Thăng Long đệ nhất kéo

Việt Cường| 06/04/2023 15:56

(HNMCT) - Làng Kim Liên xưa tên gốc là làng Kim Hoa. Dưới thời nhà Nguyễn, do chữ “Hoa” phạm húy mẹ của vua Thiệu Trị là Hồ Thị Hoa nên phải đổi là Kim Liên. Làng còn được gọi bằng tên Nôm là Đồng Lầm. Ngày nay, làng Kim Liên thuộc phường Phương Liên (quận Đống Đa, Hà Nội).

Thợ làng nghề Kim Liên cắt tóc miễn phí tại hội làng. Ảnh: Quang Thái

Xa xưa, làng Kim Liên nổi tiếng với đặc sản rau muống thả bè và nghề nhuộm vải kiểu lầm bùn dưới hồ. Đặc biệt hơn cả, Kim Liên còn là làng nghề cắt tóc nam của Hà Nội mà ban đầu gọi là nghề thợ cạo. Cũng không rõ cái nghề “vít cổ thiên hạ” của làng Kim Liên có từ bao giờ, nhưng người ta cho rằng, nghề thợ cạo truyền thống làng Kim Liên có từ phong trào cách tân, đàn ông cắt bỏ búi tó củ hành mà để tóc ngắn. Thợ cạo Kim Liên thường cắt cho nam giới kiểu tóc nồi đất, trẻ em kiểu để chỏm trái đào. Nhưng đến thời Pháp thuộc, do ảnh hưởng kiểu cách để tóc của người phương Tây nên nghề thợ cạo mới chính thức gọi là nghề cắt tóc.

Trước Cách mạng Tháng Tám, từ sáng sớm, đàn ông làng Kim Liên đã xách hòm đi khắp các vùng ngoại thành như Tương Mai, Hoàng Mai, Cầu Giấy... để hành nghề cắt tóc dạo. Dần dần, họ mở được cửa hiệu ở khu vực trung tâm thành phố. Hầu hết hiệu cắt tóc ở Hà Nội do người làng Kim Liên dựng lên, như cửa hiệu ở phố Cửa Nam của cụ Tổng Du, cửa hiệu ở phố Hàng Bông do cụ Phạm Ngọc Phúc và cụ Cả Lâm mở. Ở phố Hàng Gà có cửa hiệu Liên Đàm, cụ Kim Vân còn nhận thầu cắt tóc cho binh lính Pháp đóng trong thành. Đặc biệt là cụ Phạm Duy Hiền (cụ Đảng) từng được vua Bảo Đại chọn làm thợ cắt tóc riêng cho mình và quần thần.

Từ năm 1954 - 1968, nghề cắt tóc của làng Kim Liên phát triển mạnh. Nhiều tay cắt tóc của làng trở nên nổi tiếng, vươn ra làm ăn ở khắp các phố phường đất Hà thành. Tiếng lành đồn xa, không là chỉ các hiệu nổi tiếng ở Hà Nội mà người dân trong làng đã đi các tỉnh lân cận để lập nghiệp.

Trong thời kỳ bao cấp, với chủ trương xóa bỏ kimh tế cá thể, nghề cắt tóc cũng như các ngành nghề phục vụ khác phải hoạt động theo mô hình tập thể. Lúc bấy giờ, ở Hà Nội có những hợp tác xã cắt tóc, cao hơn là mô hình cắt tóc mậu dịch ở phố Hàng Khay, Tràng Thi, Hàng Trống. Người thợ cắt tóc mậu dịch hưởng lương tháng, được cấp sổ gạo, các loại tem phiếu mua hàng theo giá cung cấp và cũng được hưởng chế độ hưu trí như các ngành nghề khác.

Trong hành trình làm đẹp cho cánh mày râu, không thể không nhắc đến những quán cắt tóc bình dân. Trước đây, ở phố Quang Trung, Láng, Thái Thịnh... có đội quân cắt tóc vỉa hè đông đảo nhưng nay, các quán kiểu này ngày càng ít đi. Các thợ cắt tóc dạt ra khu vực thông thoáng, rộng rãi hơn và tiếp tục hành nghề. Ở bất kỳ tuyến đường, khu dân cư nào cũng có thể bắt gặp những quán cắt tóc mộc mạc như vậy. Người thợ cạo chỉ cần ghế xếp, gương, lược, khăn dù, vải bạt dựng sơ sài dưới gốc cây, cột điện, bờ tường là có thể hành nghề. Thợ cắt tóc vỉa hè gồm nhiều thành phần, lứa tuổi khác nhau. Có người về hưu sớm bươn bả làm nghề kiếm thêm, có người là bộ đội ra quân không xin được việc, có sinh viên chưa ra trường hoặc đã tốt nghiệp mà chưa xin được việc cũng tranh thủ hành nghề. Họ chăm chỉ, cần mẫn dưới nắng mưa, hít thở bụi đường kiếm đồng tiền chân chính lo cho bản thân và gia đình.

Riêng thế hệ chúng tôi lại gắn bó với đội quân cắt tóc ở vỉa hè phố Quang Trung. Một dãy hơn chục thợ cắt tóc treo gương trên bức tường rào trước kia là của tu viện Sainte Marie, nay thuộc Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba. Các ông thợ làm đẹp cho các “thượng đế” chỉ bằng kéo, ít khi dùng đến tông đơ. Trong đội quân cắt tóc ở đây, anh Cờ là người có tay nghề siêu nhất. Trong khi các ghế khác thường trống thì ghế của anh lúc nào cũng có 2 - 3 khách chờ đến lượt để được thưởng thức tài múa kéo và những câu chuyện dí dỏm của anh. Thời gian đó, do các rạp ở Hà Nội chiếu bộ phim “Thăng Long đệ nhất kiếm” nên anh Cờ được các “thượng đế” tôn vinh là “Thăng Long đệ nhất kéo”. Các ông phó cạo có lượng khách quen rất đông là bởi ngoài tay nghề cao, biết lựa chọn kiểu tóc phù hợp với khuôn mặt của khách lại có tài nói chuyện với khách về nhiều đề tài khác nhau.

Để khôi phục, duy trì và phát huy nghề truyền thống, khoảng 10 năm trở lại đây, vào ngày 15 tháng Ba hằng năm, tại hội đình - đền Kim Liên lại có hội thi cắt tóc để tôn vinh một nghề làm đẹp cho đời. Tham gia cuộc thi, những người thợ chỉ được dùng kéo và phải cắt, hoàn thành mái tóc trong vòng 5 phút. Người thắng cuộc sẽ được nhận danh hiệu “Cây kéo vàng”.

Cho đến nay, nhiều cửa hàng cắt tóc nổi tiếng ở Hà Nội đều do thế hệ con cháu của làng Kim Liên làm chủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thăng Long đệ nhất kéo