Hà Nội văn

Đồng làng rơm rạ

Truyện ngắn của Phùng Phương Quý 09/12/2023 - 12:50

Mười tám tuổi, trượt đại học, hắn quyết định ở lại thành phố tìm việc làm, chờ thi tiếp. Nơi hắn làm việc là một quán ăn bình dân. Phía sau bếp, ngày đêm tỏa mùi nước thải chua loét, mùi khói than tổ ong ngộp thở làm hắn nhớ mùi rơm rạ đốt đồng ở quê, mỗi vụ gặt xong.

z4940212985199_9acfe9b25d41.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Hai mươi tuổi, hắn thành nhà thơ. Không đỗ đại học thì đã sao? Hắn phát hiện tài văn chương tiềm ẩn trong người. Từ khi thử vận may bằng cách gửi hàng sấp bản thảo thơ cho các tờ báo, bài thơ được đăng đầu tiên làm hắn mất ngủ. Giấu biến tờ báo dưới chiếu, hắn sợ ông chủ quán phát hiện. Ông này tối kỵ sách vở, báo chí nhăng nhít. Những lần sau, thơ hắn lại thi thoảng xuất hiện trên mặt báo. Hắn đem khoe với bạn bè, đương nhiên họ gọi hắn là nhà thơ. Hắn về quê, đem theo những tờ báo có in thơ của mình cho mẹ và các em xem. Mẹ hắn khóc, còn các em tròn mắt nhìn anh. Đúng là ra thành phố, chẳng mấy chốc mà thành tài.

Tự hắn thấy làm thơ cũng không dễ, phải có tài, có hứng mới làm được. Từ ngày trở thành nhà thơ, hắn ít phải lăn lộn sau những bếp nhà hàng, nhưng cảm hứng cũng dần cùn đi. Thời gian gần đây, bài thơ nào hắn cũng làm èo oặt như đứa trẻ sinh thiếu tháng.

Đời nhiều khi có chuyện bất ngờ. Một ông chủ thích thơ của hắn, rủ cùng lên núi nghỉ mát. Hắn hí hửng nhận lời ngay, may ơi là may vì đang cần thay đổi không khí cho những vần thơ thai nghén.

Quả đúng như mong muốn. Nơi đây đẹp quá, núi vẩn vơ dáng mây, tiếng thác nước ào ạt, chim chóc ríu ran, bướm bay la đà. Hít đầy lồng ngực làn khí trời thơm ngậy hương rừng, hắn vô cùng sảng khoái. Thi hứng phảng phất đâu đây.

Hình như cả thành phố đều kéo lên đây, hai ngày cuối tuần nườm nượp xe và người dồn về khu nghỉ mát. Thung lũng trở nên náo nhiệt. Hắn bỗng nhận ra vài gương mặt quen dưới thành phố. Bỏ đi lang thang tìm cảm hứng, hắn may mắn gặp bãi cỏ rộng sau khu dân cư. Bãi cỏ tĩnh lặng, nhưng vương vãi nhiều rác, nhất là túi nilon đủ màu và vỏ đồ hộp.

Những tảng đá hình tròn, hình chữ nhật, những ngọn cỏ xanh đôi chỗ bị giẫm đạp. Ngồi trên một hòn đá to vuông vức như mặt bàn, hắn phóng tầm mắt nhìn xuống. Núi nhấp nhô thấp dần đến khi gặp con đường đất đỏ ngoằn ngoèo nối từ bờ sông tới chân núi, gặp con đường nhựa xám thành con rắn bò ra thị xã xa xa. Một cơn gió ào đến, đem mây phủ kín chỗ hắn ngồi, lãng đãng một lúc rồi lại kéo ùa đi, để lại mùi ngây ngất của hoa dại. Cảm xúc ùa đến khi dưới đồng bằng chợt mù mịt khói đốt đồng, những đụn khói nhỏ lãng đãng bay ngang, hình như thoang thoảng mùi rơm rạ. Tứ thơ đầu tiên chực trào ra. Đúng lúc sau lưng hắn có tiếng bước chân lệt sệt, đều đều.

Hai người đàn bà xuất hiện, vung tay nhịp nhàng theo kiểu bộ đội đi đều. Tuy vậy bốn cái chân lại bước không đều bởi hai bà đều béo như hũ mỡ. Bà đi trước mặc bộ đồ xanh chấm trắng, mặt phèn phẹt, hai má và cằm chảy xệ, đôi mặt hum húp, nhẫn nhục. Bà đi sau quần lửng màu đỏ, áo trắng hở nách, mặt tròn xoe mãn nguyện. Cả hai vừa đi vừa vung tay đều theo một bài tập dưỡng sinh. Họ cố nhấc cao chân, vung tay ngang ngực. Hít thở! Hít thở! Trời ơi! Bà đi sau chân bước lệt sệt, cánh tay nần nẫn vung lên nửa chừng lại thả xuống. Hắn khó chịu vì bị quấy rầy, nhưng vẫn phải kêu thầm trong bụng. “Khỉ ạ! Bước chân sai rồi!”. Bài đi đều này, hồi còn đi học hắn cũng tập mãi rồi.

