Xưa và nay

Cờ tướng vỉa hè

Dã Liên 02/11/2023 - 15:47

Cứ vào quãng chiều tà, trên nhiều tuyến phố của Hà Nội, những bàn cờ tướng được bày ra trên vỉa hè. Những nhóm người túm năm tụm ba bên bàn cờ nhỏ bàn tán.

Đặc biệt là đường dạo quanh các hồ Hoàn Kiếm, Hoàng Cầu, Trúc Bạch... bao năm nay không lúc nào vắng những bàn cờ. Cờ tướng vỉa hè là một “đặc sản” trong đời sống tinh thần của người Hà Nội. Nhưng đằng sau thú vui đó, còn nhiều câu chuyện thú vị khác.

co-tuong.jpg
Cờ tướng thu hút nhiều lứa tuổi tham gia. Ảnh: Internet

Những “sàn thi đấu” vỉa hè

Đến Hà Nội đâu đâu cũng thấy cờ tướng là nhận xét của không ít người. Từ vỉa hè những tuyến phố buôn bán sầm uất nhất Thủ đô như Hàng Ngang, Hàng Đào, cho đến những tuyến phố vùng ven đô, những khu đô thị mới, cứ chiều đến là những bàn cờ tướng được bày ra.

Đặc biệt, con đường dạo quanh các hồ Hoàn Kiếm, Hoàng Cầu, Trúc Bạch hay công viên Thống Nhất, Bách Thảo... từ lâu đã có những “sàn thi đấu” cờ tướng. Không chỉ những cao niên trầm ngâm bên bàn cờ, cánh trẻ cũng vây quanh bàn tán. Đôi khi có cả phụ nữ, cũng thuyết trình đâu ra đấy về người này khai cuộc bình phong mã cao thủ, người kia giỏi pháo đầu hay những nước cờ tàn...

Vậy cờ tướng du nhập vào Việt Nam từ bao giờ? Rất khó có câu trả lời thích đáng. Song, từ nhiều thế kỷ nay, nó đã trở thành một thú chơi của người Hà Nội. Cũng bởi thế mà Hà Nội là nơi hiếm hoi trong cả nước có đền thờ Ðế Thích - một vị vua trong quan niệm Phật giáo, đồng thời cũng là bậc Thánh cờ; có Lễ hội chùa Vua, nơi diễn ra giải cờ tướng nổi tiếng bậc nhất cả nước.

Chỉ một bàn cờ, đôi khi là một tờ giấy được kẻ ô, cộng với 32 quân cờ, người ta có thể thi đấu bất cứ nơi đâu. Thậm chí, trong thời kỳ chiến tranh hay bao cấp, khó khăn đủ đường, người ta vẫn có thể chơi cờ tướng. Bởi chỉ cần mấy chục mẩu gỗ gọt đi, rồi vẽ tên quân là người ta có thể bắt đầu cuộc chơi.

Cái hấp dẫn của cờ tướng là sự thiên biến, vạn hóa. Một bàn cờ chỉ có 32 quân bày ra, nhưng ẩn sau đó là hàng vạn nước đi. Mỗi người có một thế mạnh riêng trong khai cuộc, trung cuộc hay tàn cuộc; hoặc bí quyết sử dụng các quân cờ. Dân gian thường nói “cờ ngoài, bài trong”. Đó cũng là lý do người ta thích túm năm, tụm ba bên những bàn cờ vỉa hè bởi người ngoài có sự khách quan, ít bị rối trí, không bị “trách nhiệm” trong mỗi nước đi, nên thường có suy nghĩ “sáng” hơn so với người trong cuộc. Mỗi ván cờ bày ra, nhất là khi vào trung cuộc, nghe người xem “luận chiến” rất thú vị.

