “điệu”. Hạnh “xoăn” tóc quăn tự nhiên, tính tình trầm lặng, kín đáo.

Bốn cô bạn thân “con chấy cắn đôi” cùng học một lớp ở ngôi trường Ba Đình nổi tiếng thành phố. Khi trở thành thiếu nữ, họ mai mối cho nhau rồi cùng trở thành vợ bộ đội. Các anh chồng đều vào chiến trường. Ở nhà, họ như bốn chị em gái gắn bó, chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn.

***

Tháng 12 năm ấy, máy bay B52 rải thảm bom xuống Đông Anh, Yên Viên, phố Khâm Thiên, đánh sập ga Hàng Cỏ... Đêm nào đất trời Hà Nội cũng chao đảo, rung bần bật. Chớp đỏ chớp xanh lòe sáng bầu trời. Mảnh bom đạn rơi rào rào như mưa đá trên mái nhà. Đạn ta bắn lên. “Rồng lửa” của ta bay lên... B52 bị xé xác tơi tả, cháy rực như những đống lửa trên màn trời đêm.

Hoa trở dạ ở nơi sơ tán, cũng vào một đêm đất trời rực lửa. Phúc “son”, Thành “điệu” và ông lang Du ở gần nhà bế Hoa lên cáng, đưa xuống hầm. Ông Du cởi chiếc áo bông trải rộng lót mặt cáng. Bà Du chạy về nhà lấy chiếc chăn đơn đắp lên người Hoa. Hạnh “xoăn” ôm chiếc chiếu trải xuống sàn hầm, xong cô chạy đường tắt đến trường làng, gọi chị hộ sinh mới sơ tán về đó. Hoa vật vã kêu khóc trong tiếng bom đạn rung chuyển đất trời. Phúc và Thành khóc nấc lên. Thương Hoa lắm! Giá như đó là cái gánh nặng thì mỗi cô sẽ ghé vào chung vai san sẻ. Hạnh chạy về, đứng lặng cắn chặt vành môi. Các cụ hay nói: “Đau đẻ, ngứa ghẻ, đòn ghen”. Nghĩa là ghê gớm lắm, nhưng các cô đã qua cái đận ấy đâu mà biết.

Hoa vỡ ối, ướt đẫm cả sàn căn hầm nhỏ. Bà Du cầm tấm vải xô thấm nước, nhìn Hoa ái ngại. Bà không dám nói ra ý nghĩ vừa chợt đến. Con so. Vỡ ối trước. Đẻ khan là khó khăn lắm, nhiều ca không vượt nổi... Nhưng bà vẫn bình tĩnh dỗ dành: “Cháu ơi. Gắng lên tí nữa. Thở đều. Đừng kêu la mà mất sức...".

Tiếng bom nổ dậy đất vang trời. Căn hầm chữ A rung rinh. Ngoài kia đang mưa dầm, rét buốt thấu xương, gió mùa hun hút. Trong hầm kín ẩm, hôi hám, ánh sáng từ chiếc đèn dầu vặn nhỏ vàng vàng, mờ ảo, yếu ớt. Nhưng lúc này sự sống cái chết chỉ cách nhau gang tấc, Hoa lại đang vật vã đau đớn thế này, nên nào ai còn biết lạnh lẽo, hôi hám là gì nữa.

Đứa bé ra đời. Thiếu tháng. Èo uột. Nhợt nhạt. Bà Du đặt nó trong hai bàn tay, nâng lên rồi thở phào nhẹ nhõm, đoạn nói như reo lên: “Thằng cu! Thằng cu! Chúng mày ơi!”. Bà vỗ nhẹ vào lưng nó vài cái. Đứa bé cất tiếng khóc oe oe chào đời. Tiếng khóc của trẻ sơ sinh như át cả tiếng bom nổ rung chuyển đất trời. Chị hộ sinh đội mũ rơm len lỏi băng vườn. Đến nơi, sờ bên hông thì túi đồ nghề đã không còn, chắc rơi lúc chị bị ngã. Không có dao để cắt rốn. Phúc lao vào nhà bấm đèn pin. Mặt gương đèn đã được che kín, ánh sáng rọi ra chỉ bằng đồng xu. Cô loay hoay một lúc mới tìm được con dao gọt hoa quả. Thành tìm phích nước nóng để rửa dao, nhưng phích đã bị hơi bom làm rơi xuống đất, vỡ từ bao giờ. Ông lang Du bèn lau con dao vào áo, rồi Phúc cầm lấy đưa lưỡi dao lên miệng ngậm một lát. Chắc cô nghĩ rằng nước bọt cũng có thể diệt bớt vi trùng. Chẳng phải mỗi khi bị đứt tay, cứ ngậm ngón tay vào miệng là đỡ bị sưng tấy đó sao? Chị hộ sinh cởi chiếc áo đang mặc lau cho thằng bé rồi gọi Hạnh “xoăn” đến, chỉ vào ngực Hạnh. Hạnh ngơ ngác. Chị nói như quát: “Cô cởi xu chiêng đưa cho tôi!”. Hạnh vẫn không hiểu. “Nhanh lên. Để quấn thêm vào giữ chặt rốn cho nó”. Đôi mắt thằng bé ti hí nhìn ánh đèn...

