Điều chưa từng biết về ngôi nhà số 44 phố Hàng Bè

Bảo Hân| 08/04/2023 06:41

(HNM) - Nằm giữa phố cổ Hà Nội, nhìn bề ngoài, ít ai có thể biết căn biệt thự thời Pháp tại số 44 phố Hàng Bè (phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm) từng là điểm trường tiểu học, vừa là nơi nhiều hộ dân sinh sống. Trải qua thời gian, công trình đã cũ, cổng gia cố bằng khung sắt, lối vào khá nhỏ, những sinh hoạt đời thường diễn ra ở đây vẫn thoảng về dấu ấn vàng son một thuở…

Bà Lê Thị Thủy xem lại những bức ảnh kỷ niệm tại nhà số 44 phố Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm).

Vừa là nhà, vừa là trường

Sau những câu chuyện quá khứ của chủ nhân ngôi nhà từng là người giàu nhất nhì Hà thành đầu thế kỷ XX, đám cưới cô tiểu thư khuê các nhà số 44 phố Hàng Bè to nhất phố những năm 30 của thế kỷ trước, khách tới thăm hẳn sẽ khó lý giải khi tiếp cận lịch sử ngôi nhà giai đoạn vừa là trường học, vừa là nơi chủ nhân - cô tiểu thư khuê các sinh sống. Đầu chiếc cổng vào mô phỏng cổng làng giữa phố Hàng Bè sầm uất một thời gian dài treo biển Trường Tiểu học Bắc Sơn.

Chứng nhân về Trường Tiểu học Bắc Sơn hôm nay đã mai một nhiều vì lớp học sinh cũng đã sống gần trọn nửa thế kỷ trước khi ngôi trường xóa tên trên cả công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới Google để hòa tan dưới cái tên mới. Bà Chu Bích Ngọc, hiện là cán bộ văn hóa phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai nhớ lại: "Thế hệ 7X như mình bắt đầu theo học tại số 44 phố Hàng Bè. Hồi đó lớp học được bố trí tại tầng 1, dãy bên trái từ ngoài nhìn vào. Hằng ngày lũ trẻ ê a học bài trong khoảng không gian cổ kính, tĩnh mặc líu lo chim hót, tầng 2 là nơi gia chủ vẫn sinh sống. Cho đến sau này, trường nhập vào Trường Tiểu học Nguyễn Du - Trưng Vương, ký ức những thế hệ cũ đã lên ông, lên bà vẫn nhớ về cái tên Bắc Sơn đầy kỷ niệm".

Giai đoạn này cũng được chủ nhân ngôi nhà số 44 phố Hàng Bè bây giờ là bà Lê Thị Thủy (sinh năm 1955) hậu duệ đời thứ ba bên ngoại của chủ nhân ngôi biệt thự kể lại tường tận. Cách đây 60 năm, chính bà Thủy cũng từng theo học ngôi trường này. Căn biệt thự được xây dựng vào năm 1926. Chủ nhân đầu tiên là cụ Trương Trọng Vọng và cụ Nguyễn Thị Sửu, thương gia giàu nức tiếng phố cổ Hà Nội đầu thế kỷ XX, cũng là ông bà ngoại của bà Thủy. Vào những năm 1960 của thế kỷ trước, mẹ của bà Thủy là cụ Trương Thị Mô (1924-2020) hiến một phần căn biệt thự cho Nhà nước để làm lớp học. Đến tận những năm 2000, lớp học trong căn biệt thự rộng trên 800m2 vẫn được duy trì. Biết bao thế hệ đã có tuổi học trò tươi đẹp ở ngôi biệt thự này.

Trong mắt bạn bè cùng thời, mặc dù nếp nhà không còn như xưa, nhưng bà Thủy vẫn được coi là tiểu thư đài các bởi được sống trong căn biệt thự rộng lớn, có người giúp việc chăm lo mọi thứ. Điều đặc biệt hơn nữa, sau này, con trai bà, sinh năm 1991, cũng học tại trường nhà. Ngôi trường cũng là cầu nối cho chuyện tình của đôi bạn trẻ thế hệ 9X khi họ quen nhau từ tình bạn chung lớp, chung trường, cảm mến nhau rồi nên duyên vợ chồng. "Bộ ảnh cưới của các con cũng chụp ở nhà tôi, ở chính ngôi trường kỷ niệm. Xuất phát từ việc 2 nhà chạm ngõ, gia đình thông gia quyết định phải có một bộ ảnh cưới thật độc đáo ở chính ngôi nhà rất Hà Nội này", bà Thủy sôi nổi khoe về dấu ấn đặc biệt trong câu chuyện.