Sự “đổi vị” thú vị

Bây giờ, khi công nghệ phát triển, các kỳ thủ có trình độ thường gặp gỡ cao nhân trên không gian mạng để tỉ thí. Thậm chí, có cả những ván đấu xuyên quốc gia. Nhưng thời chưa có internet, cờ tướng vỉa hè là nơi nhiều cao thủ “vi hành”. Bởi “núi cao ắt có núi cao hơn”. Người ta vừa đến để giải trí, vừa để học hỏi những “nước cờ giang hồ” hiểm. Ngày nay, các tay chơi gọi đó là “cờ phủi”. Kỳ vương đất Bắc Nguyễn Tấn Thọ là người nhiều năm liền vô địch cờ tướng toàn miền Bắc (khi đó đất nước vẫn còn chia cắt). Ông chính là người đoạt chức vô địch cờ tướng năm 18 tuổi.

Giờ Kỳ vương đã đi hầu cờ các bậc tiền nhân ở cõi xa, nhưng sinh thời, ông là một kho chuyện về “cờ giang hồ”. Hồi trẻ, theo lời chỉ bảo của người thầy, ông lang thang các bàn cờ vỉa hè để học những nước hay, thế lạ. Sau này, khi có tuổi, ông vẫn không bỏ thú vui đó.

Ông thường kể hai câu chuyện tâm đắc về cái cuốn hút của cờ vỉa hè. Thứ nhất là một lần ông đi xem đánh cờ vỉa hè, “cờ vỉa” không tính thời gian cho mỗi nước đi, nên có những ván cờ kéo dài mấy tiếng đồng hồ. Khi ông đang xem thì một “khán giả” đứng cạnh la lên: “Ối giời ơi, thế là hỏng việc của tôi rồi”. Hỏi ra thì vị khán giả ấy đi mua quan tài cho người thân. Trong lúc đợi lấy “kiện hàng” đặc biệt thì ngó qua ván cờ. Lúc ông nhận ra mới biết mình đã đứng đó quá trưa. Câu chuyện thứ hai, cũng vì mải nghĩ nước cờ mà có anh làm điếu thuốc châm vào tay áo. Đến lúc lửa cháy đùng đùng rồi mới nhận ra.

Thời đại công nghệ khiến cờ vỉa hè không còn là điểm đến của các cao thủ. Tuy nhiên, không vì thế mà cờ tướng vỉa hè kém hấp dẫn. Với người cao tuổi, đây là thú chơi lý tưởng để rèn luyện trí tuệ, để thư giãn mà lại vừa rèn tính người. Với lớp trẻ, đây vẫn là nơi có thể học hỏi những nước cờ “hiểm” mà đôi khi các cao thủ ẩn danh vẫn thi triển.

Ngày nay, cờ tướng vỉa hè có một biến thể khiến nó duy trì sức hút với nhiều đối tượng, đó là “cờ úp”. Khởi đầu ván cờ, trừ quân tướng, các quân cờ của mỗi bên đều bị úp và xáo trộn ngẫu nhiên sau đó sắp theo thế trận cờ tướng thông thường. Nước đi đầu tiên của cờ úp phải tuân theo luật đi của cờ tướng tại vị trí mà nó đang chiếm giữ. Sau nước đi đầu tiên, các quân cờ được lật ra, người ta biết rõ nó là quân gì. Và từ nước đi này, các quân cờ phải đi theo luật của cờ tướng. Do sự xáo trộn ngẫu nhiên, sĩ và tượng vốn dĩ chỉ nằm một bên bàn cờ để bảo vệ tướng thì nay có thể “vượt sông” sang tấn công địch. Tốt vốn ở hàng đầu, nhưng trong cờ úp có thể xuất hiện ở hàng dưới cùng... Chính sự “đổi vị” này tạo ra bất ngờ và giúp cờ úp có thế mạnh riêng, dẫu không được công nhận chính thức.

Dù có nhiều thú vị, nhưng thi thoảng ở các khu vực có nhiều người chơi cờ vỉa hè cũng có không ít đối tượng cờ bạc, lợi dụng những ván cờ vỉa hè để kiếm tiền, gây ảnh hưởng đến thú vui tao nhã này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cờ tướng vỉa hè