Ngoài cửa hầm chớp lửa vẫn lóe liên hồi. Màn đêm sáng rực. Một thứ ánh sáng ma quái. Ba loạt bom nối nhau nổ rền ở phía Nam thành phố. Căn hầm lại chao đảo như võng đưa. Chợt có tiếng loa phòng không đứt quãng: “Đồng bào chú ý. Máy bay B52 đã rải bom hủy diệt Bệnh viện Bạch Mai và vùng phụ cận. Lực lượng phòng không và không quân ta đang đánh trả quyết liệt. Đồng bào bình tĩnh...”.

Rồi không gian bỗng yên ả, tĩnh mịch đến lạ lùng. Sự tĩnh mịch làm cho giá rét như đậm hơn, tiếng khóc của thằng bé như to hơn, váng hơn. Tiếng bom đạn đã im bặt. “Pháo đài bay” B52 đã thua!

Sáng hôm sau, Hoa bế con lên cửa hầm. Nắng hanh vàng nhưng Hoa thấy lóa cả mắt. Lúc ấy Hoa mới nhìn rõ mặt con. “Ôi con trai của mẹ! Mẹ đã chịu trăm cơ nghìn cực. Mẹ đã đổi cả cuộc đời của mẹ để có con...”. Hoa ngắm nhìn từ cái trán, đôi mắt đến cái mũi bé xíu, cái mồm chúm chím của thằng bé. Bỗng cô ngẩng lên nhìn mơ hồ về phía xa. Cô ghìm nổi lòng thổn thức. Cô đã nhận ra đứa con bé bỏng mang bóng dáng của bố nó đang ở nơi chiến trường xa.

***

Buổi sáng hôm ấy bầu trời xanh ngắt. Không khí lạnh giá nhưng trong suốt. Ai cũng hít thở đầy lồng ngực, cho bõ những ngày nằm trong hầm ẩm tối và đầy lo âu...

Người khắp nơi lũ lượt đổ về làng hoa. Đông nghìn nghịt. Họ đứng vây quanh cái ao trước đền Hữu Tiệp thờ Thành hoàng làng. Nơi đó chiếc “pháo đài bay” đã đâm đầu xuống bùn đen. Cái đuôi máy bay nhô lên như một cánh tay chới với. Tiếng reo vui mừng chiến thắng vang dậy. Những luống hoa hồng, hoa thược dược trong các vườn làng hoa vào vụ Tết, nửa tháng nay không có người chăm tưới mà vẫn đơm nụ xanh chồi...

***

Nghỉ chăm con được hơn một tháng thì Hoa đạp xe đi làm (thời đó các bà mẹ sinh con chỉ được nghỉ hai tháng cả trước và sau khi sinh). Lương công nhân của Hoa chỉ vẻn vẹn ba mươi sáu đồng. Phúc “son” làm ở Nhà máy Cao su nên cao hơn chút đỉnh, nhưng cũng chỉ được bốn mươi lăm đồng. Hoa “nụ”, Phúc “son”, Hạnh “xoăn” thường rủ nhau đạp xe đi làm vì ba nhà máy cùng ở khu Cao Xà Lá.

Phúc “son” ái ngại cho cuộc sống của mẹ con Hoa. Xe đạp hỏng cũng không có tiền sửa. Đôi pê đan rời rụng miếng cao su, trơ ra hai cái lõi sắt mòn nhọn như dùi. Phúc dàn xếp: “Lương đằng ấy ít hơn nên việc bơm vá, sửa xe tớ sẽ hỗ trợ”. Hôm công đoàn bình xét, phân phối cho cái lốp xe đạp loại hai, Phúc cũng mang về tặng Hoa. Thành “điệu” làm công nhân nhà máy gạch Đại La được mua bao xi măng hạ giá cùng trăm gạch phế phẩm cũng gọi Hoa lấy về xây cái bể hứng nước mưa tắm cho con. Còn khoản xà phòng giặt giũ Hạnh “xoăn” lo hết. Cô còn mua lại tiêu chuẩn của đồng nghiệp cùng nhà máy để “bao cấp” cho mẹ con Hoa. Hôm Hạnh thay tã cho thằng cu, mới biết tã đều là những mảnh màn cũ và áo rách can nối lại. Ngay tối đó Hạnh gọi Phúc “son” và Thành “điệu” sang nhà:

