1. Một buổi chiều trong quán cà phê yên tĩnh trên phố Nguyễn Tri Phương (Hà Nội), đạo diễn Đường Minh Giang kể cho tôi về quãng thời gian 40 năm làm nghệ thuật đầy sôi nổi của mình. Những câu chuyện nối tiếp nhau cho tôi cảm nhận sự hào sảng nhưng cũng rất bình dị ở người đàn ông gốc Hà Nội này. Ông là người đa tài, hẳn nhiên rồi, nhưng luôn khiêm tốn khi nói về những thành quả đạt được. Ông muốn lặng lẽ cống hiến cho nghệ thuật và mọi đánh giá hãy nhường lời cho công chúng. Với bạn bè, ông luôn sống hết sức chân tình, mộc mạc, vì thế ông có rất nhiều bạn tri kỷ. PGS.TS, nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến, tác giả ca khúc “Bài ca sinh viên” khẳng định: “Đường Minh Giang đam mê cháy bỏng với nhiều loại hình nghệ thuật nhưng không thích phô trương, khoe mẽ. Ông sống lặng lẽ, kín tiếng giữa đời sống nghệ sĩ”.
Đường Minh Giang là vậy! Ông không thích bạn bè, công chúng dành cho mình những từ bóng bẩy, hoa mỹ. Ông muốn công chúng có thể yêu, hiểu hơn về mảnh đất hay con người được nhắc đến trong phim của ông. Từng trải qua nhiều cơ quan, như Đoàn Cải lương Chuông Vàng, Đoàn Ca múa nhạc Thăng Long, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội, Nhà hát Tuổi trẻ..., nhưng cuối cùng ông chọn làm đạo diễn tự do, bởi ở đó ông được thỏa sức sáng tạo theo ý muốn của mình.
Với giọng nói chuẩn Hà Nội ấm áp, khuôn mặt phúc hậu, dáng cao ráo, lịch lãm, ông là một diễn viên “ăn khách” suốt nhiều năm. Một số vai diễn của ông nhiều người đến nay vẫn còn nhớ, như vai Tuyết Hận trong bộ phim “Tình yêu bên bờ thẳm” của đạo diễn Hải Ninh, vai tài xế Phúc trong phim “Mảnh đời của Huệ” của đạo diễn Phi Tiến Sơn, vai lão phu trong phim “Khỏa nước sông Quy” của đạo diễn Trần Vịnh, vai giám đốc Lee trong phim “Ngôi nhà cổ tích” của đạo diễn Nguyễn Khải Hưng...
Trên vai trò đạo diễn, ông làm khoảng 300 bộ phim thuộc nhiều thể loại, đặc biệt chú tâm đến đề tài văn hóa, lịch sử với mong muốn vực dậy những gì người ta lãng quên. Có thể kể đến một số bộ phim như: “Hòa An - Địa sử ký”, “Quảng Uyên - Miền đất hứa”, “Khúc tâm tư người lính”, “Đa Hội - Xưa và nay”, “Phục Hòa - Bản sắc và tương lai”...
Trong một số bộ phim, ông không chỉ là đạo diễn mà còn viết nhạc, biểu diễn, như trong phim “Đa Hội - Xưa và nay” ông đã tự sáng tác và biểu diễn ca khúc “Về quê mình Đa Hội”. Bộ phim tài liệu nói về một làng nghề sản xuất sắt thép công nghiệp có gần 500 năm tuổi ở Bắc Ninh, ca từ và cấu trúc âm nhạc trong bài hát lại mượt mà, trữ tình. Ông đã phát triển bài hát từ làn điệu dân ca quan họ cổ, thể hiện được tinh thần của một làng quê đang ngày càng đổi mới nhưng không quên gìn giữ bản sắc văn hóa. Vì vậy, mặc dù ca khúc ra đời nhằm phục vụ âm nhạc cho phim, song nó đã được ghi nhận và trở thành ca khúc đứng độc lập.