Tự nhiên hắn chăm chú vào hai bà béo tập đi, vui vui như xem gấu làm xiếc. Được một lúc lại thấy chán, chỉ mong hai bà béo đi khỏi đây cho nàng thơ trở lại. Vậy mà hai người đi quanh tảng đá đến lần thứ tư, chăm chú vào từng bước chân và coi hắn cũng là tảng đá. Hắn bắt đầu cảm thấy bực mình. Hai kẻ béo núc ních kia bắt hắn nhớ những chuyện đời thường dưới phố. Sao bà béo đi trước kia giống bà vợ của ông cán bộ hải quan cạnh nhà hắn thuê. Mỗi sớm ông chồng đứng trước cổng, đủng đỉnh sửa lại cà vạt, vuốt vuốt mái tóc rồi mới chui vào chiếc xe biển xanh đen bóng. Chiều về, tay xách cặp số, lao ra khỏi xe cắm đầu bước vào nhà như bị ma đuổi. Nhà ấy nhờ ông chồng hái ra tiền mà lôi vợ con ở quê ra thành phố được ba năm nay. Lúc mới đến, bà vợ gầy tựa tàu chuối khô, đi đâu cũng nem nép. Bây giờ phát phì đến không nhận cả ra mình, lại mắc bệnh cao huyết áp. Bà lùn đi sau kia lại giống bà chủ tiệm cầm đồ giữa phố. Bà này phất lên từ khi mở tiệm cầm đồ, mỗi mùa “uôn - cúp” thu cả tỷ đồng. Bà ở góa dăm năm nay, có ba cô con gái đều đã gả chồng. Một mình trông nom cái tiệm to đùng, bà phải thuê thêm một anh chàng trẻ tuổi, có chữ nghĩa giúp việc. Năm ngoái, vào tuổi năm hai bà chủ lấy chồng. Nói thế cho có trước có sau, chứ hai người chỉ về ở với nhau chứ không tổ chức đám cưới. Chồng bà chính là anh chàng giúp việc trẻ tuổi, hơn cô con gái đầu có mấy tuổi. Từ ngày lấy chồng, bà trẻ hẳn ra, mặt lúc nào cũng hơn hớn.

Hai bà béo ấy thân nhau, sáng nào cũng cùng đi bộ. Chân bước lệt sệt, hai tay vung đều. Hít thở. Hít thở.

Sự liên tưởng làm hắt tịt hứng. Cuốn sổ nhỏ và cây bút bi lăn lóc trên mặt đá. Mùi rơm rạ dưới đồng bằng lại thoảng lên nỗi nhớ nhà. Mùa này ở quê đã xong vụ gặt, đồng làng mênh mông, chấp chới cánh cò trắng. Những đống rơm rạ cháy ngun ngún, mùi lúa lép cháy thơm lừng.

Mẹ hắn là một người nông dân quanh năm tất bật với hàng trăm công việc không tên và có tên. Bà thường dậy vào lúc ba giờ sáng nấu cám lợn, lo cơm sáng cho mấy anh em hắn, rồi quét dọn sân vườn, cổng ngõ, rồi giặt giũ hàng đống quần áo. Đôi lúc hắn cũng dậy sớm cùng mẹ, dù chẳng làm gì. Hắn ngồi ngắm bếp lửa cháy phừng phừng soi hắt lên khuôn mặt lòa xòa tóc hoa râm, héo hắt lo toan của mẹ. Khi anh em hắn lục đục dậy ăn cơm chuẩn bị đến trường là lúc bà mẹ quang gánh trên vai, đi như chạy ra đồng, ống quần xắn cao quá gối, hai ống chân gầy đỏ quạch nước phèn.

Hắn lớn lên, được học đến lúc thi đại học là nhờ những củ khoai, củ sắn vừa bùi vừa ngọt, những hạt gạo quê trắng đục mồ hôi. Hắn tìm ra thành phố mong lập nghiệp, không thành ông chủ nhưng thành nhà thơ. Cái danh cũng quan trọng đối với người nhà quê. Thành phố chấp nhận hắn vì có tài lẻ. Những bài thơ của hắn đứng được trên mặt báo, có đồng nhuận bút còm là nhờ đầy ắp những hình ảnh thôn dã quê nhà. Hắn đã thành danh (dù danh hão), còn mẹ hắn vẫn thế. Vẫn thức dậy lúc ba giờ sáng và đi ngủ khi gà gáy canh một.

Nỗi nhớ mẹ làm ngòi bút trên tay hắn run run chạy trên trang giấy.

“Từ khi con sinh ra
Đã gặp trên áo mẹ
Thoang thoảng mùi bùn non
Lẫn trong từng giọt sữa
Làng quê vào vụ cấy
Mẹ còng lưng giữa đồng
Nhấp nhô như dấu hỏi
Mặc mưa nắng, bão giông...”

Viết đến đấy, hắn nấc lên, nước mắt chảy mặn mòi khóe môi. Hắn không để ý đến bước chân lệt sệt xung quanh mà nhìn về phía đồng bằng, khói rơm rạ vẫn còn bảng lảng. Hình như khói bay lên tận đỉnh núi cao, làm mắt hắn cay xè.

Hôm sau, vừa trở về thành phố hắn đã đeo cái túi vải nhếch nhác đựng vài bộ quần áo đi ra bến xe. Hương mùa xuân ngầy ngậy xung quanh, trên những nụ hoa đào chúm chím, trên những khuôn mặt lo toan hay rạng rỡ đón chờ. Hắn không nói với ai sự trở về đột ngột này.

Xe bon nhanh, ngược hướng với dòng xe đổ về thành phố. Phía trước, đồng ruộng trải dài, hắt lên mùi rơm rạ nồng nàn, ấm cúng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đồng làng rơm rạ