- Chúng mày ạ, đợt này ta phải góp phiếu vải lại để mua chung vải sô đi thôi. Nếu khéo lựa chiều cắt thì có thể để dôi ra được vài mét đấy, để cái Hoa làm tã lót cho con nó. Khổ quá! Nó phải lấy màn rách, áo cũ khâu lại làm tã đấy. Thương mẹ con nó quá!

- Ừ! Thương nghiệp cũng thông báo cắt ô chữ C trong phiếu vải được mua sô đấy - Thành điệu nói - Ba đứa chúng mình mua chung một lần được 6 mét. Nếu khéo cắt, chịu hụt một tý thì chỉ hết hai mét là cùng...

- Đã thế nhường cho nó bốn mét đi - Phúc “son” nói chen vào - bốn mét là được sáu cái tã đấy. Hạnh “xoăn” khéo tay cắt chia ra nhé và bao cấp khoản xà phòng nhé. Cứ ngâm kỹ, giặt vò sạch dùng tằn tiện cả năm cũng được. Vì mỗi tháng chúng mình chỉ... một lần thôi mà.

Cứ đầu tháng, sau giờ tan ca Hạnh “xoăn” lại ghé vào chợ Xanh rồi đạp vội xe về đưa Hoa gói giấy báo. Hạnh nói: “Hai lạng phiếu thịt tiêu chuẩn tháng này tao chen ngang mới mua được bốn lạng sườn. Mày hầm lấy nước nấu cháo cho nó ăn. Thằng bé èo uột quá!”. Hoa ôm lấy bạn, mắt ngân ngấn nước:

- Mày mua thịt mà ăn để có sức đạp xe đi làm chứ?

- Ôi dào! Ngày hai nắm mỳ luộc tao vẫn cứ béo quay. Mày đừng lo cho tao.

Hạnh cười vô tư rồi nói tiếp:

- Gắng sức mà nuôi nó, mong nó đúng cữ "ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi”. Sau này nó nên người thì chúng tao cũng được thơm lây. Người ta ăn nhau cái hậu vận đấy mày ạ.

Mỗi lần đạp xe đi làm với nhau là Hoa “nụ”, Phúc “son” với Hạnh “xoăn” lại quanh quẩn bàn chuyện chi tiêu. Hạnh nhờ Phúc xếp hàng, đặt sổ mua gạo. Hoa hỏi Hạnh cắt ô nào trong bìa gia đình thì được mua thêm cá biển, cửa hàng dầu nào vắng để lúc tan ca vào xếp hàng mua... Có bữa Hoa nhờ Phúc bán tem phiếu cả tháng đi để lo cho con thêm lạng đường trắng, lạng thịt thăn... Được cái Phúc “son” xởi lởi. Bạn nhờ gì cô cũng sẵn sàng giúp. Chuyện gì cô cũng tếu, cũng ví von, gây cười được. Phúc vận vào bậc lương của cả bọn rồi đọc vè tếu táo: “Hai trăm thì phán/ Trăm tám thì nghe/ Tranh đài tranh xe/ Là ông trăm rưỡi/ Tất ta tất tưởi/ Là chú chín mươi/ Dở khóc dở cười/ Là chàng sáu chục/ Trong nhà lục đục/ Là chị bốn lăm/ Túng thiếu quanh năm/ Là cô ba sáu/ Canh suông mỳ cháo/ Các cháu hăm hai/ Làm nhiều ít nhai/ Xã viên nông nghiệp...”.

Rồi cả ba cô lại cười ngặt nghẽo. Cái túi may bằng vải bạt đựng cặp lồng mỳ luộc với cái lược chải đầu treo lủng lẳng ở ghi đông như cũng vui lây, gõ nhịp lách cách loong coong. Và lần nào cũng vậy, cứ sau những chuỗi cười giòn như thế, Phúc “son” lại có câu kết ra điều triết lý: “Thời chiến mà... Dưới bom B52 chúng ta còn sống khỏe thì đếch có cái gì làm chúng ta chết được”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện ở làng hoa ngày ấy