2. Đạo diễn Đường Minh Giang có tình cảm lớn lao với con người và mảnh đất Cao Bằng. Ông đã làm nhiều bộ phim về nơi này, như “Về nguồn” (2 tập), “Du lịch Cao Bằng” (3 tập), “Hạ Lang - Thức dậy một tiềm năng”..., và đặc biệt là bộ phim “Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp với Cao Bằng”. Nhiều người cho rằng, “Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp với Cao Bằng” là tác phẩm quan trọng nhất trong sự nghiệp của đạo diễn Đường Minh Giang. Nhận được câu hỏi này, ông nói, trong cuộc đời chưa biết phim nào sẽ là lớn nhất, quan trọng nhất nhưng cho đến bây giờ có thể nói đó là bộ phim đẹp nhất. Đây chính là thành quả sau nhiều năm vất vả tổng hợp tư liệu, hơn 2.000 ngày để thực hiện 3 tập phim (mỗi tập có thời lượng 40 phút), tái hiện những tháng ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn bó với mảnh đất Cao Bằng và hoạt động gây dựng cơ sở cách mạng thuở ban đầu khi Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) mới được thành lập. Đặc biệt, trong bộ phim, ông đã khắc họa sự gắn bó thân thiết, gần gũi và đầy nghĩa tình giữa vị Đại tướng kính mến với nhân dân Cao Bằng.
Đạo diễn Đường Minh Giang kể rằng, ông làm phim về Võ Nguyên Giáp như một sự tình cờ. Năm 2004, trong một cuộc trò chuyện, ông được Đại tướng chia sẻ: “Cao Bằng là quê hương thứ hai của tôi”. Từ đó, ông quyết định phải đi tìm bằng được lời giải đáp cho câu hỏi: “Vì sao Đại tướng lại xem Cao Bằng là quê hương thứ hai”.
Trong quá trình làm phim, ngoài tìm tài liệu và gặp gỡ các nhân chứng sống cùng thời với Đại tướng, bản thân ông đã được tướng Giáp kể cho nghe rất nhiều câu chuyện xúc động, thấm đẫm tình quân dân giữa Đại tướng với đồng bào vùng cao Cao Bằng. Đường Minh Giang say mê, tâm huyết làm phim này đến nỗi trong 6 năm đó, mỗi khi biết tin chỗ này, chỗ kia có vật chứng, nhân chứng liên quan đến Đại tướng là ông lại lên đường, kể cả đêm khuya. Ông trăn trở, thận trọng đến từng chi tiết nhỏ nhất bởi ông nhận thức sâu sắc rằng, việc làm phim về nhân chứng lịch sử mang tầm thế giới là không hề đơn giản. Bộ phim tài liệu hoàn thành vào năm 2010. Đại tướng nhận xét: “Phim trung thành với lịch sử”. Năm 2013, khi Đại tướng qua đời, bộ phim lại một lần nữa tạo ấn tượng khi được rất nhiều kênh truyền hình chọn chiếu.
3. Đạo diễn Đường Minh Giang ví von, con đường mà ông đang theo đuổi giống như đường Trường Sơn có nhiều xương cá mà trong sân khấu, âm nhạc, thời trang, nhiếp ảnh, hội họa... ngã rẽ nào cũng thấy ông. Tuy nhiên, ông bảo con đường chính của ông là đạo diễn, đó là "nghề tổng hòa của những nghề" mà ông từng làm trước đó. Đạo diễn là nghề không những cần kiến thức mà cần sự trải nghiệm dày dặn. Ông bảo, muốn làm đạo diễn giỏi thì phải có bản lĩnh và góc nhìn riêng. Tức là có góc nhìn, chính kiến của mình trước những vấn đề và có cách tạo nên dấu ấn để không lẫn với bất cứ bộ phim cùng đề tài trước đó.
Ở tuổi ngoài 60 nhưng đạo diễn Đường Minh Giang không cho phép bản thân nghỉ ngơi. Hiện nay, ông đang quay và hoàn thiện 3 bộ phim: “Đi tìm cái gốc của then”, “Vượt qua chính mình” (nói về người lính làm khoa học) và “Truyền kỳ phường phố Hà Nội”. Trong bộ phim “Truyền kỳ phường phố Hà Nội”, ông dụng ý dẫn dắt khán giả nhẩn nha ra phố theo cách riêng của mình. Sinh ra trong một gia đình có nhiều đời sống ở khu vực trung tâm Hà Nội, bởi vậy hơn ai hết, ông luôn tự hào về phong cách, thú chơi và văn hóa của người Thủ đô. Ông bảo, ông đang cố gắng để làm bộ phim thực sự dung dị, giản dị như đời sống hằng ngày vẫn diễn ra trên từng con phố, bởi ông cho rằng, càng bình dị bao nhiêu thì phim càng thâm nhập vào đời sống, vào tâm hồn vào người xem bấy nhiêu.