Viết tiếp những vàng son

Những chuyện kể về gốc tích để xây nên ngôi nhà 44 phố Hàng Bè có địa thế vuông vức hình chữ khẩu, giữa có giếng trời, xung quanh là dãy phòng khách, phòng ngủ cho cả gia tộc hay để chạm trổ 4 cột đá tinh vi, doanh nhân Trương Trọng Vọng đã thuê hẳn kiến trúc sư Pháp thiết kế và giám sát thi công… được chính những người hàng xóm hôm nay là anh Hùng bán hàng nước, chị Lan bán bún ngay lối vào kể lại vanh vách. Cụ Trương Thị Mô đã khuất núi nhưng vẫn được nhắc nhớ bởi tấm lòng bao dung nhân hậu, con nhà khuê các nhưng cho đến lúc mắt mờ, chân chậm vẫn nhiệt tình với công tác xã hội ở địa phương. Vào những ngày 27-7, những dịp lễ, Tết, chính quyền địa phương đều đến ngôi nhà này thăm hỏi gia đình và hằng ngày luôn đón nhiều du khách đến đây để tìm hiểu về hình ảnh một Hà Nội xưa...

Lần về mảng quá khứ chưa xa đó, bà Thủy tiếp lời: “Mẹ đẻ tôi ngày còn sống vẫn nhắc về căn biệt thự được xây dựng bởi bố mình là cụ Trương Trọng Vọng. Những năm 20 của thế kỷ trước, cụ Vọng người gốc Văn Điển, huyện Thanh Trì, là một doanh nhân thầu khoán giàu nức tiếng ở Hà Nội. Sau thời gian làm ăn phát đạt, cụ Vọng chủ động mua đất tại phố Hàng Bè, đưa đại gia đình từ quê lên thành phố sinh sống, vừa tiện cho giao dịch kinh doanh, vừa để con cháu được học tập tại các ngôi trường tiên tiến”.

“Công trình được thiết kế bởi một kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp, với đội nhân công lên tới gần 100 người từ các tỉnh gần Hà Nội xây miệt mài trong gần một năm. Điểm nhấn trong căn biệt thự này chính là 4 cột đá nguyên khối, được chạm khắc tinh xảo các họa tiết đào - cúc - trúc - mai nhằm mang lại may mắn, giàu sang và ấm no cho gia chủ… Đó là những gì mà mọi người có thể quan sát từ bên ngoài. “Nhưng điều mà mọi người không dễ biết là hệ thống nội thất bên trong đã vượt thời gian… Những tủ quần áo, bàn kệ và hệ thống gạch men trang trí bằng đúng tuổi của ngôi nhà khiến nhiều người ngỡ ngàng bởi lối thiết kế hiện đại, tiện nghi” - bà Thủy chia sẻ.

Quá khứ vàng son và kiến trúc của căn nhà đã nức tiếng gần xa, nhiều bộ phim Việt Nam như "Hà Nội mùa đông năm 46", "Tuổi thanh xuân", "Mùa lá rụng trong vườn", "Khép mắt chờ ngày mai", "Hương ngọc lan"... đã lấy bối cảnh số nhà 44 phố Hàng Bè trong những cảnh quay chính. Cũng rất nhiều nghệ sĩ, ca sĩ lựa chọn căn biệt thự làm địa điểm để quay MV ca nhạc. Khách du lịch xa gần, từ tận trời Tây xa xôi cho đến phương Nam nắng gió, mỗi lần đến Hà Nội đều ghé thăm ngôi nhà mà mỗi vật dụng nhỏ như viên gạch tráng men, hoa văn cong sắt cửa sổ… đều muốn thầm thì những câu chuyện xưa.

Bà Thủy "bất đắc dĩ" trở thành hướng dẫn viên du lịch trong chính ngôi nhà, ngôi trường của mình. Cũng vì thế bà xởi lởi, vui vẻ, trẻ ra hơn chục tuổi so với lứa tuổi “thất thập cổ lai hy”. Bà vui vẻ pha ấm trà nhài tiếp khi thì đoàn khách Tây Ban Nha, khi thì đoàn khách Pháp tới thăm; lúc lại chiều lòng đoàn làm phim Việt Nam… mong muốn thay đổi lại màu sơn các căn phòng cho phù hợp bối cảnh phim. Việc thay đổi đều được bà đồng ý trên quan điểm giữ nguyên những gì vốn có, những sắp đặt đầu tiên ở mỗi căn phòng theo đúng tinh thần ông ngoại bà để lại.

Trải qua nhiều biến động của lịch sử, hiện tại gia đình bà Thủy chỉ quản lý phần diện tích hơn 200m2. Phần diện tích này vẫn được gia đình giữ nguyên hiện trạng ban đầu. Trong khuôn viên ngôi nhà dấu ấn về ngôi trường vẫn còn nguyên những khẩu hiệu “Rèn đức luyện tài” như nhắc mãi câu chuyện đẹp về những chủ nhân sống hiếu đễ, sẵn sàng sẻ chia khó khăn với cộng đồng.

Cũng như ngôi nhà, trải qua gần một thế kỷ tồn tại, nhưng lối kiến trúc dường như vượt qua mọi sự biến hóa của thời gian, cũng như những thay đổi về phong cách kiến trúc trong từng giai đoạn khác nhau. Để đến nay, khi bồi hồi bước đi lên những bậc thang cũ thầm thì màu thời gian sẽ cảm nhận ngay được những nét vàng son cổ kính xen lẫn hiện tại đang tiếp nối giữa ồn ào phố phường ngoài kia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều chưa từng biết về ngôi nhà số 44 phố Hàng Bè